| Hotline: 0983.970.780

Lời khuyên cho những ai muốn làm nhà lưới ở miền Bắc

Thứ Năm 02/06/2022 , 09:19 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Trong những ngày miền Bắc mưa dầm dề, triền miên bởi khí hậu biến đổi thất thường, mới thấy cây trồng ngoài đồng bấp bênh thế nào so với trồng trong nhà lưới.

2-3 năm có thể thu hồi vốn

Đón đoàn khách về tham quan, anh Lê Văn Dũng, chủ nhà lưới rộng hơn 1.300m2 ở phường Long Xuyên, Thị xã Kinh Môn (Hải Dương) giải thích: “Bình thường nếu có nắng đẹp thì hơn 10 ngày nữa dưa sẽ phá lưới, đạt trọng lượng 1,2 - 1,3 kg/quả nhưng năm nay trời ít nắng, giữa mùa hè lại có lạnh thế này quả sẽ nhỏ hơn.

Sản xuất theo chuỗi nên tôi không lo về đầu ra khi toàn bộ sản lượng đều được bán cho Công ty Hải Minh với giá 38 - 40.000 đồng/kg tùy loại, tùy thời điểm. Tôi trồng nhà lưới đã năm thứ 5 rồi, hồi đó tổng đầu tư là 320 triệu nhưng năm thứ 3 đã thu hồi thừa vốn”.

Trang trại của anh Dũng là một trong những mô hình mà Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kết hợp với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm để ứng dụng công nghệ giá thể vào sản xuất các loại rau, quả chất lượng cao.

Dự án được triển khai ở các tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa và Bắc Giang trên quy mô 25 ha với tổng kinh phí 4,5 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2021 - 2023. Năm 2021, tuy dịch Covid-19 hoành hành nhưng cả hai bên vẫn hoàn thành đầy đủ nội dung, quy mô số lượng đã được phê duyệt, kết nối với 5 doanh nghiệp để bao tiêu 100% sản phẩm trong mô hình.

Anh Dũng bên những quả dưa chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Dũng bên những quả dưa chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

TS Đoàn Xuân Cảnh (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm), Chủ nhiệm dự án cho biết mô hình có 4 công nghệ được áp dụng: Thứ nhất là giống, đơn vị lựa chọn những loại phù hợp trong nhà lưới, nhà màng, khảo nghiệm kỹ càng để đảm bảo năng suất, chất lượng.

Thứ hai là giá thể gồm có 3 loại: 100% xơ dừa hoặc 90% xơ dừa cộng 10% đất bột thích hợp cho cây dưa lưới thơm; 80% xơ dừa cộng 20% đất bột thích hợp cho cây cà chua; 70% xơ dừa cộng 30% đất bột thích hợp cho cây dưa chuột.

Thứ ba là dinh dưỡng, cây sống nhờ dung dịch gồm cả đa, trung và vi lượng, nếu chọn phân không cẩn thận, có nhiều phụ gia sẽ dễ bị tắc ống tưới và không đạt hàm lượng.

Thứ tư là áp dụng hệ thống cung cấp nước và dinh dưỡng theo công nghệ tưới nhỏ giọt kiểu Israel đáp ứng cho nhu cầu của cây ở từng giai đoạn. 

Giá thể quyết định một phần thành công

Theo TS Cảnh, thực tế đang có 3 cách trồng ở nhà màng: Trong bầu giá thể, trong máng giá thể và luống đất. Trên luống đất chỉ trồng được 2 - 3 vụ đầu, sau này do dinh dưỡng tưới xuống tồn dư không phân hủy được khiến cây bị bệnh và không chủ động cân đối hàm lượng dinh dưỡng được cho cây ở những vụ sau.

Dinh dưỡng của cây trong nhà màng hoàn toàn do dịch tưới bổ sung từ ngoài nên giá thể chỉ là nơi để bộ rễ của cây bám vào, tưởng không quan trọng mà lại rất quan trọng. Giá thể nhập ngoại từ Nhật, Hà Lan về rất sạch, rất tốt nhưng lại có giá cao, tốn khoảng 36.000 đồng/cho 1 bầu cây trọng lượng 2kg, còn giá thể nội do Viện tự làm chỉ có giá tối đa 8.000 đồng/kg.

Về độ bền, cả hàng ngoại lẫn nội chỉ tồn tại được 1 - 2 vụ, như cây cà chua vòng đời 6 tháng chỉ được 1 vụ; còn với cây dưa chuột, dưa thơm 75 - 80 ngày thì được 2 vụ. Ưu điểm của giá thể nội là tận dụng được vật liệu ngay tại chỗ, sau khi trồng xong có thể tái chế, sử dụng được đến vụ thứ 3, 4.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (giữa) kiểm tra sự sinh trưởng của dưa trong nhà lưới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (giữa) kiểm tra sự sinh trưởng của dưa trong nhà lưới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xơ dừa trước đó được xử lý thủy phân bằng cách ngâm trong nước 7 - 10 ngày, sau đó đem rửa sạch, đo nồng độ ion để đảm bảo đạt chuẩn rồi phơi khô, đóng bịch. Trước đây, Viện có thử dùng các loại vật liệu khác như rơm rạ, vỏ trấu, mùn cưa để làm giá thể nhưng mùn cưa thì khó bởi phải tránh những loại gỗ có dầu để không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây; trấu đắt bởi phục vụ cho nhu cầu lót chuồng trại đang rất lớn; còn rơm rạ chỉ sử dụng được 1 vụ là mủn, mục và tỷ lệ cây trồng trên đó mắc bệnh nhiều hơn.

Tôi hỏi TS Cảnh về lời khuyên cho nông dân miền Bắc khi muốn đầu tư nhà lưới thì tối thiểu phải có diện tích, vốn bao nhiêu, ông trả lời: Quy mô làm nhà lưới tối thiểu phải từ 500m2 trở lên để có thể trồng 1.100 - 1.200 cây mới hiệu quả. Nhà lưới và hệ thống tưới dinh dưỡng mà Viện đang xây dựng cho bà con hết khoảng 350.000 - 360.000 đồng/m2. Trong khi đó tuổi thọ thấp nhất của chúng là 10 năm, mỗi năm trồng 3 vụ tương đương 10 năm là 30 vụ, từ đó khấu hao mỗi năm cho 1 ha 10.000m2 vào khoảng 150 - 160 triệu đồng.

Còn tiền đầu tư cho sản xuất, với cây dưa lưới thơm, từ giống, thuốc, phân, hóa chất đến công vào khoảng 200 - 250 triệu/ha. Tính tổng cộng cả chi phí, lẫn khấu hao cho 1 ha/năm vào khoảng 400 - 450 triệu đồng. Như vậy nếu làm tốt, giá bán ổn định thì chỉ 2 năm hoặc hơn chút là chủ vườn có thể hòa vốn. Tuy nhiên phải có tiềm lực vốn, tuân thủ đúng các biện pháp, yêu cầu của cán bộ kỹ thuật đề ra.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Trồng bưởi đạt chuẩn GlobalGAP, ong mật dập dìu về làm tổ

BÌNH PHƯỚC Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, những vườn bưởi của HTX Bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp thu hút rất nhiều ong mật về làm tổ.