| Hotline: 0983.970.780

Du lịch nông nghiệp trên thế giới

Thứ Sáu 21/02/2020 , 07:01 (GMT+7)

Là loại hình kinh doanh mới mẻ ở Việt Nam, nhưng du lịch nông nghiệp (DLNN) vốn phát triển mạnh trên thế giới từ cách đây vài thập niên.

Du khách nước ngoài trải nghiệm du lịch nông nghiệp ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Du khách nước ngoài trải nghiệm du lịch nông nghiệp ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Công nghiệp không khói

Theo định nghĩa của các chuyên gia kinh tế, DLNN gồm 4 thành tố chính là kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp, thu hút du khách tham quan các hoạt động nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, và giúp du khách trải nghiệm cuộc sống nhà nông.

Ở nhiều nước, DLNN đóng góp đáng kể vào GDP, đồng thời giúp kéo dài mùa vụ cho bà con nông dân, nhất là vào thời điểm giáp hạt, trái mùa.

DLNN đã manh nha từ thế kỷ 19, nhưng phải đến đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, loại hình này mới phát triển mạnh ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Canada là nước sớm nhất công bố những đạo luật để kích thích DLNN.

Từ năm 1961, nước này đã quy hoạch đất nông nghiệp và chỉ rõ những loại toài nguyên thích hợp để sử dụng cho mục đích giải trí ngoài trời. Dựa vào đó, các thành phố sẽ có những chương trình hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội.

Trong "Sách trắng du lịch", cẩm nang khi đến Nhật Bản của người nước ngoài, đất nước này gọi du lịch nông nghiệp là ngành công nghiệp không khói. Cũng trong sách này, thị trấn Niseko trở thành thị trường bất động sản nóng nhất cả nước bởi nơi đây có lượng du khách đổ về trượt tuyết, nghỉ dưỡng đông bậc nhất.

Năm 1976, tại Pháp, chính phủ kết hợp với Hội nông dân đồng triển khai và tổ chức DLNN.

Trong hơn một năm, khoảng 100 chiến dịch đã được chính phủ Pháp phát động ở khắp các miền quê. Kết quả là 6 năm sau, 25% khách du lịch khi tới Pháp chọn các chuyến nghỉ dưỡng hướng về nông thôn. Thói quen ấy vẫn được giữ gìn tới bây giờ.

DLNN đặc biệt phát triển mạnh ở các quốc gia Trung Âu. Tại Áo, DLNN được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản, dù nông dân nước này chỉ chiếm 3% dân số.

Một quốc gia khác ở châu Âu - Israel - xem DLNN là hình thức giáo dục bắt buộc từ sớm cho trẻ em. Còn tại Mỹ, quốc gia có nền nông nghiệp phát triển bậc nhất thế giới, hàng năm người dân chi ngót nghét 1 tỷ USD cho các hoạt động liên quan tới DLNN.

Trên xu hướng chung của thế giới là thu hẹp diện tích đất canh tác đất nông nghiệp, tối đa hóa lợi nhuận cho từng tấc đất được coi là nhiệm vụ sống còn cho các quốc gia. Điều này thể hiện rõ ở Nhật Bản, đất nước thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai và luôn quản lý chặt chẽ nguồn đất đai. Tính đến hết năm 2018, du khách nước ngoài chi tiêu hơn 9 tỷ USD trong các khu vực nông thôn, tăng hơn 50% so với trước đó ba năm.

Chính phủ Nhật, trong sách hướng dẫn du khách, cũng quy hoạch rõ 8 thành phố lớn gồm Tokyo, Kanagawa, Chiba, Saitama, Aichi, Osaka, Kyoto và Hyogo. 41 khu vực còn lại đều được xếp vào diện nông thôn, đồng thời hưởng những ưu đãi về thuế, trợ giá từ chính phủ. Xét trong toàn ngành du lịch, tỷ lệ du khách về vùng nông thôn so với thành phố ở Nhật Bản ngày càng tăng. Theo số liệu năm 2018, con số này vào khoảng 1,5 lần.

Bước khởi đầu ở các nước đang phát triển

Với đa phần các nước châu Á, DLNN còn nhiều mới mẻ, nhất là khi đại bộ phận các nước vẫn sống dựa vào nền nông nghiệp. Hàn Quốc, một trong những “con rồng châu Á” mới thí điểm phát triển DLNN từ giữa thập niên 90, từ một dự án nhằm tăng thu nhập cho nông dân.

Mãi đến đầu năm 2002, chính phủ nước này mới đẩy mạnh hướng đi này. 4 năm sau nữa, các tour DLNN được định hướng nhằm phát triển nông nghiệp, và được kỳ vọng sẽ xóa bớt độ chênh giữa thành thị và nông thôn. Đó cũng là mục tiêu mà Tổ chức phát triển Liên hợp quốc đặt ra khi hỗ trợ Nepal và Ấn Độ hồi giữa thập niên 2000.

Nhắc đến DLNN không thể bỏ qua Trung Quốc. Do bề dày lịch sử, truyền thống cộng dân số 1,4 tỷ dân, quốc gia này nghiễm nhiên trở thành nước có quy mô tổ chức DLNN lớn nhất thế giới.

Từ năm 2006, chính phủ Trung Quốc đã tổ chức năm du lịch quốc gia về DLNN, trong đó giương cao khẩu hiệu: “Chống đói nghèo bằng con đường phát triển DLNN”.Ở tỉnh Quảng Tây, chính quyền đã xây hơn 15 tuyến DLNN đặc sắc từ năm 2007, với hàng trăm vườn du lịch sinh thái, tạo ra hàng chục nghìn việc làm và đạt doanh thu hàng chục triệu USD mỗi năm.

Ngôi làng nổi tiếng nhất Giang Tây về phát triển DLNN nằm ở phía đông tỉnh này. Trong làng, ngoại trừ một phần nhỏ dành cho người dân ở, những ngôi nhà còn lại được sơn bằng các nhân vật hoạt hình quen thuộc như Doraemon, Pikachu, Bạch Tuyết... Rất ít du khách biết tên chính xác của ngôi làng, và họ thường gọi bằng cái tên “ngôi làng tuổi thơ”.

Cũng tại Trung Quốc, cô gái có tên Lý Tử Thất, ở Tứ Xuyên cũng nổi tiếng khắp thế giới vì thường quay những video chế biến món ăn truyền thống. Nhờ các clip hàng triệu lượt xem trên youtube của Lý, miền quê Tứ Xuyên của cô đón đông đảo khách thập phương đến thăm.

Tại Việt Nam, DLNN nổi lên từ vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, hầu hết mới dừng ở bước đi riêng lẻ, phát huy thế mạnh của từng địa phương.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất