Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện đề án Tái cơ cấu nông nghiệp. Đến nay, Đồng Tháp đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành kinh tế mũi nhọn vốn còn nhiều tiềm năng. Sau một thời gian triển khai đề án, tỉnh Đồng Tháp không chỉ quan tâm đến trồng cây gì, nuôi con gì… mà còn chú trọng thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Kinh tế nông nghiệp Đồng Tháp tăng trưởng bình quân hằng năm 3,57%. Nhiều nông sản đạt tiêu chuẩn về chất lượng và chế biến gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh như: Chanh Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, kiệu Hội An Đông, bánh tráng Tân Hồng, khô cá lóc Tràm Chim, cá tra giống Hồng Ngự, ớt Thanh Bình, cá điêu hồng Bình Thạnh, khô Phú Thọ - Hồng Ngự... Đặc biệt, là xoài Cao Lãnh đạt các quy chuẩn xuất khẩu tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, mở ra thêm nhiều cơ hội để phát triển thành ngành hàng mang tầm chiến lược.
Trong đó, ngành hàng hoa kiểng kết hợp với du lịch đạt kết quả tốt, nâng cao giá trị và ổn định vùng sản xuất với trên 2.900 ha. Ngành hàng cá tra phát triển theo hướng sản xuất thâm canh, gắn kết với hơn 20 doanh nghiệp chế biến theo hướng đạt chuẩn BAP, GlobalGAP, ASC, VietGAP phục vụ xuất khẩu.
Đồng Tháp đã triển khai thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nội dung “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Chế biến tinh”. Qua đó, đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 45,6 triệu đồng/năm (bằng 83% GRDP bình quân đầu người).
Cơ cấu nội ngành nông nghiệp được chuyển đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng những sản phẩm có giá trị lúa, cá tra, trái cây, hoa kiểng, rau, củ, quả, sản phẩm chăn nuôi. Khuyến khích được nhiều cá nhân, tổ chức mạnh dạn thay đổi và áp dụng công nghệ vào sản xuất cũng như triển khai nhiều mô hình kinh tế giá trị cao, tạo ra nông sản an toàn cho người tiêu dùng.
Cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%, kết hợp với chủ trương xả lũ cải tạo đất ruộng, giúp tăng năng suất lúa bình quân đạt 6,2 tấn/ha mỗi năm, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả nguồn nước trong nông nghiệp ngày càng gia tăng thông qua chuyển đổi canh tác lúa sang cây ăn trái, rau màu, thuỷ sản và triển khai các mô hình luân canh “lúa - cá”, “lúa - tôm”, “lúa - sen”.
Theo ông Dương, Đồng Tháp đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là giải pháp canh tác mới được chú trọng và mang tính khả thi tại các địa phương như: Ứng dụng hệ thông tin địa lý (GIS) để dự báo tình hình sâu bệnh trong trồng trọt và quản lý dịch tể trong chăn nuôi.
Công nghệ tự động “1 chạm - 5 biết” kết hợp với sử dụng phân bón thông minh, bẫy đèn thông minh, mô hình phun thuốc bằng máy bay không người lái phục vụ canh tác lúa thông minh, mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá – Aquaponics, giải pháp cấy mô trên hoa kiểng, sản xuất rau màu trong nhà lưới. Triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc và áp dụng thương mại điện tử cho mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”.
Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025, giá trị tăng thêm khu vực nông - lâm – thủy sản đạt 22.883 tỷ đồng, tập trung phát triển thêm các sản phẩm chủ lực: Lúa, cá tra, hoa kiểng, xoài và các ngành hàng có tiềm năng như: nhãn, quýt hồng, chăn nuôi heo, bò...
Tập trung phát triển HTX quy mô lớn, tăng cường các hoạt động "sản xuất chung", "mua chung", "bán chung" nhằm tăng chất lượng nông sản, giảm giá thành. Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất theo yêu cầu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và bền vững.