| Hotline: 0983.970.780

Dự án Bệnh viện Nhân An: Tỉnh Đăk Lăk thu hồi trái pháp luật hơn 15.000 m2 đất?

Thứ Ba 09/10/2018 , 13:44 (GMT+7)

 Ngày 20/9/2018, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chuyển đơn kêu cứu khẩn cấp của Công ty TNHH Bệnh viện Nhân An (Địa chỉ tại TP Buôn Ma Thuột, TP Đăk Lăk, tỉnh Đăk Lăk) cho Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết.

Phối cảnh dự án bệnh viện đa khoa Nhân An (bị UBND tỉnh Đăk Lăk chấm dứt chủ trương đầu tư khi đang thi công xây dựng)

Trong đơn kêu cứu, Công ty Nhân An cho rằng, UBND tỉnh Đăk Lăk đã thu hồi hơn 15.000 m2 đất mà doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại lớn về tài sản của doanh nghiệp.

Bản án gây tranh cãi!

Là người nghiên cứu hồ sơ của vụ việc trong nhiều năm, Luật sư Huỳnh Phương Nam, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: “Trong quá trình ra văn bản chấm dứt chủ trương dự án và thu hồi hơn 15.000 m2 đất của Cty Nhân An, UBND tỉnh Đăk Lăk không viện dẫn cụ thể căn cứ pháp luật mà phải dẫn chiếu lòng vòng các văn bản nội bộ và của cấp dưới. Đồng thời, có dấu hiệu áp dụng sai quy định pháp luật về thu hồi đất”.

 Thấy có dấu khuất tất và bất công vì bị UBND tỉnh Đăk Lăk thu hồi đất trong khi đang thi công xây dựng dự án (được nêu trong bài viết Dự án xây dựng bệnh viện hơn 300 tỷ đồng “chết yểu: Tỉnh Đăk Lăk tắc trách và “xử ép” nhà đầu tư?), Cty Nhân An đã khởi kiện tại TAND tỉnh Đăk Lăk yêu cầu hủy QĐ 2760/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh để Cty tiếp tục thực hiện dự án.

Bản án phúc thẩm nhận định: “Xét: Cty TNHH Bệnh viện Nhân An được UBND cho thuê đất để xây dựng công trình theo dự án được phê duyệt, nhưng do Cty không thực hiện đúng tiến độ xây dựng, quá hạn 2 năm mà phía Cty mới đào đất và thi công lớp móng công trình… nên căn cứ khoản 12 Điều 38 Luật Đất đai năm 2003, việc UBND tỉnh Đăk Lăk ban hành Quyết định 2760 thu hồi lại phần đất đã cho Cty Nhân An thuê là có căn cứ, đúng pháp luật”.

 Mặc dù lễ động thổ đã diễn ra, nhưng với những văn bản chấm dứt chủ trương đầu tư và thu hồi đất của UBND tỉnh Đăk Lăk, dự án đang đi vào ngõ cụt

 Tuy nhiên, theo Luật sư Huỳnh Phương Nam, nhận định này là không đúng. Bởi lẽ, khoản 12 Điều 38 Luật Đất đai 2003 quy định nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau: “Đất được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không có cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép”.

Căn cứ vào Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Đăk Lăk cấp cho Cty Nhân An thì tiến độ thực hiện dự án Bệnh viện đa khoa Nhân An là 24 tháng từ tháng 8/2009 đến tháng 8/2011. Do UBND tỉnh chậm bàn giao mặt bằng sạch cho Cty Nhân An nên tính từ ngày Cty được bàn giao mặt bằng sạch (ngày 19/9/2011) thì thời hạn hoàn thành dự án phải là ngày 19/9/2013. Như vậy, phải đến ngày 19/9/2015 thì dự án mới được coi là chậm tiến độ 24 tháng.

 Tuy nhiên, ngày 26/6/2013 – khi dự án đang còn trong thời hạn 24 tháng theo tiến độ thì UBND tỉnh ra văn bản chấm dứt chủ trương dự án bệnh viện đa khoa Nhân An. Như vậy là trái với quy định tại khoản 12 Điều 38 Luật Đất đai.

Mặt khác, bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk căn cứ vào bút lục số 107 – Bản cam kết tiến độ dự án số 01/CK-NA ngày 28/12/2012 của Cty Nhân An để cho rằng Cty Nhân An chậm tiến độ do thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu. Tuy nhiên, theo Bản cam kết tiến độ dự án số 01/CK-NA của Cty Nhân An với Sở Xây dựng nêu rõ: Dự kiến là 20 tháng tính từ tháng 1/2013, và có thể cộng (+) hoặc trừ (-) 04 tháng, tức là thời hạn hoàn thành công trình phải đến tháng 9/2014 hoặc tháng 1/2015. Thế nhưng, khi chưa hết thời hạn cam kết này thì đến ngày 30/12/2013 (mới được ½ thời hạn tiến độ cam kết) UBND tỉnh Đăk Lăk đã ra Quyết định thu hồi đất của Cty Nhân An. Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam, bên vi phạm phải được xác định  chính là UBND tỉnh Đăk Lăk.

 Căn cứ thu hồi đất viện dẫn lòng vòng

 Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam, ngoài căn cứ vào tên các văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ duy nhất thể hiện lý do thu hồi đất được QĐ 2760 của UBND tỉnh Đăk Lăk dựa vào để thu hồi đất của Cty Nhân An là “Xét đề nghị của Sở TN-MT tại tờ trình số 291 ngày 3/12/2013. Thế nhưng, tờ trình này của Sở TN-MT cũng không có bất cứ một chữ nào xác định Cty Nhân An có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai dẫn đến việc phải thu hồi đất ngoài nội dung “thực hiện Công văn số 7326/UBND-CN ngày 18/10/2013 của UBND tỉnh Đăk Lăk về việc thực hiện dự án Bệnh viện đa khoa Nhân An”.

Tại công văn số 7326/UBND-CN của UBND tỉnh Đăk Lăk là văn bản chỉ đạo nội bộ của tỉnh, cũng chỉ nêu rằng xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Công văn 1078 ngày 25/9/2013, có ý kiến cho rằng Cty Nhân An không thực hiện đúng cam kết và UBND tỉnh đã chấm dứt chủ trương đối với dự án này tại công văn 4193 (ngày 26/6/2013) nhưng cũng không nêu rõ Cty Nhân An đã vi phạm quy định nào.

Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa chuyển đơn kêu cứu của Cty Nhân An sang Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết

 “Rõ ràng, quyết định thu hồi đất – là quyết định hành chính tác động trực tiếp đến đối tượng bị thu hồi đất mà không được nêu lý do thu hồi (vi phạm khoản nào, điều luật nào) mà phải dẫn chiếu lòng vòng đến các văn bản nội bộ và của cấp dưới. Như vậy thì làm sao đối tượng bị thu hồi đất có thể tâm phục khẩu phục (!?), Luật sư Huỳnh Phương Nam cho biết.

Chuyển vụ việc cho Tòa án tối cao giải quyết

 Cũng theo Luật sư Nam, UBND tỉnh Đăk Lăk đã vi phạm Luật tố tụng hành chính. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 Luật tố tụng hành chính: Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính được người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản. Nhưng trong vụ kiện này, có một số cá nhân được cử thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk đại diện cho UBND tham gia tố tụng. Trong khi đó, các văn bản ủy quyền nhân danh Chủ tịch UBND tỉnh lại không do Chủ tịch Phạm Ngọc Nghị ký mà lại do ông Đinh Văn Khiết – Phó Chủ tịch UBND tỉnh (ủy quyền cho ông Trần Văn Sỹ) và ông Y Đhăm Ênuôi ký thay (ủy quyền cho ông Hoàng Xuân Ngân). Việc ký như vậy là không hợp pháp và trái quy định của pháp luật, bởi lẽ đây là quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch UBND tỉnh khi tham gia tố tụng, không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của UBND. Chính vì giấy ủy quyền không hợp pháp nên bản tự khai (duy nhất trong hồ sơ) ngày 20/1/2015 của ông Sỹ là không có giá trị pháp lý.

Ông Lương Thanh Tùng – Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Bệnh viện Nhân An, Ngày 18/7/2017, cho biết: Ngày 24/12/2015, TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm (bản án số 11/2015/HC-TP) tuyên giữ nguyên Bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của Cty Nhân An.

Giam tiền doanh nghiệp, lãng phí quá lớn!

 Theo lãnh đạo Công ty Nhân An: Vì đây là dự án xã hội, phục vụ mục đích nhân đạo vì cộng đồng, vì vậy trong quá trình tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, ngày 5-9-2014, Công ty Nhân An đã được Hội đồng Phát triển kinh tế châu Âu EEDC Đông Nam Á-Thái Bình Dương thỏa thuận tài trợ 70 triệu USD cho dự án Bệnh viện Đa khoa Nhân An. Trước đó, để thi công phần móng của công trình, chúng tôi cũng đã chi ra vài chục tỷ đồng. Từ tháng 10-2014 đến nay, Công ty Nhân An đã ban hành nhiều văn bản, trình UBND tỉnh Đăk Lăk xin phục hồi dự án, nhưng không được giải quyết.

Ngày 11/8/2017, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã có công văn gửi đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị giải quyết đơn của Cty Nhân An theo quy định của pháp luật

Sau khi nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của Cty Nhân An với nội dung: “Khiếu nại quyết định xét xử của TAND cấp cao tại Đà Nẵng liên quan đến yêu cầu khởi kiện của Cty Nhân An về việc yêu cầu hủy Quyết định số 2760 ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh Đăk Lăk về việc thu hồi 15.936m2 đất của Cty tại phường Thành Nhất – TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk”, mới đây, ngày 20/9/2018, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có văn bản số 1620 chuyển đơn trên đến Tòa án Nhân dân tối cao xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời người có đơn và thông báo kết quả đến Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Trước đó, ngày 11/8/2017, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã có công văn số 805/UBTP14 gửi đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc xử lý đơn của Cty Nhân An.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.