Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về mua bổ sung vacxin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.
Cụ thể, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua bổ sung 19.998.810 liều vacxin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về mua vacxin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các nội dung trong Tờ trình số 341/TTr-BYT ngày 03 tháng 8 năm 2021 và khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vacxin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer để có vacxin sớm nhất, nhiều nhất có thể đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống mọi tiêu cực trong quá trình mua, sử dụng vacxin.
Trước đó, ngày 30/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1022/QĐ-TTg về bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vacxin phòng Covid-19.
Quyết định 1022/QĐ-TTg nêu rõ, bổ sung 7.650,776 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vacxin phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vacxin Việt Nam (30 triệu liều) và do Pfizer sản xuất (31 triệu liều) như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.
Trong đó: 5.100,517 tỷ đồng bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế từ nguồn kinh phí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH ngày 18/5/2021 và 2.550,259 tỷ đồng chi từ nguồn Quỹ vacxin phòng Covid-19 Việt Nam thành lập theo Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý sử dụng 37 tỷ đồng trong tổng số 1.237 tỷ đồng đã bổ sung cho Bộ Y tế theo Quyết định số 507/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ để chi đối ứng cho việc tiếp nhận, vận chuyển, phân phối, thuê kho bảo quản vacxin, mua vật tư tiêm chủng cho các lô vacxin phòng Covid-19 do COVAX Facility hỗ trợ, vacxin viện trợ, tài trợ của nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo. Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức mua và sử dụng vacxin phòng Covid-19 theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về tài sản công và các quy định của pháp luật có liên quan; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả sử dụng số kinh phí được bổ sung nêu trên. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Đến nay, Việt Nam nhận được khoảng 19 triệu liều vacxin phòng Covid-19 các loại, được cung ứng từ ba nguồn là hợp đồng của VNVC, Cơ chế Covax và viện trợ giữa chính phủ các nước. Trong đó, 11,5 triệu liều AstraZeneca, 12.000 liều Sputnik V, 746.000 liều Pfizer, hơn 5 triệu liều Moderna, 1,5 triệu liều Sinopharm.
Đến ngày 15/8, cả nước đã tiêm chủng hơn 12,5 triệu liều vacxin phòng Covid-19 các loại, trong đó tiêm một mũi là 11,2 triệu người, tiêm mũi 2 là 1,3 triệu người.
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã cung cấp thông tin về hiệu quả phòng bệnh và những kết quả nghiên cứu sau tiêm vacxin Covid-19 Pfizer.
Theo đó, trong các thử nghiệm lâm sàng, các triệu chứng phản ứng bất lợi thông thường (tác dụng phụ xảy ra trong vòng 7 ngày sau khi chủng ngừa) là chuyện bình thường nhưng phần lớn là phản ứng nhẹ. Các tác dụng phụ (như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và đau đầu) là chuyện thường xảy ra sau khi tiêm mũi thứ hai.
Dựa vào bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng ở những người từ 16 tuổi trở lên, vacxin của Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa lây truyền virus gây bệnh Covid-19. Phòng thí nghiệm đã xác nhận kết quả này ở những người đã tiêm hai liều và không có bằng chứng của việc bị nhiễm bệnh trước đó.
Phòng thí nghiệm cũng xác nhận trong các thử nghiệm lâm sàng, vacxin của Pfizer-BioNTech cũng có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa lây nhiễm bệnh Covid-19 ở trẻ vị thành niên trong độ tuổi 12 - 15 tuổi. Phản ứng miễn dịch ở những người thuộc nhóm tuổi 12 - 15 tuổi cũng mạnh như phản ứng miễn dịch ở những người trong độ tuổi 16 - 25 tuổi.