| Hotline: 0983.970.780

Đông Trường Sơn quay quắt trong đại hạn

Thứ Tư 11/09/2019 , 07:01 (GMT+7)

Nắng hạn kéo dài đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp tại một số huyện, TX phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai.

Hàng ngàn ha mía, lúa và cây hoa màu đang đối mặt với mất mùa, thậm chí là mất trắng.
 

Mía kiệt sức

Dọc tỉnh lộ 669 từ TX An Khê đi huyện Kbang, đoạn qua các xã Tú An (TX An Khê), Nghĩa An, Đông (huyện Kbang), thay cho màu xanh bạt ngàn của mía ven đường là màu vàng và màu trắng bạc của những ruộng mía héo khô. Xã Tú An là vùng nguyên liệu mía lớn nhất An Khê với hơn 1.000 ha. Nhiều diện tích mía trồng ở vùng gò đồi giờ khô héo, còn mía trồng ven hồ, đập cũng không có nước tưới.

13-59-14_nh_mi_o_khu_vuc_phi_dong_v_dong_nm_tinh_gi_li_dng_kiet_suc_2
Những ruộng mía đang kiệt sức.

Ông Nguyễn Hữu Thọ (thôn Tú Thủy 2) cho biết, nhà ông trồng 8ha mía. Năm ngoái, giá mía giảm mạnh nên lỗ hơn 70 triệu đồng. Bây giờ, hơn 6 ha mía đã chết héo, số còn lại đang khô lá dần, nếu trời vẫn không mưa thì gia đình ông trắng tay. “Hiện nay, do khô hạn mía không thể nào phát triển, cây mía đang trong tình trạng... giãy hết. Chưa năm nào tôi thấy nắng hạn kéo dài như năm nay”, ông Thọ buồn rầu.

Hàng trăm hộ dân trồng mía ở xã Tú An cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Theo người dân, nếu không bị hạn hán, năng suất có thể lên đến 70 tấn mía cây/ha. Hạn hán, năng suất giảm xuống còn một nửa, thậm chí còn thấp hơn. Ông Trần Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Tú An cho biết, phần lớn diện tích mía sống nhờ vào nước trời, thế nên không có mưa, nắng hạn gay gắt, tỷ lệ mía chết lên đến 70%. Giờ dù trời có mưa cũng khó có thể cứu vãn được,vì cây mía đã kiệt sức rồi.

Kbang là một trong những vùng nguyên liệu mía lớn nhất phía Đông tỉnh Gia Lai, có trên 9.000 ha mía, tập trung tại các xã Đak Hlơ, Kông Pla, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Nghĩa An, Lơ Ku và xã Đông. Nắng hạn kéo dài đã đe dọa nghiêm trọng đến tình hình sản xuất mía.

13-59-14_nh_mi_o_khu_vuc_phi_dong_v_dong_nm_tinh_gi_li_dng_kiet_suc_4
Mía khô cháy vì nắng hạn.

Dẫn chúng tôi đến các vùng mía trọng điểm ở trong thôn, ông Nguyễn Văn Thủy (làng Hbang, xã Kông Lơng Khơng) cho xem những đám mía được gọi là "tốt nhất" nhưng mới chỉ vươn lên được 2- 3 lóng, trong khi giờ này năm ngoái mía đã có từ 6 đến 7 lóng. “Hầu hết những ruộng mía ở đây đều bị kiệt sức, lá ngả sang màu vàng, ngọn bị gãy gục. Mía tơ đang chết héo, mía lưu gốc rễ nhiều có sức hơn nhưng bụi nào bụi nấy thấp lè tè. Khả năng không có mía bán cho nhà máy đang cận kề”, ông Thủy cho hay.

Ở huyện Đak Pơ, trên 5.000 ha mía đứng trước nguy cơ giảm năng suất vì tình hình nắng hạn. Ông Huỳnh Văn Hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết, huyện đã chỉ đạo Phòng NN- PTNT kiểm tra và thống kê diện tích cây trồng bị thiệt hại để đề xuất các giải pháp hỗ trợ. Đến nay, toàn huyện đã có trên 1.769 ha mía bị ảnh hưởng do nắng hạn, và có khả năng tăng lên trong những ngày tới nếu trời vẫn không có mưa.

Nhiều ruộng mía ở xã Kông Pla cũng cùng chịu thiệt hại do nắng hạn. Ông Trần Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Kông Pla cho biết, năm nay, xã có gần 1.400 ha mía. Thế nhưng do không có mưa, nắng hạn kéo dài, mía chết trải dài ở hầu hết các cánh đồng trong xã. Tổn thất đầu tư niên vụ 2019-2020 ước tính là 28 tỷ đồng và nguồn lợi thất thu khoảng trên 42 tỷ đồng.
 

Nhiều cây trồng mất mùa

Ngoài cây mía thì lúa và một số cây trồng khác cũng đứng trước nguy cơ mất mùa. Tại xã Hà Tam (huyện Đak Pơ), diện tích lúa bị hạn và có khả năng mất trắng ngày một tăng lên. Đang tất bật chở máy bơm đi cứu ruộng lúa, anh Đinh Blơn (làng Hway) cho biết, vụ này anh trồng được 2 sào lúa.

Do nắng hạn kéo dài nên đã mất trắng 1 sào. Diện tích lúa còn lại do nằm ở chân ruộng thấp và gần suối nên cứ 3 ngày anh lại mang máy bơm đến để tận dụng nguồn nước ít ỏi dưới khe suối bơm chống hạn cho lúa mong còn vớt vát được chút ít.

Ngoài tiền đầu tư mua máy bơm nước là 2 triệu đồng, mỗi lần bơm nước tưới phải mất gần 100.000 đồng tiền xăng. "Cũng vì nắng hạn mà 1,6 ha mì nhà tôi bị còi cọc, chậm phát triển. Chắc năm nay sản lượng mì thu được không bằng một nửa năm ngoái", Đinh Blơn cho hay.

Ông Hoàng Phi Ấn, Chủ tịch UBND xã Hà Tam cho biết, vụ mùa 2019, toàn xã gieo trồng được 1.653 cây trồng các loại. Do năm nay nắng hạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đến thời điểm này, đã có 21 ha bắp bị mất trắng hoàn toàn. Gần 200 ha lúa một vụ và hai vụ cũng đối diện với nguy cơ mất trắng.

13-59-14_nh_mot_so_ruong_lu_d_xut_hien_nut_ne_chn_chim_2
Một số ruộng lúa đã xuất hiện nứt nẻ chân chim.

“Tôi sống ở đây được 32 năm nhưng chưa có năm nào nắng hạn như thế này. Nước ở các hồ đập xuống nhanh nên không đủ để tưới cho cây trồng. Thông thường, mọi năm đến tháng 5 hay tháng 6 âm lịch đã có một vài cơn mưa giải hạn. Tình hình nắng hạn kéo dài đã làm cho các ruộng lúa bắt đầu nứt nẻ, một số ruộng không còn cứu vãn được nữa vì lúa đã bắt đầu vàng lá. Năm nay nông dân sẽ khốn khổ vì mất mùa”, ông Ấn chia sẻ.

Ngoài cây mía bị thiệt hại thì một số cây trồng khác của huyện Kbang cũng đang có nguy cơ giảm năng suất. Ông Mã Văn Tình, Phó Trưởng phòng NN- PTNT huyện Kbang cho biết, hiện mực nước ngầm xuống thấp, các hồ chứa không đảm bảo nước tưới. Vụ ĐX 2018-2019, các xã Nghĩa An, Đông, Đak Hlơ, Kông Pla, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Sơ Pai có gần 650 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại. Nắng hạn còn làm phát sinh một số dịch bệnh trên cây mía, mì và bắp.

Xã Cửu An (TX An Khê) được mệnh danh là vựa lúa của TX An Khê cũng đang quay quắt vì nắng hạn. Ông Lưu Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Cửu An cho biết, trong nhiều tháng qua, nắng hạn kéo dài khiến các ao, hồ, đập khô cạn và không còn khả năng cứu vãn được hơn 200 ha lúa một vụ và hai vụ. Một số chân ruộng gần nguồn nước cũng đang khô dần khiến đất nứt nẻ chân chim ngày một nhiều.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Chủ tịch UBND TX An Khê cho biết, hiện nay, tổng thiệt hại cây trồng vụ mùa năm 2019 trên địa bàn TX là 1.805ha. Trong đó, thiệt hại trên 70% ở lúa 2 vụ là 229 ha; lúa 1 vụ là 69 ha; các cây trồng khác là 3 ha... TX đã có văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp để đảm bảo nguồn nước tưới. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các phương án chống hạn, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hạn chế tối đa hạn cục bộ gây thiệt hại cho lúa và các loại cây trồng khác. 

Cái khó nhất là, nhiều hồ đập đã cạn nước, không thể tưới tiêu, mọi biện pháp chống hạn gần như bất lực hoàn toàn.

Theo ông Nguyễn Văn Huấn, Phòng Dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, nguyên nhân hạn hán là do mùa mưa năm 2018 kết thúc sớm đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm, sông suối, hồ đập và ảnh hưởng đến mùa khô năm 2019 tại Tây Nguyên. Theo dự báo, trong tháng 9/2019, khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai sẽ có mưa, lượng mưa nhiều hơn xấp xỉ trung bình nhiều năm. Từ tháng 10 đến tháng 12/2019 thì lượng mưa sẽ giảm và có khả năng kết thúc sớm.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm