| Hotline: 0983.970.780

Dự án thủy điện Nậm Cang 1A chưa đủ điều kiện được cho thuê đất

Thứ Ba 06/06/2023 , 15:10 (GMT+7)

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở chưa trồng rừng thay thế, chưa ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án thủy điện Nậm Cang 1A.

Người dân thôn Nậm Cang, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) lo lắng khi dự án thủy điện triển khai. Ảnh: Hải Đăng.

Người dân thôn Nậm Cang, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) lo lắng khi dự án thủy điện triển khai. Ảnh: Hải Đăng.

Phải ký quỹ gần 200 tỷ đồng thực hiện dự án

Mới đây, Sở TN-MT tỉnh Lào Cai đã có văn bản về việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất; điều kiện cho thuê đất thực hiện dự án thủy điện Nậm Cang 1A tại xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) đối với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở.

Theo ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lào Cai, dự án thủy điện Nậm Cang 1A của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở được UBND tỉnh Lào Cai quyết định chủ trương đầu tư tại quyết định số 4304/QĐ-UBND ngày 01/12/2016, điều chỉnh chủ trương đầu tư tại quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 6/7/2020 với tổng diện tích quỹ đất thực hiện dự án là 30,87ha.

Trong đó, quy mô quỹ đất xin thuê là 145.462,6m2 (bao gồm 9.184,2m2 diện tích đất bề mặt và 136.278,4m2 đất công trình ngầm), phù hợp với dự án đầu tư và quy hoạch thủy điện được phê duyệt…

Theo kết quả kiểm tra thực tế thì toàn bộ diện tích thửa đất xin thuê đất (145.462,6 m2) không còn vướng mắc, thửa đất có ranh giới rõ ràng, không tranh chấp…

Tuy nhiên, dự án thủy điện Nậm Cang 1A của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở thuộc đối tượng phải áp dụng điều kiện cho thuê đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai.

Về thu hồi, bồi thường rừng, trồng rừng thay thế, theo nội dung văn bản số 1980/UBND-NLN ngày 10/5/2018 của UBND tỉnh Lào Cai đã đồng ý cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở xây dựng phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang thực hiện dự án (diện tích rừng trồng thay thế là 4,27ha).

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở có nghĩa vụ thực hiện phương án trồng rừng thay thế (hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai) sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chuyển đổi diện tích có rừng tự nhiên sang thực hiện dự án (theo quy định tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ)…

Về ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, theo nội dung văn bản số 4559/UBND-CT ngày 25/11/2013 của UBND tỉnh Lào Cai thì Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở được miễn ký quỹ đảm bảo đầu tư thực hiện các hạng mục còn lại của dự án (giá trị 194,54/223,414 tỷ đồng tổng mức đầu tư đăng ký)… Tuy nhiên, công ty phải đảm bảo hoàn thành và đưa dự án đi vào hoạt động trong quý II/2016.

Quá thời hạn này, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phải thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư theo quy định…

Nuôi cá nước lạnh đang mang lại nguồn thu nhập chính đáng và đổi thay cuộc sống người dân ở Nậm Cang. Ảnh: Hải Đăng.

Nuôi cá nước lạnh đang mang lại nguồn thu nhập chính đáng và đổi thay cuộc sống người dân ở Nậm Cang. Ảnh: Hải Đăng.

Chưa lấy ý kiến cộng đồng dân cư ở đập phụ?

Cùng với việc hướng dẫn công ty này thực hiện đúng đủ các nội dung nêu trên, Sở TN-MT tỉnh Lào Cai cho rằng, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở chưa đủ điều kiện cho thuê đất do công ty này chưa thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai…

Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, chủ đầu tư dự án thủy điện Nậm Cang 1A đã được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại quyết định số 4208/QĐ-UBND ngày 25/11/2016. Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở đã phối hợp với UBND thị xã Sa Pa thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...

Mặc dù vậy, sau nhiều năm dự án vẫn trong tình trạng “rập rình” triển khai xây đập phụ trên suối Nậm Cang, gây bức xúc cho người dân nuôi cá nước lạnh.

Đáng nói, những hộ sử dụng nước suối Nậm Cang để nuôi trồng thủy sản không là đối tượng nằm trong diện thu hồi đất dự án, nhưng lại là những người chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Điều tương tự này cũng từng xảy ra tại dự án thủy điện Mây Hồ, xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai) gây phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh.

UBND xã Liên Minh xác nhận, những hộ dân nuôi cá bị tác động bởi thủy điện Nậm Cang 1A chưa được chủ đầu tư làm việc, thỏa thuận bồi thường. Trong khi họ lại là những người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống, thu nhập phụ thuộc vào việc nuôi những con cá dọc con suối này. 

Mặt khác, chính vì sự yếu kém của chủ đầu tư, chậm trễ thực hiện dự án trong nhiều năm, người nuôi cá nước lạnh ở xã Liên Minh chỉ biết than trời khi sinh kế của họ bị đảo lộn, muốn đầu tư mở rộng việc nuôi cá cũng không xong.

Cho đến thời điểm này, theo những người nuôi cá nước lạnh tại khu vực xây đập phụ thủy điện Nậm Cang 1A thì họ không đồng tình với việc xây thủy điện tại đây.

"Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư mới được thực hiện ở khu vực xây đập chính còn khu vực xây đập phụ trên suối Nậm Cang, những lần họp người dân đều không đồng tình với dự án”, ông Phàn Phú Seng, Chủ tịch UBND xã Liên Minh khẳng định.

Được biết, trong những năm vừa qua, mặc dù Sa Pa chú trọng phát triển du lịch nhưng những dự án đầu tư thủy điện tại đây đã gây không ít hệ lụy, nhức nhối trong dư luận, quần chúng.

Theo Khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013: Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải có các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư;

b) Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư;

c) Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.