| Hotline: 0983.970.780

'Cánh chim đầu đàn' của lâm nghiệp xứ Nghệ

Thứ Năm 20/10/2022 , 08:28 (GMT+7)

NGHỆ AN Qua nhiều khó khăn, Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu vẫn có những bước đi chủ động, sáng tạo, xứng đáng là 'cánh chim đầu đàn' của ngành lâm nghiệp xứ Nghệ.

Empty

Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu nằm trong số ít doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp giữ được đà tăng trưởng mạnh. Ảnh: Việt Khánh.

Qua cuộc trò chuyện cởi mở với ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu (Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu) cho thấy thành quả không đến nhờ may mắn, mà có sự kết tinh của bàn tay lẫn khối óc.

Ông Hoàng cho biết hiện nay, Công ty chính thức quản lý trên 30.000ha rừng, trong đó diện tích rừng công ích là rừng tự nhiên chiếm đến 23.000ha, chỉ còn lại 7.000ha là rừng sản xuất. So với giai đoạn trước đây, hiện quỹ đất rừng của Công ty đã giảm đi nhiều. Có điều “ít nhưng tinh”, với hoạch định, chiến lược bài bản, đơn vị đang sống ổn.

Vốn điều lệ của Công ty không ngừng tăng qua từng giai đoạn. Từ con số vỏn vẹn 15 tỷ đồng năm 2006, lợi nhuận đều đặn thu được từ sản xuất kinh doanh đã nâng vốn điều lệ lên 92 tỷ đồng. Con số này có thể chưa thấm tháp vào đâu so với các doanh nghiệp hàng đầu của nhiều lĩnh vực khác, nhưng đặt trong mặt bằng chung của ngành lâm nghiệp lại là khác biệt lớn, quan trọng hơn đã chứng thực được giá trị “tiền tươi thóc thật”.

Kế thừa và phát triển

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực “khó nhằn”, theo ông đâu là rào cản lớn nhất trong thực tiễn hoạt động của Công ty những năm qua?

Empty

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu. Ảnh: Việt Khánh.

Nguyên tắc khi tiến hành vay vốn là phải có tài sản đảm bảo ở dạng hữu hình, hoặc có thể định giá được. Nhưng rừng trồng, cây nguyên liệu lại là tài sản không định giá được, hôm nay thế này ngày mai lại khác. Máy móc, thiết bị có thể quy đổi thành tiền nhưng chẳng đáng là bao, hơn nữa thế chấp rồi lấy gì mà làm? Bấy lâu nay phương án tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng hoàn toàn bế tắc, đáng quan ngại khi nhà nước chưa có chính sách để gỡ nút thắt này.

Nhà nước cần đứng ra để bảo lãnh cho các đơn vị được vay vốn kinh doanh, bằng không, các ngân hàng sẽ tiếp tục có lý do để thoái thác. Những năm qua, doanh nghiệp đang tự bơi, với cơ chế hiện tại tất sẽ chìm, đây thực sự là bài toán nan giải với các công ty lâm nghiệp, cũng như các chủ rừng.

Empty

Kịp thời bắt nhịp với vòng xoay thời cuộc đã giúp Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu đứng vững trên thương trường. Ảnh: Việt Khánh.

Một chuyên gia trong ngành khẳng định, xét tổng thể trong ngành lâm nghiệp ở Nghệ An, nếu Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng thì chẳng đơn vị nào thực hiện nổi.

Khó khăn của nghề rừng xuất phát từ đặc thù của chính nó, đơn cử như chu kỳ trồng rừng gỗ lớn kéo dài trong 7 năm, nếu diễn tiến thuận lợi chí ít phải 7 năm sau khi trồng mới tiến hành khai thác, lúc đó mới có khoản mà trả nợ. Vòng đời trồng rừng càng dài thì rủi ro càng lớn, ngân hàng bám vào đây để chối từ, họ chẳng dại gì mạo hiểm đi rót tiền vào chỗ trống, cứ thế dần dà đẩy các đơn vị lâm nghiệp vào tình cảnh khốn cùng.

Vì thế, khó khăn lớn nhất là vốn, thứ hai là lao động. Đành rằng các ngành nghề dịch vụ khác số lượng lao động tương đối dồi dào, thế nhưng để thu hút được lao động về mảng lâm nghiệp rất khó.

Khác biệt nằm ở đồng lương, chính thu nhập còm cõi, quá rẻ mạt là nút thắt. Nhìn rộng khắp toàn tỉnh, tìm kiếm mỏi mắt cũng chỉ lác đác một vài cái tên có thể tạm ổn phần nào, trong khi số đông đều leo lét như ngọn đèn trước gió. May mắn của Công ty chúng tôi là duy trì được đội ngũ lao động lên đến 700 người, kèm theo chế độ khá tương xứng.

Chủ động đi trước một bước

Ngành lâm nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức, trong bối cảnh đó, Công ty đã làm gì để vượt qua, thưa ông?

Thực trạng khó khăn của ngành lâm nghiệp nói chung, của ngành gỗ nói riêng không phải là câu chuyện của riêng Nghệ An mà là vấn đề bí bách trên phạm vi cả nước.

Như đã đề cập, thời gian tới, các đơn vị sẽ đối diện với nhiều khó khăn về vốn, bởi lẽ giá trị đầu vào tất cả các mặt hàng đầu tư đều tăng phi mã, trong khi kinh phí trong tay chỉ có chừng ấy. Ví như năm 2005 anh có thể xây 100 ngôi nhà với chỉ 15 tỷ đồng, bây giờ cầm đủ số tiền trên không thể xây chừng ấy ngôi nhà. Doanh nghiệp cũng thế thôi, để tiếp tục cuộc chơi đòi hỏi phải có vốn, phải mở rộng đầu tư để cải thiện doanh thu, bằng không sẽ thất bại.

Empty

Luôn đi trước một bước đã giúp Nông Lâm nghiệp Sông Hiếu trở thành cánh chim đầu đàn của ngành lâm nghiệp Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Cái khó là ngân sách nhà nước không có để bổ sung thêm, đó là điều bất di bất dịch. Muốn tồn tại, những doanh nghiệp như Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu buộc phải tự thân vận động, phải đẩy mạnh liên doanh liên kết để huy động vốn, vay vốn, xét cho cùng chẳng còn lựa chọn nào khác.

Liên doanh liên kết của Công ty chia làm 2 dạng: Thứ nhất là phối hợp với người dân. Đây là một kênh để huy động vốn nhưng không thu lợi kinh tế được nhiều, chủ đích là đảm bảo an sinh và ổn định tình hình chung, nhất là những diện tích trồng rừng gần dân. Hạn chế của cách làm này là thông qua quá nhiều đầu mối, tư tưởng của người trồng rừng lại thiếu kiên định, dễ “bùng kèo”, kéo theo nhiều rủi ro, đó là lý do diện tích liên kết trong dân của Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu chỉ loanh quanh 1.600ha.

Empty

Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu hiện có hơn 5.000ha rừng, đây được xem là khối "vàng ròng" đủ sức hình thành các mối liên kết bền chặt với các doanh nghiệp lớn mạnh trong ngành gỗ. Ảnh: Việt Khánh.

Còn lại, diện tích rừng hơn 5.000ha của Công ty sẽ là khối tài sản “vàng ròng” để làm điểm tựa tiến tới hình thành các mối liên kết bền chặt với các đối tác tiềm năng, vốn là những doanh nghiệp tầm cỡ, đủ sức vận hành quy trình chế biến sâu trong ngành gỗ theo nguyên tắc bổ trợ hoàn hảo cho nhau.

Hình thức này lấy uy tín làm tin, đôi bên cam kết không xé rào, nguyên liệu được hình thành từ nguồn vốn vay sẽ được bàn giao cho đối tác đúng theo nhu cầu thị trường. Tất cả chỉ cần có thế, nhanh gọn, tiện lợi và hiệu quả. Sơ bộ mỗi năm, chúng tôi đầu tư đến 30 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh, riêng công tác phát triển rừng chiếm 25 tỷ đồng

Ông có thể chia sẻ thêm về đường đi nước bước của Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu trong thời gian tới?

Chủ trương của Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu là phát triển có chiều sâu, đa chủng loại các sản phẩm, trọng tâm là gỗ lớn, gỗ nguyên liệu. Bên cạnh quá trình làm đất, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào canh tác, Công ty sẽ phát triển thêm một số cây nguyên liệu khác ngoài keo. Bởi cây gỗ keo đến một thời điểm nhất định, sẽ khó tránh khỏi cảnh bão hòa, do đó phải luôn chủ động đi trước một bước.

Lấy cây keo làm điểm, trên thực tế đơn vị đã không ngại cất công tìm tòi, mục đích để nâng tầm hơn nữa giá trị kinh tế của loại cây này. Lúc trước, đa phần diện tích phủ sóng giống keo BV10, BV16, BV32. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang các giống keo cấy mô với nhiều đặc tính vượt trội. Giống mới dù giá đắt hơn, chênh lệch khoảng 500 đồng/cây, bù lại rất đáng để kỳ vọng.

Empty

Việc kinh doanh thuận lợi, sản phẩm tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường đã giúp người lao động yên tâm cống hiến. Ảnh: Việt Khánh. 

Qua theo dõi tình hình ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là diện tích ban đầu hơn 1.000ha được trồng ngay trên “sân nhà”, dễ thấy giống keo cấy mô sinh trưởng rất tốt, tốc độ phát triển nhanh gấp rưỡi giống cũ. Thông thường, keo thu hoạch bình quân đạt 130 – 150 tấn/ha, doanh thu cả chu kỳ khoảng 100 triệu đồng/ha, nhưng với giống keo mới, nếu không có biến động ngoài ý muốn chí ít phải đạt con số trên 150 triệu đồng/ha. Ấy là chưa tính đến việc rút ngắn đáng kể thời gian cho thu hoạch, từ đó hạn chế được không ít chi phí phát sinh.

Các sản phẩm gỗ mang thương hiệu “Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu” rất được thị trường ngoài nước ưa chuông, đặc biệt là châu Âu và Mỹ. Thông qua công ty logistic trung gian, các mặt hàng xuất đến đâu đối tác tranh nhau đến đấy. Trung bình hàng tháng, chúng tôi xuất khẩu trên dưới 500 khối gỗ, giá trị thu về không hề nhỏ.

Khoảng từ tháng 7/2022 trở lại đây, do ảnh hưởng từ xung đột của Nga và các nước phương Tây, điện tăng, khí ga, khí đốt tăng chóng mặt đã đẩy nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vào cảnh điêu đứng, điều này cũng tác động không nhỏ đến tình hình kinh doanh trong nước, Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Chúng tôi xác định sự việc đến bất khả kháng, chẳng ai lường trước được, tinh thần vẫn sẽ nỗ lực hết mình để tiếp đà vượt khó, tin rằng diễn biến chung sẽ sớm bình ổn trở lại.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.