| Hotline: 0983.970.780

Dư địa khoa học công nghệ nông nghiệp rất lớn, quan trọng là cách làm

Thứ Ba 30/08/2022 , 14:37 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Ngày 30/8, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tổ chức hội nghị tổng kết công tác nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2016-2020, định hướng giai đoạn 2022-2030.

Theo Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) giai đoạn 2016 - 2021, Viện đã chủ trì và tham gia thực hiện 268 nhiệm vụ khoa học công nghệ (KH-CN) các cấp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao những thành tựu mà Viện Cây lượng thực và Cây thực phẩm đạt được trong giai đoạn 2016 - 2021. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao những thành tựu mà Viện Cây lượng thực và Cây thực phẩm đạt được trong giai đoạn 2016 - 2021. Ảnh: Trung Quân.

Trong nghiên cứu cơ bản, hàng năm Viện đã tiến hành thu thập, duy trì và đánh giá trên 2.000 mẫu giống lúa thuần, 500 mẫu vật liệu bố mẹ giống lúa lai, 500 mẫu giống cây đậu đỗ, trên 200 mẫu giống cây có củ, 40 mẫu giống cây thức ăn chăn nuôi, 200 mẫu giống rau các loại...

Bên cạnh đó, lai tạo vật liệu khởi đầu trên 500 tổ hợp lai lúa thuần; 100 tổ hợp lúa lai cải tiến các dòng CMS, TGMS, dòng bố; trên 100 tổ hợp lai cây đậu đỗ, cây có củ, rau màu theo các định hướng nghiên cứu; đánh giá, chọn lọc các giống cây lương thực và cây thực phẩm mới theo mục tiêu năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện bất thuận, phù hợp cho sản xuất tại các tỉnh phía Bắc.

Trong nghiên cứu ứng dụng, Viện đã chọn tạo và công nhận được 54 giống cây trồng mới; 5 quy trình công nghệ cho sản xuất; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho 5 sản phẩm nông sản, 6 nhãn hiệu tập thể và 31 nhãn hiệu chứng nhận...

Trong nghiên cứu xây dựng mô hình, đã tổ chức nông dân sản xuất phù hợp và liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững; hỗ trợ xây dựng cho 20 hiệp hội, hội, 70 hợp tác xã và 100 tổ hợp tác với trên 20.000 số hộ tham gia...

Nhiều giống lúa chất lượng, năng suất cao đã được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nghiên cứu, đưa ra sản xuất. Ảnh: TL.

Nhiều giống lúa chất lượng, năng suất cao đã được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nghiên cứu, đưa ra sản xuất. Ảnh: TL.

Viện đã chuyển giao 13 giống lúa thuần, 1 giống lúa lai 3 dòng HYT100 và 1 giống bí xanh thiên thanh 5 đã được thương mại hóa...

Theo TS Nguyễn Trọng Khanh, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, hội nghị khoa học được tổ chức với sự đóng góp ý kiến, thảo luận của các đại biểu tham dự sẽ giúp Viện nhận diện được những lợi thế, ưu điểm cũng như những mặt còn hạn chế. Từ đó, đánh giá đúng tiềm năng của Viện trong nghiên cứu và chuyển giao KH-CN; đưa ra định hướng phát triển chính xác, khả thi, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn sản xuất, đời sống.

Trên cơ sở đó, thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị nghiên cứu ngang tầm khu vực; tiếp cận, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nghiên cứu cơ bản, tạo ra sản phẩm KH-CN có giá trị khoa học, thực tiễn, khả năng cạnh tranh cao trên các đối tượng cây trồng chính như lúa, đậu đỗ, cây có củ và rau quả.

Bên cạnh đó, tăng cường nghiên cứu cơ bản có định hướng, đặc biệt là lĩnh vực di truyền, sinh lý, sinh hóa, công nghệ sinh học... phục vụ nghiên cứu chọn tạo và nhân giống cây trồng; nghiên cứu và chuyển giao các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất cây lương thực và cây thực phẩm; ưu tiên các nghiên cứu sử dụng ưu thế lai trong chọn tạo giống cây trồng, coi đây là hướng đột phá để nâng cao năng suất sinh học và chất lượng nông sản...

TS Nguyễn Trọng Khanh, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nêu những định hướng phát triển của Viện trong giai đoạn 2022 - 2030. Ảnh: Trung Quân.

TS Nguyễn Trọng Khanh, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nêu những định hướng phát triển của Viện trong giai đoạn 2022 - 2030. Ảnh: Trung Quân.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả mà Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là việc Viện đã bắt đầu tiếp cận nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo gen mục tiêu và giống cây trồng.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, KH-CN đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, giá trị cao. Dư địa để phát triển KH-CN trong thời gian tới còn rất lớn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thách thức đang đặt ra với các đơn vị nghiên cứu, trong đó có Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm như: Vấn đề tự chủ tài chính; cạnh tranh thương mại sản phẩm khoa học với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; yêu cầu ngày càng cao của hoạt động sản xuất cũng như nhu cầu của xã hội...

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị trong chặng đường tiếp theo, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm phải luôn xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của mình; đánh giá, phân tích được những điều kiện thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với công tác nghiên cứu khoa học. Từ đó, xây dựng cho mình định hướng phát triển, bước đi cụ thể, chắc chắn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và góp ý kiến cho 14 báo cáo chuyên ngành nghiên cứu khoa học công nghệ. Ảnh: Trung Quân.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và góp ý kiến cho 14 báo cáo chuyên ngành nghiên cứu khoa học công nghệ. Ảnh: Trung Quân.

“Định hướng phát triển của Viện đã rất rõ ràng, quan trọng là triển khai thế nào cho hiệu quả. Viện phải luôn xác định rằng, việc tạo ra được những sản phẩm chất lượng sẽ quyết định đến sự sống còn của mình. Do đó, không còn cách nào khác là phải làm thật, làm đến cùng, có trách nhiệm.

Một giống chất lượng phải được chứng minh bằng sự chấp nhận của địa phương, người dân, doanh nghiệp. Nếu Viện tạo ra sản phẩm tốt, chắc chắn sẽ được xã hội đón nhận, từ đó sẽ chuyển giao, phát triển thương mại, gia tăng lợi nhuận, tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh. 

Đối với công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật của Viện, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, Viện phải rà soát lại tất cả các mối liên kết, đánh giá hiệu quả hoạt động, mức độ bền chặt; nơi nào, vị trí nào chưa đảm bảo phải tiến hành điều chỉnh lại ngay.

Ngoài ra, Viện cần tiếp tục xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhất là lực lượng trẻ về tư tưởng, đạo đức, chuyên môn, tình yêu nghề, vì đây sẽ là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững của Viện.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.