| Hotline: 0983.970.780

Dự án phát triển bò Mông đầy tai tiếng ở Bắc Kạn: [Bài 1] Những con bò gầy yếu

Thứ Tư 24/01/2024 , 10:01 (GMT+7)

Dự án bảo tồn và phát triển bò Mông thực hiện tại xã Quảng Chu (huyện Chợ Mới) đã chậm tiến độ 3 năm, gây lãng phí nguồn lực xã hội...

Dự án hiệu quả thấp

Dự án đầu tư xây dựng trung tâm bảo tồn gen và phát triển giống bò Mông tại huyện Chợ Mới là dự án được thực hiện trên cơ sở hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Bắc Kạn và nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam).

Mục tiêu của dự án ứng dụng công nghệ phát triển bò thịt chất lượng cao thành hàng hóa theo chuỗi giá trị ở khu vực miền núi phía Bắc. Dự án đã được UBND tỉnh Bắc Kạn chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bò Mông Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty) tại Quyết định số 589/QĐ-UBND ngày 28/4/2017 và Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 1342/QĐ-UBND ngày 5/9/2017.

Sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt cho triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ phát triển bò thịt chất lượng cao thành hàng hóa theo chuỗi giá trị ở miền núi phía Bắc” tại Quyết định số 1754/QĐ-BKHCN ngày 25/6/2018.

Trụ sở, khu chăn nuôi của dự án cỏ mục um tùm không còn dấu hiệu hoạt động. Ảnh: NT.

Trụ sở, khu chăn nuôi của dự án cỏ mục um tùm không còn dấu hiệu hoạt động. Ảnh: NT.

Quy mô dự án gồm 300 bò cái sinh sản, 30 con bò đực thuần, nuôi vỗ béo 1.000 con bò thương phẩm/tháng. Ngoài ra dự án còn hạng mục chế biến thức ăn TMR 50 tấn/ngày, giết mổ tập trung 100 con/ngày đêm, liên kết phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt thương phẩm chất lượng cao ở tỉnh Bắc Kạn và các địa phương khác thuộc miền núi phía Bắc.

Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 136 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 18 tỷ đồng, vốn khác hơn 118 tỷ đồng (gồm vốn ứng dụng khoa học công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, vốn khác). Địa điểm thực hiện dự án tại xã Quảng Chu (huyện Chợ Mới), tiến độ đến quý IV/2020 hoàn thành.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai những gì dự án này đem lại chỉ là sự thất vọng và bức xúc của những người dân đã tham gia liên kế thành lập các hợp tác xã.

Sau khi được tỉnh Bắc Kạn giao đất, Công ty đã xây dựng trụ sở, văn phòng làm việc, nhà xưởng, khu chuồng nuôi bò, nhà để thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi, hố ủ thức ăn, nhà bếp, bể chứa nước.

Từ năm 2020-2022 khu vực chăn nuôi có khoảng 75 con bò, nhưng đến ngày 27/4/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành kiểm tra, số lượng bò đếm được chỉ còn 25 con (trong đó có năm con bê), thể trạng bò gầy yếu. Từ chỗ quy mô hàng nghìn con bò, nay dự án hoang tàn, không mang lại lợi ích cho người dân địa phương.

Điều ngạc nhiên là tại thời điểm kiểm tra vào tháng 4/2023, khu nhà xây dựng với mục đích chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi đã được Công ty chuyển sang sản xuất nến để xuất khẩu.

Tìm hiểu của phóng viên được biết, hiện nay, chỉ còn vài người trông coi nhà xưởng, trụ sở, còn lại các chuyên gia kỹ thuật được mời tư vấn cho dự án không còn tham gia thực hiện. Khuôn viên trụ sở, khu chăn nuôi của dự án cỏ mọc um tùm, không có dấu hiệu hoạt động.

Các hạng mục nuôi vỗ béo, chế biến thức ăn, giết mổ tập trung, liên kết phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt thương phẩm chất lượng cao Công ty chưa thực hiện.

Cỏ voi của HTX Số 1 trồng để tham gia liên kết nuôi bò với dự án giờ bỏ hoang. Ảnh: NT.

Cỏ voi của HTX Số 1 trồng để tham gia liên kết nuôi bò với dự án giờ bỏ hoang. Ảnh: NT.

Khi thực hiện dự án này, Công ty phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân liên kết thành lập 10 hợp tác xã để trồng cỏ, nuôi bò. Theo đó các hợp tác xã sẽ trồng cỏ, làm chuồng trại, phía Công ty sẽ hỗ trợ con giống. Nhưng đến nay không có con bò nào được cấp cho các hợp tác xã. Nhiều hợp tác xã đã vay tiền mua giống cỏ, xây dựng chuồng trại, đến nay dự án không triển khai, vướng vòng nợ nần.

Dính nhiều sai phạm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, hiện nay, Công ty đang quản lý, sử dụng hơn 33.600m2 đất thuộc địa phận thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu (huyện Chợ Mới). Trong đó có hơn 29.300m2 diện tích đất được giao (22.432m2 đất đã được Công ty xây dựng các hạng mục công trình, hơn 2.945m2 đất để cây, cỏ mọc tự nhiên, hơn 3.652m2 đất để bị dân lấn chiếm). Công ty chưa thực hiện việc cắm mốc giới ngoài thực địa theo biên bản bàn giao đất.

Đất dự án này nằm ở vị trí thuận lợi giao thương, là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp của huyện Chợ Mới. Ảnh. TS.

Đất dự án này nằm ở vị trí thuận lợi giao thương, là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp của huyện Chợ Mới. Ảnh. TS.

Ngoài ra, Công ty còn thuê hơn 4.342m2 của người dân để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chưa lập hồ sơ đất đai theo quy định.

“Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, diện tích đất dự kiến sử dụng là 50ha với 3 giai đoạn, thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn đã nhiều lần làm việc, đôn đốc nhưng đến nay Công ty chưa hoàn thiện hồ sơ môi trường theo quy định”, văn bản của UBND tỉnh Bắc Kạn nêu.

Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn cũng cho thấy, trong quá trình triển khai dự án, Công ty tiếp tục đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng cắt giảm cơ bản các hạng mục chưa đầu tư. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hồ sơ của Công ty không đầy đủ, chưa đủ căn cứ để phê duyệt điều chỉnh.

Không chỉ chây ỳ triển khai dự án, khu vực nuôi bò bị Công ty bị chuyển thành khu sản xuất nến. Hành vi sản xuất này không thuộc nội dung, mục tiêu, quy mô đầu tư của dự án đã được UBND tỉnh Bắc Kạn chấp thuận chủ trương đầu tư. Do đó, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn quyết định phạt vi phạm hành chính 85 triệu đồng đối với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bò Mông Việt Nam.

Mặc dù dự án chậm tiến độ, vướng nhiều sai phạm, nhưng trong văn bản số 02/VMBC-CV ngày 26/6/2023 gửi UBND tỉnh Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển bò Mông Việt Nam viện dẫn nhiều lý do như ảnh hưởng dịch Covid-19, dịch viêm da nổi cục trên đàn bò, thị trường xuất khẩu giảm.

Về ngân sách Nhà nước hỗ trợ, phía Công ty cho rằng chỉ được giao kinh phí quản lý dự án 120 triệu đồng/năm. Từ năm 2018 đến 2019 được cấp 10 tỷ đồng để mua thức ăn chăn nuôi phục vụ nghiên cứu, sản xuất thức ăn tổng hợp, mua giống cỏ trồng thử nghiệm và các nhiệm vụ khoa học công nghệ khác.

Công ty cho rằng dự án là mô hình thí điểm đối tác công tư PPP nên “Dự án thực chất là đầu tư mạo hiểm” dẫn đến một số nhà đầu tư đã rút khỏi dự án.

“Một số nhà đầu tư đã rút khỏi dự án nhưng lại đang quản lý giấy tờ sử dụng đất đã được giao cho dự án, do đó Công ty chưa thể hoàn thiện các thủ tục khác có liên quan”, văn bản số 02/VMBC-CV của Công ty cũng thể hiện.

Những con bò gầy yếu cuối cùng của dự án (ảnh chụp tháng 4/2023). Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp. 

Những con bò gầy yếu cuối cùng của dự án (ảnh chụp tháng 4/2023). Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp. 

Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, thực tế dự án đã chậm tiến độ nhiều năm, không đạt được một số mục tiêu chính của dự án, những hợp tác xã liên kết với Công ty để chăn nuôi đã ngừng hoạt động.

Trước thực trạng “bết bát” của dự án, Văn phòng các công trình trọng điểm cấp Nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã thông báo tạm dừng thực hiện dự án này. Trong đó có tạm dừng dự án “Ứng dụng công nghệ phát triển bò thịt chất lượng cao thành hàng hóa theo chuỗi giá trị ở miền núi phía Bắc” do    Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam chủ trì thực hiện.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.