| Hotline: 0983.970.780

Thuỷ điện Mây Hồ chặn đứt nguồn sống của người dân

Thứ Hai 21/03/2022 , 09:43 (GMT+7)

Sự việc giữa những người dân bị chặn nguồn sống vì thuỷ điện Mây Hồ đã được đẩy lên cực điểm khiến 2 bên xảy ra xô xát ngay tại khu vực công trường.

Ông Lý Quẩy Vảng chỉ vào nơi thủy điện Mây Hồ thi công đập đầu mối. Ảnh: H.Đ

Ông Lý Quẩy Vảng chỉ vào nơi thủy điện Mây Hồ thi công đập đầu mối. Ảnh: H.Đ

Hậu quả không khó đoán trước

Vụ việc xuất phát từ việc thi công đập đầu mối dự án thủy điện Mây Hồ ảnh hưởng trực tiếp đến 3 trại cá hồi của 9 gia đình người dân tộc thiểu số hùn vốn làm chung. Chủ đầu tư thủy điện này là Công ty TNHH Năng lượng Mây Hồ có trụ sở tại phường Kim Tân (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai).

Vì chưa thống nhất với chủ đầu tư về mức hỗ trợ, đền bù, các hộ dân đề nghị phía thủy điện dừng thi công đến khi thống nhất được phương án. Tuy nhiên, qua nhiều buổi làm việc, giữa 2 bên và chính quyền địa phương, các bên không tìm được tiếng nói chung, nhất là giá trị đền bù.

Ngày 14/3/2022, tại thôn Lủ Khấu, xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai) vụ việc đã bị đẩy lên cực điểm khi phía thủy điện Mây Hồ đưa người, máy móc vào thi công đập đầu mối. Song lúc này người dân không đồng tình khiến 2 bên xảy ra xô xát.

Ông Lý Quẩy Vảng, chủ trại nuôi cá hồi ở thôn Lủ Khấu cho biết, trại cá hồi của chúng tôi là của 3 hộ chung nhau, làm nhiều vụ cá rồi. Tới năm 2020, Công ty Mây Hồ về làm thủy điện thì có triển khai đo đạc diện tích ao nuôi mà vẫn không có trả tiền cho chúng tôi. Năm 2021, công ty thi công đắp đê làm đập, chúng tôi đề nghị ngừng thi công để trao đổi việc hỗ trợ, đền bù. Nhưng cho đến nay, 3 trại cá chúng tôi chưa nhận được một đồng nào của công ty làm thủy điện.

Vì việc hỗ trợ, đền bù cho người dân không được giải quyết rốt ráo, để kéo dài nên có thể thấy xảy ra xô xát giữa những người dân và phía thủy điện Mây Hồ là một kết cục không khó đoán trước.

Ông Lý Quẩy Vảng cho biết thêm, "trưa 14/3, khi chúng tôi ra đến nơi, có 2 máy múc, 1 xe chở đất. Xung quanh là dân xã hội cầm gậy sắt. Họ vừa đứng vừa chọc gậy xuống dưới đất. Chúng tôi ra thì họ ngăn cản nhưng chưa xảy ra việc gì cho đến khi chiếc xe ô tô màu đen xuất hiện. 2 người đàn ông xuống xe cầm 2 thanh ống nhựa chịu nhiệt rồi ra đá tôi 2 cái và một người khác. Sau đó, người của họ lao ra vụt, chúng tôi không chống cự được. Vô tình ở đây nhiều sỏi đá chúng tôi lấy đá ném và đuổi họ... cùng những người dân ra xem ủng hộ chúng tôi".

Hộ nuôi cá hồi ở Lủ Khấu bị chặn kế sinh nhai khi thủy điện Mây Hồ xuất hiện.

Hộ nuôi cá hồi ở Lủ Khấu bị chặn kế sinh nhai khi thủy điện Mây Hồ xuất hiện.

Chặn nguồn sinh kế của dân

Theo tìm hiểu của PV, khoảng hơn một năm nay, 3 trại cá ở thôn Lủ Khấu đã bỏ hoang, không thể nuôi cá hồi vì ảnh hưởng từ việc xây dựng thủy điện. Khi xây dựng xong đập đầu mối thì sinh kế của những người dân cũng coi như hoàn toàn bị chặt đứt vì không đủ nước để nuôi cá hồi. Đập đầu mối của thủy điện Mây Hồ sẽ chặn ngang suối Can Hồ để tích nước và dẫn về điểm đặt tổ máy phát điện cách đó khoảng 2km.

Vì vậy, khi toàn bộ vốn liếng của họ đã đầu tư cho trại nuôi cá hồi lên tới cả tỷ đồng thì những hộ dân này chỉ trông chờ vào số tiền hỗ trợ đền bù của thủy điện để họ có thể xoay sở tìm kế sinh nhai khác. 

"Khi đội thi công thủy điện khoan hầm, nước đục chảy ra hằng ngày, cùng lúc đó họ cũng có thông báo dừng nuôi cá. Vì vậy, hơn 1 năm nay, trại đã không thể nuôi được con cá nào. Trong khi đó, mỗi năm, trại cá hồi cho thu nhập khoảng 700 - 800 triệu đồng, trừ chi phí cũng có lãi một nửa", ông Lý Quẩy Vảng nói.

Ông Chảo Dần Quẩy có trại nuôi cá hồi dưới hạ lưu cách đập chính khoảng 100m. Ông này cho biết, 2 năm nay trại nuôi cá hồi để hoang sau khi thủy điện Mây Hồ có công văn cấm. Chúng tôi đầu tư vào đây trên 3 tỷ đồng. Chờ đợi thủy điện đền bù nhưng qua 5 - 7 lần gặp trên xã vẫn không thể thỏa thuận được.

"Hôm kia, có thông tin đội thủy điện về thi công ở dưới này đông lắm nên tôi cùng mọi người xuống xem vì sao chưa giải quyết xong với chúng tôi mà họ đã cho máy móc vào làm. Khi đến đó, họ nói có cái gì ở đây là của mày? Chúng tôi có ao nuôi cá ở dưới kia sử dụng nguồn nước. Nước của mày thì múc về đi. 2 bên cãi nhau qua lại rồi xô đẩy... Một lúc sau thì có hô đánh nhau", ông Quẩy thuật lại câu chuyện.

Liên quan sự việc này, ông Đinh Huy Cường, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn cho biết, nguyên nhân chính của vụ xô xát là do việc thi công thủy điện Mây Hồ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước mà các hộ dân đang nuôi cá hồi tại bản Lủ Khấu. Vị trí các hộ này đặt ao nuôi cá không nằm trong phạm vi bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng lại sử dụng nguồn nước của suối.

"Trước mắt, quá trình bồi thường hỗ trợ sẽ được ưu tiên. Việc bồi thường do các bên còn vướng mắc chưa tìm được tiếng nói chung nên người dân mong muốn được nhanh chóng giải quyết dứt điểm vấn đề này", ông Đinh Huy Cường thông tin.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.