| Hotline: 0983.970.780

Rập rình xây thêm thủy điện, người nuôi cá nước lạnh Sa Pa lo mất trắng

Thứ Sáu 26/05/2023 , 06:48 (GMT+7)

Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở 'treo' dự án thủy điện Nậm Cang gần chục năm, đời sống người dân xã Liên Minh (Sa Pa) bị đảo lộn...

Tấm biển tồn tại từ lâu, nhưng dự án thủy điện Nậm Cang 1A còn nhiều vướng mắc khiến người dân bất an. Ảnh: Hải Đăng.

Tấm biển tồn tại từ lâu, nhưng dự án thủy điện Nậm Cang 1A còn nhiều vướng mắc khiến người dân bất an. Ảnh: Hải Đăng.

Lo không còn nước để nuôi cá nước lạnh

Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở có địa chỉ ở thôn Nậm Cang 1, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) do ông Phạm Ngọc Thành làm đại diện. Công ty này là chủ đầu tư dự án thủy điện Nậm Cang 1A, được UBND tỉnh Lào Cai chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư tại các quyết định số 4304/QĐ-UBND ngày 1/12/2016; số 2100/QĐ-UBND ngày 6/7/2020. 

Điều đáng nói, người dân xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) nơi bị thủy điện Nậm Cang 1A tác động trực tiếp cho đến nay vẫn không rõ bao giờ dự án mới được triển khai. Trong khi, nhiều năm qua, cuộc sống, cũng như việc sản xuất nông nghiệp của họ bị đảo lộn bởi dự án thủy điện luôn luôn trong trạng thái "rập rình" triển khai. 

Ông Phàn Phụ Châu ở thôn Nậm Cang, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) cho biết, chúng tôi được biết trên địa bàn có triển khai thủy điện. Việc này đã họp dân cũng lâu rồi, từ nhiều năm trước cơ, sau đó không thấy động tĩnh gì. Giờ người dân nuôi cá nước lạnh ở suối Nậm Cang và cả suối Nậm Pá nữa. Tôi hiện đang có 3 bể cá tầm, ước mỗi năm sẽ thu được khoảng 1 tấn với giá bán 200 nghìn đồng/kg thì trừ chi phí cũng được 150 - 200 triệu đồng.

Cũng theo ông Châu, nguồn nước nuôi cá phụ thuộc hoàn toàn vào suối Nậm Cang chảy dọc thôn nếu không thể nuôi được cá, họ cũng không biết sinh sống như thế nào. 

"Suối Nậm Cang này có từ ngày xưa, lâu đời rồi. Giờ cái gì làm ăn cũng khó, anh em trên Sa Pa làm cá nước lạnh, cá hồi, cá tầm nên chúng tôi cũng học làm theo. Giờ mới có thu nhập thì lại có chủ trương xây thủy điện chúng tôi lo lắm”, ông Phàn Phụ Châu nói.

Ông Tẩn Vần Nhàn ở thôn Nậm Cang cho biết, “tôi nuôi khoảng hơn 3.000 con cá tầm nói chung thủy điện làm sẽ ảnh hưởng nguồn nước và nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của bà con. Khi thủy điện làm nước sẽ rất bé, thậm chí không còn nước cho bà con nuôi cá. Đến nay, thủy điện chúng tôi cũng không biết có làm hay không nên không dám đầu tư mạnh. Sợ họ cắt nước đi thì lấy nước đâu thả vào ao. Chúng tôi hy vọng thủy điện không làm ở con suối này vì ở đây có nhiều ao của bà con". 

Người dân Nậm Cang, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) lo lắng khi thủy điện rập rình triển khai. Ảnh: Hải Đăng

Người dân Nậm Cang, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) lo lắng khi thủy điện rập rình triển khai. Ảnh: Hải Đăng

Tiếp tục kéo dài thời gian hoàn thành dự án?

Suối Nậm Cang hiện được người dân ở Nậm Cang sử dụng canh tác và đặc biệt để nuôi cá nước lạnh. Cá nước lạnh cần rất nhiều nước, đặc biệt là nước suối chảy liên tục vừa mát và sạch mới có thể nuôi được loại cá này. Khi thủy điện xây đập chặn lấy nước thì thì người dân lo lắng họ cũng sẽ mất luôn nguồn thu nhập chính.

Trước vấn đề nêu trên, ông Phàn Phú Seng, Chủ tịch UBND xã Liên Minh (Sa Pa) cho biết, hiện trên địa bàn xã có công ty đang khảo sát để xây dựng thủy điện Nậm Cang 1A trong đó sẽ xây dựng 2 đập: Đập phụ chặn, lấy nước suối Nậm Cang và đập chính ở Nậm Pá. Đập chính thì bà con không có ý kiến, nhưng đập phụ ở Nậm Cang ảnh hưởng 29 hộ dân nuôi cá tầm trên địa bàn xã. 

“Về phía chính quyền xã cũng rất lo ngại khi thủy điện thi công và đưa vào sử dụng thì người dân sẽ không có nước để nuôi cá. Bên cạnh việc nuôi cá thì 3 kênh thủy điện tưới tiêu trên 50% diện tích lúa nước trên địa bàn xã sẽ rất khó khăn. Xã đã làm việc với phía công ty để cam kết tuy nhiên cũng rất lo việc cam kết thì trên giấy nhưng khi thi công xong họ sẽ có đủ nước cho người dân sử dụng. Vì vậy, chúng tôi mong thủy điện có phương án không lấy nguồn nước này để người dân ổn định, yên tâm sản xuất”, ông Phàn Phú Seng, Chủ tịch UBND xã Liên Minh nói.

Được biết, trong quá trình triển khai dự án thủy điện Nậm Cang 1A, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở liên tiếp bị cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai nhắc nhở về việc chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật, cũng như thực hiện cam kết với UBND tỉnh này.

Đặc biệt, về phía người dân công tác thống kê đền bù liên quan xây dựng đập phụ trên suối Nậm Cang, đến thời điểm này chủ đầu tư chưa thực hiện. Thứ mà người dân Nậm Cang có thể thấy rõ ràng nhất trong việc đầu tư xây dựng thủy điện Nậm Cang 1A của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở là tấm biển về dự án tồn tại từ nhiều năm nay. 

Đáng lưu ý, tại quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thủy điện Nậm Cang 1A, nội dung điều chỉnh chủ yếu tập trung vào việc giãn tiến độ của dự án. Trong đó, việc giải phóng mặt bằng, thuê đất được điều chỉnh từ quý II/2020 đến quý II/2022; đặc biệt dự án hoàn thành và phát điện rời từ quý IV/2021 sang quý IV/2023. Tuy nhiên, theo UBND xã Liên Minh, chủ đầu tư dự án chưa xây dựng thủy điện nào ở Lào Cai và người dân cũng hết sức lo ngại về năng lực của công ty này khi để dự án kéo dài.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.