| Hotline: 0983.970.780

Dư địa phát triển lâm nghiệp của Nghệ An rất lớn

Thứ Hai 03/07/2023 , 08:24 (GMT+7)

Sở hữu diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, đây quả thực là 'mỏ vàng' của Nghệ An. Địa phương này cần tận dụng, phát huy giá trị trời ban.

Lâm nghiệp Nghệ An còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: Việt Khánh.

Lâm nghiệp Nghệ An còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: Việt Khánh.

Vừa qua, Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị sơ kết giữa kỳ nhằm đánh giá tổng quan kết quả đã đạt được, cũng như chỉ ra những tồn tại, vướng mắc, qua đó xây dựng lộ trình, kế hoạch dài hơi để cùng chung tay, góp sức sớm đưa ngành lâm nghiệp tỉnh nhà “hóa rồng” như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An chia sẻ, nửa nhiệm kỳ vừa qua hiệp hội hoạt động tốt, đã kết nối, kêu gọi được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào sân chơi chung, đồng thời tích cực hưởng ứng các chương trình, hoạt động do Hiệp hội Gỗ Việt Nam tổ chức.

Trong thời gian này, Hiệp hội đã chủ động nắm bắt, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đề xuất của doanh nghiệp, một mặt chủ động thảo luận, trao đổi, mặt khác báo cáo, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh nhằm tháo gỡ những nút thắt tồn đọng.

Sau kiện toàn, ông Trần Quang Luận được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quốc Toản.

Sau kiện toàn, ông Trần Quang Luận được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quốc Toản.

Ban chấp hành Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An sau khi kiện toàn đã có những sự thay đổi đáng chú ý ở thượng tầng, riêng ông Trần Quang Luận – Tổng Giám đốc Công ty Thanh Thành Đạt được bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Văn Đệ đánh giá cao những kết quả đạt được của Hiệp hội trong thời gian qua. Mặc dù thành lập chưa lâu nhưng Hiệp hội đã nỗ lực xây dựng, thúc đẩy quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp, tạo sân chơi phù hợp cho các thành viên trong ngành có cơ hội được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và mở ra cơ hội kinh doanh mới.

Ông Đệ nhấn mạnh thêm, tỉnh Nghệ An có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được quy hoạch trên 1,1 triệu ha với trữ lượng gỗ khoảng 91 triệu m3, ngoài ra còn có trên 500 triệu cây tre nứa các loại và hàng nghìn loại cây dược liệu quý. Hiện toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, 98 doanh nghiệp chế biến lâm sản ngoài gỗ, gần 11.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ, từ đây tạo thu nhập cho người trồng rừng, góp phần vào mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh nhà.

Tiếc rằng những kết quả nêu trên còn khá khiêm tốn, nhìn chung chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế sẵn có. Biểu hiện rõ nhất là chất lượng rừng trồng còn thấp, diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn còn hạn chế. Công nghiệp khai thác, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ chưa phát triển toàn diện, từ quy hoạch vùng nguyên liệu cho đến quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đều bộc lộ không ít vấn đề…

Giá trị ngành gỗ của Nghệ An chưa phát triển như kỳ vọng. Ảnh: Việt Khánh.

Giá trị ngành gỗ của Nghệ An chưa phát triển như kỳ vọng. Ảnh: Việt Khánh.

Từ thực tiễn trên, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ được xem như cơn mưa rào giữa mùa nắng hạn, sẽ sớm giải tỏa những nút thắt bị buộc chặt suốt bấy lâu.

Là một chủ trương lớn đòi hỏi phải cẩn trọng, tỉ mẩn trong từng đường đi nước bước, ý thức được điều đó, tỉnh Nghệ An đang tập trung chỉ đạo Sở NN-PTNT cùng các sở, ngành, địa phương liên quan vào cuộc quyết liệt, thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định hiện hành để sớm kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hình hài “non trẻ” của ngành công nghiệp gỗ và lâm sản của Nghệ An càng khẳng định vai trò quan trọng của Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Để duy trì đà phát triển bền vững và có đóng góp rõ nét trong bức tranh kinh tế lâm nghiêp nói chung, đòi hỏi Hiệp hội phải nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hơn nữa sự hợp tác với các Hiệp hội Gỗ trong nước và các tổ chức liên quan, các đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp trong ngành.

Tỉnh Nghệ An mong muốn Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phát triển lớn mạnh, qua đó có những đóng góp quan trọng cho ngành lâm nghiệp. Ảnh: Quốc Toản.

Tỉnh Nghệ An mong muốn Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phát triển lớn mạnh, qua đó có những đóng góp quan trọng cho ngành lâm nghiệp. Ảnh: Quốc Toản.

Nhìn nhận khách quan, ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho rằng trong 4 lĩnh vực trọng tâm của ngành (nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản), lâm nghiệp có dư địa phát triển lớn nhất. Trung ương, địa phương nhìn thấy điều đó, thể hiện qua việc xây dựng Nghị quyết hỗ trợ lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để san sẻ gánh nặng cho người trồng rừng, giữ rừng, giúp họ có thể sống được bằng nghề của mình.

Xuất phát từ thực tiễn đó, ông Phùng Thanh Vinh nhắn nhủ đến Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa, cùng đến đích phải đi cùng nhau. Kỳ vọng Hiệp hội ngày càng lớn mạnh, mỗi một thành viên sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tốt thế mạnh chuyên môn để góp sức vào quá trình phát triển chung của toàn ngành lâm nghiệp”.

Xoay quanh lộ trình phát triển, tỉnh Nghệ An, Sở NN-PTNT thống nhất quan điểm quyết tâm cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, từng bước mở rộng thị trường, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại và tìm kiếm các đối tác kinh doanh mới trong và ngoài nước. Phấn đấu đưa Nghệ An thành một trong những tỉnh đứng đầu về phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.