Vụ sản xuất này, xã Bằng Lãng (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) gieo trồng trên 80ha lúa. Nhờ đảm bảo nguồn nước, việc làm đất ở những cánh đồng khá thuận lợi, giúp người dân cấy đúng thời vụ. Dù không có công trình hồ chứa nước, nhưng các công trình thủy lợi nhỏ cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Một số ít chân ruộng ở cao dọc các triền đồi, hệ thống kênh mương không đến, người dân đã chuyển sang canh tác các loại cây hoa màu ngắn ngày hoặc cây ăn quả.
Ông Lý Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Lãng (huyện Chợ Đồn) cho biết, toàn xã hiện có 8 công trình thủy lợi nhỏ, chủ yếu là đập nhỏ, phai tạm và hệ thống kênh mương dẫn nước. Đặc điểm của các công trình này là có thể linh hoạt tận dụng đưa nước vào đồng ruộng rất dễ dàng. Trong trường hợp bị mưa lũ vùi lấp chỉ cần huy động người dân tham gia nạo vét một, hai ngày là có thể tiếp tục vận hành.
Huyện Ba Bể hiện có hơn 300 công trình thủy lợi nhỏ (không có hồ chứa nước), trong đó 248 công trình đã được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, còn lại là công trình mương, đập tạm bằng cọc tre hoặc rọ đá. Tổng chiều dài kênh mương trên địa bàn huyện hơn 317km, trong đó 220km đã kiên cố hóa.
Các công trình thủy lợi này phục vụ tưới tiêu cho hơn 2.000ha đất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu nước cho khoảng 88% diện tích lúa 2 vụ của toàn huyện. Nhìn chung các công trình đảm bảo nước phục vụ diện tích gieo trồng hàng năm. Hiện tượng hạn hán chỉ tác động chủ yếu tới diện tích trồng ngô ở chân ruộng cao và trên triền đồi.
Bà Nông Thị Điệp, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ba Bể thông tin, để đảm bảo công trình thủy lợi nhỏ phát huy tối đa hiệu quả, tổ dùng nước các xã cùng với người dân thường xuyên nạo vét, phát dọn kênh mương đảm bảo dẫn nước phục vụ sản xuất. Với công trình đập tạm, kênh mương đất, hàng năm huyện sử dụng nguồn vốn dự phòng, chương trình mục tiêu quốc gia để sửa chữa, hoặc xây mới.
Tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 2.000 công trình thủy lợi nhỏ, phần lớn những công trình này có quy mô cung cấp nước cho từ 5 đến 10ha, số lượng công trình thủy lợi có diện tích tưới trên 20ha là 64 công trình, chỉ chiếm gần 3% tổng số công trình thủy lợi.
Ông Đới Văn Thiều, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Kạn cho biết, đa số công trình thủy lợi nhỏ đã phân cấp cho các huyện, thành phố quản lý. Hầu hết những công trình này là các đập tràn, nước tự chảy theo hệ thống mương đến ruộng. Thực tế cho thấy, vào thời điểm hạn hán, khi các hồ chứa nước cạn kiệt, hệ thống thủy lợi nhỏ phát huy tốt hiệu quả.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi thường xuyên hứng chịu lũ quét, sạt lở, khi có lũ lớn, các công trình thủy lợi nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng. Hệ thống kênh mương, các đập dâng nhỏ dễ bị bồi lấp hoặc bị lũ cuốn trôi.
“Hầu như năm nào hệ thống thủy lợi nhỏ cũng bị hư hỏng bởi thiên tai, nhưng các địa phương huy động sức dân, sử dụng các nguồn vốn dự phòng, lồng ghép các dự án để sửa chữa nên việc khắc phục khá nhanh chóng. Nếu như không có hệ thống thủy lợi nhỏ, nhiều cánh đồng ở vùng cao sẽ không thể sản xuất”, ông Thiều nhận định.
Với những dự án thủy lợi nhỏ, vốn đầu tư chỉ vài trăm triệu, hoặc từ 4 đến 5 tỷ đồng/công trình nên các huyện có thể dùng ngân sách địa phương đầu tư. Hiện nay, các địa phương chủ yếu dùng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, hoặc nguồn tài trợ từ các tổ chức để thực hiện.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Kạn, dự báo tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh từ tháng 7 đến tháng 8 sẽ thấp hơn trung bình mọi năm, từ tháng 9 đến tháng 10/2023 thấp hơn khoảng từ 10 - 25%. Nguồn nước trên các sông, suối có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm gần đây từ 10 - 15%.