| Hotline: 0983.970.780

Chọn tạo thành công giống cà chua lai VT15

Thứ Tư 10/03/2021 , 16:10 (GMT+7)

TS. Đoàn Xuân Cảnh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm và cộng sự vừa chọn tạo thành công giống cà chua lai F1 VT15.

Giống cà chua lai F1 - VT15 và giống đối chứng Savior. Ảnh: TL.

Giống cà chua lai F1 - VT15 và giống đối chứng Savior. Ảnh: TL.

Đặc điểm giống cà chua lai VT15

Cà chua lai VT15 thuộc dạng hình sinh trưởng bán hữu hạn. Cây sinh trưởng phát triển khỏe, phân nhánh trung bình. Thân lá xanh hơi hanh vàng. Cây cao trung bình 138cm. Thời gian từ trồng đến kết thúc thu hoạch 130-135 ngày. Thời gian cho thu quả sau trồng 75-80 ngày. Quả tròn cao, chỉ số dạng quả H=1,1. Cùi quả dày >0,9cm, ít hạt. Hàm lượng chất khô 5-6%, độ Brix >5,0%. Khi chín quả chuyển màu đỏ tươi, đẹp.

Cà chua lai F1 – VT15 có mang gien kháng bệnh virus Ty2 và Ty3, nên khả năng kháng bệnh virus xoăn vàng lá trên đồng ruộng khá, khả năng chịu nóng, chống chịu bệnh mốc sương, bệnh héo xanh vi khuẩn khá. Năng suất trung bình đạt 68,5-71,9 tấn/ha, tùy mùa vụ. Thích hợp trồng vụ Đông và Thu đông tại các tỉnh phía Bắc.

Giống cà chua lai F1-VT15 sinh trưởng phát triển khỏe, ra hoa đậu quả cao nên cần có kỹ thuật bấm nhánh, tỉa cành tốt, để giảm thiểu bệnh mốc sương. Chỉ nên tỉa để 4-5 chùm quả/cây và 3-4 quả/chùm.

Các địa phương, bao gồm Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang. Bắc Ninh, Thái Bình hiện đang ứng dụng giống thành công giống cà chua lai VT15 vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.

Quy trình trồng và chăm sóc

Theo Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, vụ thu đông gieo hạt cà chua VT15 từ ngày 25/8- 5/9, vụ đông gieo 5-25/9. Lượng hạt gieo cho trồng 1ha từ 0,25-0,3kg. Tiêu chuẩn cây giống: cao 8-10cm, có 4-5 lá thật, thân cứng mập, không sâu bệnh hại.

Đất trồng, chọn ruộng cát pha, thịt nhẹ hoặc phù sa ven sông, tưới tiêu chủ động. Vùng trồng không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây ô nhiễm. Đất cần cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, lên luống rộng 1,5-1,6m, cao 20-25cm, rãnh luống rộng 25-30cm, mặt luống rộng 1,1-1,2m. Mật độ trồng 28.000 cây/ha, khoảng cách trồng cây, 80cm x 45 cm.

Cà chua lại F1 - VT15 trồng tại Hưng Yên. Ảnh: Hải Tiến.

Cà chua lại F1 - VT15 trồng tại Hưng Yên. Ảnh: Hải Tiến.

Phân bón (cho 1ha): Phân hữu cơ hoai mục 5 tấn, bón lót toàn bộ. Lân 750kg, chia 2 lần, bón lót 600kg, bón thúc (sau trồng 30-35 ngày), 150kg. Đạm urê 390kg, Kali sunfat 300kg (2 loại phân này chia bón 3 lần): lần 1 (sau trồng 10-15 ngày), bón 50kg Urê + 50kg Kali; lần 2 (sau trồng 30-35 ngày), bón 150kg Urê + 150kg Kali; lần 3 (sau thu quả lần đầu), bón 140kg Urê + 100kg Kali.

Chăm sóc: Luôn đảm bảo đủ độ ẩm đất cho cây sinh trưởng phát triển thuận lợi, nhất là ở giai đoạn đầu và khi ra hoa đậu quả. Có thể tưới rãnh để giữ ẩm, nhưng không được để nước đọng lại rãnh sau tưới. Làm cỏ kết hợp vun gốc cùng 2 đợt bón thúc nói trên.

Sau trồng cà chua 25-30 ngày phải làm giàn chống đổ cho cây. Sau cắm giàn, dùng dây mềm treo cây lên giàn buộc như hình số 8. Thường xuyên bấm tỉa, giữ lại từ 1-2 nhánh/thân.

Cà chua lai F1 trồng ở Hà Nam. Ảnh: Hải Tiến.

Cà chua lai F1 trồng ở Hà Nam. Ảnh: Hải Tiến.

Phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM): Không trồng cà chua trên chân ruộng vụ kế trước trồng các cây họ cà (cà bát, cà pháo, dưa chuột, dưa lê...). Xử lý ruộng bằng vôi bột trước khi gieo trồng. Không dùng phân tươi, nước phân tươi hoặc nước giải tưới cho cây cà chua. Tốt nhất dùng cây giống ghép trên gốc cà tím để khắc phục các bệnh do vius gây hại.

Tỉa bỏ kịp thời các lá già, lá sâu bệnh và các nhánh vô hiệu, tạo độ thông thoáng cho vườn cà chua, hạn chế sâu bệnh hại. Ưu tiên sử dụng các thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc thảo mộc, vi sinh. Thu dọn sạch tàn dư thực vật trước và sau vụ gieo trồng. Chỉ sử dụng thuốc hóa học trong danh mục nhà nước cho phép dùng trên rau quả an toàn, khi sâu bệnh hại vượt quá ngưỡng kinh tế. .

Một số sâu bệnh hại chính: Bệnh lở cổ rễ và bệnh héo rũ cây con: Dùng Viben nồng độ 0,2%, Ridomil 72WP nồng độ 0,15% hoặc Validacin nồng độ 0,2% phun vào chiều mát không mưa. Bệnh sương mai gây hại chủ yếu từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, hại nặng khi thời tiết âm u kéo dài, phun trừ bằng một trong các loại thuốc Ridomil MZ 72WP, Zineb 80WP, Boóc đô. Bệnh đốm lá chủ yếu xuất hiện khi nhiệt độ và ẩm độ không khí cao trong vụ cà chua sớm và cà chua Xuân hè, có thể dùng Score 250EC, Anvil 5SC hoặc Rovral 50WP để phun phòng và trừ.

Thu hoạch, bảo quản: Thu hoạch khi quả chín 80-90% hoặc quả chín hoàn toàn trên cây ngoài đồng (cà chua thường chín sau đậu quả khoảng 70-75 ngày). Cần hạn chế tưới nước cho ruộng cà chua trước thu hoạch 20 ngày, để nâng cao chất lượng quả. Phải đảm bảo thời gian cách ly sau phun thuốc.heo

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.