| Hotline: 0983.970.780

Dòng sông Kinh, rừng dừa Tịnh Khê: Nơi lịch sử, thiên nhiên hội ngộ hồn người

Thứ Năm 29/12/2022 , 06:10 (GMT+7)

Gắn với dòng sông Kinh là rừng dừa nước xanh rờn chiếm phần lớn diện tích vùng ngập nước phía Bắc cửa Đại, rồi chạy theo đôi bờ sông.

Empty

Rừng dừa nước sông Kinh.

Dòng sông Kinh lấy nước từ cửa Đại Cổ Lũy (cửa Đại) đổ về cửa Sa Kỳ tạo thành một tuyến đường thủy dài hơn 7km, chạy men theo ven biển, lững lờ trôi qua các xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ của thành phố Quảng Ngãi.

Sự tác động hợp lý, nhún nhường sức lực của con người vào địa hình tự nhiên đã hình thành nên một dòng sông vừa có cảnh quan thơ mộng, vừa mang đậm nét đặc thù trong cách ứng của cư dân Việt miền Trung với thiên nhiên vùng ven biển.

Cũng như hầu hết các dòng sông từ Thanh Hóa trở vào Đồng Nai, sông Trà Khúc phát nguyên từ miền rừng núi phía tây rồi đổ về đông, trước khi ra biển. Ở vùng hạ du, các khe suối nhỏ trong lưu vực không dồn nước thành các phụ lưu đổ ra sông mà loang thành nhiều đầm, phá.

Những đầm nước, lạch nước tự nhiên này được con người khơi dòng chảy nối thông nhau để hình thành một con sông đào theo dạng thủy lưu dọc biển. Những dòng sông như vậy giúp cho tàu thuyền vốn hạn chế về sức chịu đựng sóng to gió cả của người Việt có thể dễ dàng di chuyển trong lòng sông vào mùa biển động.

Ông Trương Quang Thao, một cư dân ở làng Mỹ Lại, năm nay (2022) đã ngoài 80 tuổi cho biết: Cách đây chừng hơn nửa thế kỷ trở về trước, tuyến đường thủy sông Kinh khá nhộn nhịp, nhất là vào mùa mưa bão. Ghe thuyền chở đồ gốm Mỹ Thiện, cá chuồn muối, nước mắm, cá khô… từ cửa Sa Kỳ qua cửa Đại, rồi từ cửa Đại theo thuyền buồm ngược lên vùng đồng bằng Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, tận núi Tròn, Ba Gia, Đồng Ké, Đá Sơn và nguồn Sơn Hà.

Ở chiều ngược lại, “nậu buôn thuyền” theo ghe kinh mang hàng mỹ nghệ, dầu lửa, dầu rái từ bến Tam Thương trên sông Trà Khúc ra tận Sa Kỳ để bán ngược lên vùng đồng bằng và miền núi huyện Bình Sơn, nguồn Trà Bồng, một phần theo đường biển ra cù lao Ré (Lý Sơn).

Empty

Bến thuyền trên sông Kinh.

Gắn với sông Kinh là rừng dừa nước xanh rờn chiếm phần lớn diện tích vùng ngập nước phía Bắc cửa Đại, rồi chạy theo đôi bờ sông, hợp cùng màu xanh của rừng dương mé biển, của màu biển, màu trời như thể một bức tranh thiên nhiên, hòa sắc độc đáo, lấy chuyển động nhịp điệu màu xanh làm chủ đạo. Ông Bùi Chiến, bảy mươi hai tuổi, người phường Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi) kể rằng, ông có người cha buôn đường mía xuôi ngược sông Kinh và hạ lưu sông Trà Khúc. Có lần ông được cha cho theo thuyền buôn.

Người chèo thuyền trên sông đưa thuyền chở người và hàng hóa men theo rừng dừa, thỉnh thoảng chuyển dòng theo quy ước của người đi thuyền và người làm cá để tránh cho thuyền khỏi vướng vào nò. Gió biển nhè nhẹ thổi, những chiếc tổ dồng dộc được lũ chim đan rất khéo, đong đưa theo làn gió, tạo thành một khung cảnh nên thơ lưu ấn tượng trong ông cho đến tận bây giờ về một vùng sông nước hữu tình.

Khi thuyền từ cửa Đại đi vào sông Kinh, hai bên bờ mênh mang dừa nước, chim dồng dộc làm tổ rất nhiều trên các tàu dừa dọc theo sông Kinh. Có những tổ chim người ngồi trên thuyền chỉ cần với tay là có thể chạm vào. Dưới sông, người dân đặt nò bắt cá. Nò là dụng cụ đan bằng tre, người ta đem thả xuống các đầm nước hoặc men theo bờ kênh, rạch, sông đào để nhử cá chui vào.

Empty

Bia Huệ Dưỡng Viên.

Ông Nguyễn Văn Tâm, người quê làng Trường Định, nay đã hơn lục thập, nhớ lại: Chỉ mới cách nay chừng hơn hai mươi năm, con sông Kinh ngan ngát rừng dừa nước, rồi dừa cao ăn trái hàng mấy chục ha.

Đoạn sông từ cửa Đại đến cầu sông Kinh, hai bên dừa nước xanh mơn mởn, còn từ cầu sông Kinh về phía cuối xóm Khê Thanh lại là rừng dừa ăn trái vút lên cao, rồi nghiêng bóng xuống dòng sông. Chồm ra ngoài phía biển là rừng dương và bãi cát hình cánh cung. Từ đây, ngước nhìn về phía đông bắc sẽ thấy mũi Ba Làng An hiện ra trong tầm mắt.

Ngay dưới chân cầu sông Kinh, cách bờ sông chưa đầy 10m, dưới bóng mát của một cây bàng cổ thụ có một tấm bia đá được dựng cách nay 120 năm, mặt trước, nhìn ra sông khắc 3 chữ Hán (Huệ dưỡng viên). Năm 1863, Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế (1793 - 1865), một bậc cố mệnh lương thần của triều Nguyễn về trí sĩ ở quê nhà.

Ông là con thứ trong một gia đình họ Trương nổi tiếng, gọi Đô đốc Tây Sơn Trương Đăng Đồ là chú ruột, ra Huế học hành, thi cử, rồi làm quan từ khi còn rất trẻ. Ở kinh thành, Trương Đăng Quế cùng gia đình sống trong công xá, nên khi về hưu, trở lại quê nhà Mỹ Khê (nay thuộc xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi) thì không có nhà cửa, ruộng vườn.

Vì vậy, vua Tự Đức cho xuất công quỹ, mua mảnh vườn nhỏ, cất một căn nhà (cũng mua lại bộ khung gỗ của một người chủ khác) để ban tặng cho ông. Huệ dưỡng viên, khu vườn được vua ban tặng cho bậc lão thần để dưỡng già, có lai lịch là như vậy.

Ngược dòng lịch sử, vào đầu năm 1836, ông Trương Đăng Quế được vua Minh Mạng chọn làm Kinh lược đại thần, đi kinh lý 6 tỉnh Nam Kỳ để đo đạc, thiết lập địa bạ và đinh bạ vùng Nam kỳ lục tỉnh, và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng đại này chỉ trong vòng 6 tháng. Mười sáu năm, từ lúc ra Kinh đô ứng cho đến khi nhận trọng trách vào Nam, ông chưa từng được nhà vua cho phép về thăm quê, mặc dù mẹ ông đã mất trong thời gian ông xa nhà. Khi thuyền công cán về Nam, ngang qua mảnh đất Mỹ Khê, ông cảm tác bài thơ “Thuyền quá Quảng Ngãi cố hương” (Thuyền qua quê nhà Quảng Ngãi), trong đó có 2 câu kết: "Khởi lập thuyền đầu vọng/ Dao thôn ẩn bệ la".

Tạm dịch:

Đầu thuyn ngoái lại tần ngần

Làng xưa chầm chậm khuất dần bóng cây!

Cái bóng cây dần khuất tầm nhìn của ông quan thi sĩ Trương Đăng Quế khi ra đứng đầu thuyền mà nhìn về cố hương với biết bao thương nhớ chính là bóng những rặng dừa nước sông Kinh của vùng đất Mỹ Khê mà các cụ già ở đây cho biết đã hình thành từ mấy trăm năm trước.

Sau khi ông Trương Đăng Quế qua đời, ngôi nhà dựng trên khu vườn ấy trở thành nhà thờ bậc lão quan lương đống mà cũng là một nhà sử học, nhà thơ nổi tiếng thế kỷ 19. Mấy mươi năm chiến tranh, nhà cũ bị thiêu rụi, không còn dấu vết. Năm 2007 con cháu dòng họ Trương phục dựng lại ngôi nhà, dựa theo hồi ức của các bậc cao niên trong dòng họ và dân làng Mỹ Khê, không khác mấy so với những ngôi nhà rường truyền thống ở Quảng Ngãi, kiến trúc bền vững, giản dị, hài hòa với thiên nhiên, bố trí không gian nội thất hợp lý. Trong ngôi nhà này, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý báu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông Trương Đăng Quế, cũng như lịch sử triều Nguyễn và qua đó là lịch sử Việt Nam.

Ông Trương Quang Thao cũng cho biết, khoảng cuối thập niên 80 về trước, nguồn thủy sản trên sông Kinh rất dồi dào, trong đó phải kể đến những loại cá (cá bống, cá đối, cá hanh, cá chim…) các loài sò ốc (sò huyến, chim chíp...), các loài giáp xác (cua, tôm) các giống da trơn (lươn, lịch, chình)… Khai thác thủy sản dưới lòng sông Kinh, thuận theo tự nhiên, là nguồn thu nhập chính của một bộ phận cư dân các xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa.

Không chỉ có ý nghĩa về mặt đa dạng sinh học, trong những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm, sâu trong rừng dừa nước Tịnh Khê đã hình thành một căn cứ hiểm yếu của cách mạng, lợi dụng đặc điểm tự nhiên là rừng dừa nước và đầm lầy.

Empty

Nhà thờ Trương Đăng Quế.

Sông Kinh và rừng dừa nước Tịnh Khê là một phần đậm nét trong lịch sử kháng chiến của quân và dân xã Tịnh Khê cũng như của quân và dân tỉnh Quảng Ngãi trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc.

Dòng sông Kinh là hành lang bí mật để di chuyển lực lượng và hậu cần từ huyện Đông Sơn (một huyện hình thành trong kháng chiến, bao gồm miền đông huyện Bình Sơn và miền đông huyện Sơn Tịnh lúc bấy giờ) đột nhập vào thị xã tỉnh lỵ, đồng thời là nơi đồn trú, đứng chân của các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh Quảng Ngãi, như Đại đội 21, tiểu đoàn 48, các Đội công tác Nghĩa An, Nghĩa Phú, Nghĩa Dũng của huyện Tư Nghĩa. Tại đây đã từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét của địch vào xã Tịnh Khê, làm tiêu hao nặng nề sinh lực địch, tạo ra một hướng đột phá vào tỉnh lỵ Quảng Ngãi từ phía Đông Bắc.

Ngày 10/6/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-UBND, xếp hạng căn cứ Rừng dừa nước tại xã Tịnh Khê là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Vì vậy, sông Kinh và rừng dừa nước vừa là di tích lịch sử văn hóa, vừa là di sản thiên nhiên quý báu mà đất trời và lịch sử trong mối duyên hạnh ngộ đã mang tặng cho người dân Tịnh Khê và cho quê hương Quảng Ngãi.

Mấy mươi năm trở lại đây, dòng sông Kinh cũng như rừng dừa nước Tịnh Khê đã trải qua nhiều biến động. Giai đoạn từ thập niên cuối của thế kỷ 20 đến những năm đầu thế kỷ 21 rừng dừa nước trên sông Kinh bị tàn phá đến xót lòng.

Lúc bấy giờ, nghề nuôi tôm sú mang lại nguồn thu nhập cao nên người dân ồ ạt phá dừa, lấn sông Kinh để làm hồ nuôi tôm tự phát. Mấy năm đầu trúng lớn, nhiều người phất lên chỉ sau vài vụ tôm. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, do khai thác quá mức và không được hướng dẫn giải pháp bảo vệ môi trường, nguồn nước sông Kinh bị ô nhiễm, tôm nuôi nhiễm bệnh chết hàng loạt, người nuôi thất thu, không ít gia đình lâm vào cảnh khốn khó. Hàng chục hồ nuôi bị bỏ hoang, người dân chuyển sang nghề khác…

Rừng dừa nước lại nhờ vậy mà có cơ hội hồi sinh. Dòng sông Kinh cơ bản không còn bị nước bẩn trong các hồ nuôi tôm xả ra nên đã dần dần trở lại trạng thái cân bằng tự nhiên như lúc ban đầu. Đến nay, diện tích rừng dừa đã có khoảng trên 9ha, nhiều hộ dân trở lại sống bằng nghề khai thác lá dừa, đan thành tấm lợp để bán cho các khu du lịch, nhà hàng mang lại nguồn thu nhập khá. Nghề khai thác thủy sản trên sông Kinh cũng đã từng bước phục hồi.

Khu rừng dừa nước Tịnh Khê Quảng Ngãi với dòng sông Kinh êm đềm, đường bờ biển cát mịn bên ngoài, làng mạc dưới bóng cây xanh, con đường làng quanh co đang trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút du khách ngày càng đông. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã quy hoạch, xây cầu, mở đường để đưa Mỹ Khê thành Khu du lịch biển của tỉnh, mang tầm cỡ quốc gia.

Dĩ nhiên, để sông Kinh và rừng dừa nước Tịnh Khê trở về với trạng thái ban đầu là cả một cuộc hành trình dài, trong đó đòi hỏi nỗ lực lớn của chính quyền, của các ngành văn hoá, thể thao và du lịch, tài nguyên- môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt là ý thức tự giác của người dân sở tại, trong đó có việc tái sinh rừng dừa nước, xử lý nguồn nước thải từ các ao nuôi tôm trước khi xả ra sông, hạn chế đánh bắt bằng các phương tiện làm cạn kiệt các loài thủy sản.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.