| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Du lịch cần những giải pháp đột phá

Thứ Năm 08/09/2022 , 20:31 (GMT+7)

Ngành du lịch cần nhiều giải pháp đột phá, chính sách phát triển bền vững, mạnh dạn thí điểm các mô hình, cơ chế mới để nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thu hút đầu tư phát triển du lịch kết hợp sự kiện - MICE

Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế lần thứ 16, ngày 8/9, Bộ VH-TT&DL phối hợp UBND TP.HCM tổ chức Diễn đàn du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu Covid-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE - loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025. "Du lịch MICE có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến. Song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm", ông Hùng nói.

Để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ông Hùng cho rằng, ngành du lịch Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt khoảng trên 1.400 tỷ USD, trong đó tập trung lớn ở khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp tăng cường các hoạt động gắn kết, đào tạo kỹ năng, tổ chức hội nghị, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác đầu tư, nghiên cứu thị trường kết hợp các hoạt động tham quan, mua sắm, giải trí. Đây chính là tiềm năng, dư địa rất lớn để phát triển mạnh mẽ du lịch MICE, góp phần tích cực thúc đẩy phục hồi du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Các điểm đến trong nước phát triển loại hình du lịch MICE gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TPHCM. Việc phát triển du lịch MICE được gắn kết với các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị.

Để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan. Trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn hóa dịch vụ MICE, tăng cường năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế; hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp; liên kết phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch MICE có khả năng cạnh tranh cao; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch MICE.

8 tháng đầu năm 2022, TP.HCM đã đón được hơn 1,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 16,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu ước đạt 74.500 tỷ đồng, tăng 90,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhận định, ngành du lịch đóng vai trò to lớn, đóng góp bình quân 10-12% trong GRDP của TP.HCM trong giai đoạn 2016 - 2019, khách du lịch quốc tế đến TP.HCM luôn chiếm gần 50% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam, doanh thu từ khách du lịch quốc tế đến TP.HCM chiếm khoảng ¼ doanh thu từ khách du lịch quốc tế của cả nước.

Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế, bà Thắng cho biết, TP.HCM đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như đa dạng hoá các hoạt động xúc tiến quảng bá tại các thị trường thông qua chiến dịch truyền thông “TP.HCM chào đón bạn”, xây dựng sản phẩm mới “mỗi quận huyện là một sản phẩm du lịch đặc trưng”, liên kết với các tỉnh thành trong cả nước để tổ chức các sản phẩm liên vùng trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút du khách, nhất là các đoàn khách MICE đến thành phố...

Hội chợ cũng là dịp để nhiều địa phương giới thiệu tới du khách quốc tế những sản vật của địa phương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hội chợ cũng là dịp để nhiều địa phương giới thiệu tới du khách quốc tế những sản vật của địa phương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Giải pháp đột phá thu hút khách quốc tế

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, đưa ra hiều giải pháp để phục hồi, thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh mới được đưa ra nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến được yêu chuộng của du khách quốc tế và lan tỏa hình ảnh Việt Nam đến toàn cầu.

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để du lịch lấy lại quãng thời gian đã mất trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì cần có những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình, cơ chế mới.

Ông Đam đặc biệt lưu ý, ngành du lịch cần giải bài toán thiếu nhân lực du lịch bằng cách huy động được các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp du lịch tham gia đào tạo. Đồng thời, Bộ VHTT&DL cần phối hợp với các DN, hiệp hội, đề xuất cơ chế, báo cáo cấp thẩm quyền cho phép thí điểm những mô hình đào tạo mới. 

Tiếp đến là phát triển du lịch xanh tối đa để bảo vệ môi trường bằng những sản phẩm, dịch vụ trong khu lưu trú bớt dùng đồ nhựa, đồ nylon, sau đó lan tỏa ra các khu dân cư xung quanh. Đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số. "Không chỉ việc giúp du khách tìm hiểu các sản phẩm, điểm đến, thanh toán các dịch vụ du lịch qua điện thoại thông minh, mà còn là số hoá các sản phẩm du lịch, các bảo tàng, di tích, điểm đến để du khách tìm hiểu thuận lợi trước khi đến", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Gian hàng của TST tourist tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM thu hút nhiều đơn vị, doanh nghiệp quốc tế.

Gian hàng của TST tourist tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM thu hút nhiều đơn vị, doanh nghiệp quốc tế.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần tăng cường kết nối hơn nữa giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, các quốc gia trong khu vực trên tinh thần cùng có lợi, không chỉ để phát triển du lịch, mà còn để cuộc sống của người dân thêm phong phú, nhiều trải nghiệm hơn.

"Phải có các giải pháp mang tính đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đề nghị Bộ VHTT&DL phải chủ trì, phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch để nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ rất cụ thể những khó khăn, vướng mắc. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, có những giải pháp mạnh mẽ, giải quyết dứt điểm, triệt để từng vấn đề, vướng mắc gặp phải, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội nhanh hơn sau đại dịch", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.