| Hotline: 0983.970.780

Dòng nước trong tuôn chảy về thôn, làng

Thứ Năm 07/11/2019 , 09:01 (GMT+7)

Kể từ ngày dòng nước sạch được đưa về tận thôn làng, người dân vùng cao ở Lâm Đồng mới được hưởng cuộc sống bớt khó khăn, khổ ải.

09-51-32_nh_1_nuoc_sch
Nông dân xã Lát không còn phải lên núi cõng nước như những năm trước.

Họ không còn bận tâm về việc phải trèo qua những con đèo, bước dài qua những cánh rừng mỗi khi… khát.

Xã Lát (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) là một trong những địa phương có địa hình nhiều đồi núi và trong quá khứ, người dân từng phải sống trong cảnh khổ sở do kinh tế kém phát triển. Có thời gian, cùng với việc quần quật lao động, kiếm kế sinh nhai, người xã Lát còn phải vất vả leo đèo, lội suối để tìm nguồn nước sạch cho các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Ông Bro, người dân thôn Păng Tiêng (xã Lát) chia sẻ: “Ngày trước dân Păng Tiêng khổ lắm, làm gì có nước về tận nhà như bây giờ. Ngày nào đi làm về cũng phải mang đồ vào rừng lấy nước. Ai khỏe thì còn vào được những nơi đầu nguồn ở rừng sâu lấy nước sạch. Người già, người yếu thì chỉ ra đoạn suối gần nhà lấy thôi”.

Mở vòi nước trong vắt và mát lạnh, bà Ngô Thị Hiệp, ngụ thôn Đạ Nghịt 1 (xã Lát) không giấu được niềm vui. Bà Hiệp sinh ra và lớn lên ở một tỉnh phía Bắc và vào thôn Đạ Nghịt lập nghiệp từ khoảng 25 năm trước. Bà chia sẻ, khi đặt chân đến vùng đất lạ, bà phải làm lụng nhiều việc để mưu sinh. Cũng như người dân bản địa, để có được thức ăn, nước uống, bà phải trải qua nhiều thử thách, đổ nhiều công sức.

“Cái khổ nhất vẫn là nguồn nước sinh hoạt. Ngày đó, dù có đau yếu thì cũng phải gắng gượng xuống suối gánh cho được nước về để dùng”, bà Hiệp tâm sự và cho biết thêm, hiện nay, nhờ nước từ trạm trên đồi bơm về tận nhà nên người dân yên tâm sử dụng. Cả làng không còn phải lo chuyện mưa lũ kéo dài hay hạn hán như những năm trước.

Ông Rơ Ông K’Siu, Chủ tịch UBND xã Lát cho biết, hiện nay, người dân địa phương sử dụng nước sinh hoạt từ 2 điểm cấp nước ở xã. Trong đó bao gồm Trạm nước sinh hoạt tại thôn Đạ Nghịt, được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT Lâm Đồng) xây dựng vào năm 2009 và điểm còn lại là bể lớn ở nơi đầu nguồn.

Theo ông K’Siu, Trạm nước tại thôn Đạ Nghịt đã được xây dựng hệ thống lọc áp lực với công suất 10 m3/giờ nên chất lượng nước tương đối tốt, đủ cung cấp cho hàng trăm hộ. “Trước đây người dân phải vào tận khe, suối cõng nước nên giờ được thế này họ rất phấn khởi”, ông K’Siu cho hay.

Ông Phan Văn Hợi, Trưởng phòng Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn (Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng) cho biết: “Công trình cấp nước tập trung ở huyện Lạc Dương hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, qua xét nghiệm, nhiều mẫu đạt tiêu chuẩn nước sạch ở tỉ lệ thấp. Do vậy, thời gian tới cần đầu tư, xây dựng hệ thống lọc và các trang thiết bị hiện đại khác để cải thiện nguồn nước cho người dân”.

09-51-32_nh_2_nuoc_sch
Trạm nước sinh hoạt tại thôn Đạ Nghịt (xã Lát) được lắp đặt hệ thống lọc công suất lớn.

Cũng theo ông Hợi, đến cuối 2018, tỷ lệ người dân nông thôn ở tỉnh Lâm Đồng được sử dụng nước hợp vệ sinh là khoảng 88%, tương đương với trên 700 nghìn người. Trong đó số hộ sử dụng nước sạch chiếm tỷ lệ trên 24%, tương đương khoảng trên 196 nghìn người. Trên toàn tỉnh có khoảng 243 công trình cấp nước tập trung và nhìn chung hoạt động có hiệu quả.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, địa phương đề nghị các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ nguồn kinh phí để tỉnh đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa các công trình hoạt động kém hiệu quả. Đồng thời xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư các thiết bị xử lý nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm Asen, khuẩn Ecoli… ở các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Trong năm 2019 và 2020, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả địa bàn tỉnh Lâm Đồng do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Trong đó có hợp phần cấp nước nông thôn cho 19 danh mục công trình với trên 19 nghìn đấu nối để cung cấp nước cho người dân nông thôn.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.