Chủ động kết nối cung cầu lao động
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhận định, năm 2023, dự báo thị trường lao động chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn và các nước trên thế giới ứng xử rất khác nhau nên việc sản xuất, kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Tình hình lạm phát ở các nước đang đẩy giá nguyên vật liệu tăng cao, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine cũng là nguyên nhân dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành chế biến, chế tạo.
“Do đó, Sở LĐ-TB&XH các địa phương phải nắm bắt tình hình biến động của thị trường lao động; đặc biệt là tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời có những biện pháp kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động”, Thứ trưởng Thanh nói.
Trong năm 2022, mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng cả giai đoạn 2021 - 2022 chỉ tăng trưởng bình quân xấp xỉ khoảng 5,2%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, năm 2023 được xác định là năm bản lề, quyết định khả năng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, các trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương cần tăng cường các hoạt động thu thập, cung cấp thông tin, kết nối cung cầu lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động. Chủ động, tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nâng cao chất lượng hoạt động vay vốn; lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, chương trình, dự án thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp...; ưu tiên cho vay đối với lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thanh niên, phụ nữ nông thôn...
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động, việc quản lý sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ việc làm…
"Kết nối cung cầu lao động không chỉ cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương, mà các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương cần kết nối với nhau thành khu vực và toàn quốc. Có những trung tâm dịch vụ việc làm từ trong Nam kết nối ra Bắc, cũng như trung tâm ngoài Bắc kết nối Nam và miền Trung, với nguyên tắc là đảm bảo sự lưu thông thống nhất của thị trường lao động", ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm nói.
Bảo hiểm thất nghiệp hướng tới đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, thời gian qua Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, các địa phương rất quan tâm các chính sách tạo việc làm cho người lao động.
“Các nguồn vốn được cấp ở Trung ương và địa phương cho quỹ vốn vay quốc gia việc làm ngày càng tăng. Hàng triệu người lao động được cấp vốn đã tự tạo việc làm và đảm bảo việc làm bền vững. Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Chính phủ đã trình Quốc hội có những cơ chế đặc thù để tăng nguồn vốn. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm để tạo thêm nguồn vốn vay cho người lao động tạo việc làm, đặc biệt là tạo việc làm cho đồng bào dân tộc, các vùng khó khăn và những người mất việc ở phía Nam quay trở về địa bàn”, ông Bình cho hay.
Ông Vũ Trọng Bình cho biết thêm: “Việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu về mặt thể chế để hoàn thiện các quy định chính sách về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là chính sách chi trả cho người lao động, mà còn hỗ trợ đào tạo cũng như tư vấn, giới thiệu việc làm. Để bảo hiểm thất nghiệp ngày càng trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, sắp tới trong sửa đổi Luật Việc làm, chúng ta sẽ tiếp tục chỉnh sửa một cách căn cơ”.
Khi các doanh nghiệp, đặc biệt ở TP.HCM có ý định về sa thải lao động, Cục Việc làm đã làm việc ngay, chỉ đạo hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp với các Sở LĐ-TB&XH để bám sát, trao đổi ngay với các doanh nghiệp, nắm được kế hoạch doanh nghiệp sa thải lao động. Trên cơ sở đó, các trung tâm dịch vụ việc làm sẽ trực tiếp phân loại các đối tượng lao động và trực tiếp tham gia vào giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện chi trả và giới thiệu việc làm mới cho người lao động.
Theo đánh giá của ông Vũ Trọng Bình, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Luật Việc làm đã được thực hiện tương đối tốt. Mặc dù vậy, vẫn còn một số hạn chế. Lãnh đạo một số địa phương chưa nhận thức được chính sách bảo hiểm thất nghiệp không phải chỉ chi trả tiền cho người lao động, mà còn tư vấn, giới thiệu việc làm, cũng như đào tạo lao động.
"Nội dung chi trả cho lao động thất nghiệp được quan tâm nhiều hơn, còn nội dung tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối việc làm thành công, cũng như việc đào tạo còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số địa phương khi mà thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa quan tâm đến việc thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ. Do đó, chúng tôi đang tiếp tục vừa tuyên truyền, vừa chấn chỉnh, vừa kiểm tra, giám sát", ông Bình nói.
Về vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo ông Bình cần phải phân tầng. Lao động chất lượng cao, phần lớn là đào tạo ở các trường đại học và giáo dục nghề nghiệp, có tính chất dài hạn. Tuy nhiên hiện nay, việc đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng đối với phần lớn người lao động, đặc biệt là lao động phi chính thức còn chưa được chú trọng.
Hiện nước ta có hơn 34 triệu lao động phi chính thức cũng như nhiều lao động phổ thông. Do đó, việc đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng các sở, địa phương phải chủ động cả về chương trình đào tạo, nội dung đào tạo. Việc này, Cục Việc làm đang cố gắng tăng cường, tạo điều kiện để các địa phương sử dụng kinh phí từ quỹ thất nghiệp. Bên cạnh đó, các nội dung đào tạo hiện nay phải mở cửa, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào đào tạo...
"Đối với việc quản lý lao động nước ngoài, sử dụng lao động nước ngoài, đã có Chỉ thị 09 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về quan điểm của Đảng và Nhà nước. Trong chính sách đó, chúng ta chỉ tạo điều kiện và sử dụng lao động nước ngoài đối với lao động chất lượng cao mà lao động Việt Nam không đáp ứng được. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, chúng tôi tiếp tục chỉnh sửa những quy định pháp luật để đảm bảo nó như một bộ lọc với với những lao động chất lượng cao. Ví dụ như nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam không đáp ứng được, nhưng những doanh nghiệp nước ngoài cần thì chúng ta tạo mọi điều kiện thông thoáng nhất để họ vào", ông Vũ Trọng Bình cho biết.
Cũng theo ông Bình, đối với lao động ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu, chúng ta phải bảo vệ thị trường lao động trong nước. Đây là việc phải thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp nước ngoài, cũng như doanh nghiệp Việt Nam sử dụng lao động nước ngoài. Cục Việc làm sẽ tiếp tục hoàn thiện cả về mặt thể chế và triển khai. Đặc biệt là tăng cường nhận thức của các địa phương, lãnh đạo các sở trong việc triển khai chính sách cũng như chỉ thị của Đảng về quản lý lao động nước ngoài.
Bà Đinh Thị Trúc Mi, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều chính sách để nâng cao nguồn nhân lực cho tỉnh. Ví dụ tỉnh đã xây dựng các đơn giá đặt hàng cho các trường nghề để đào tạo nguồn lao động cho tỉnh.
Hàng năm, tỉnh đặt hàng các trường nghề ở những lĩnh vực về cơ khí, du lịch trên 2.000 đối tượng, với tổng kinh phí khoảng từ 20 - 25 tỷ đồng/năm để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành kinh tế của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng có những chính sách hỗ trợ cho những lao động muốn làm việc trên địa bàn của tỉnh; đồng thời kết hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, với các doanh nghiệp để có những chính sách ưu đãi, quan tâm về điều kiện cơ sở vật chất làm việc cũng như môi trường sống cho người lao động đến làm việc và sinh sống tại tỉnh.