| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung - Tây Nguyên bùng nổ kết nối lao động, việc làm: [Bài 3] Hàng chục ngàn việc làm chờ người lao động

Thứ Hai 06/03/2023 , 10:45 (GMT+7)

Tại các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên đang có hàng chục ngàn việc làm đang chờ người lao động...

Doanh nghiệp chờ lao động

Bài liên quan

Giữa tháng 2 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Định phối hợp với huyện Phù Cát, thị xã An Nhơn và các đơn vị liên quan đã tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại 2 địa phương này.

Tại 2 phiên giao dịch việc làm nói trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định và các doanh nghiệp đã thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và các chính sách liên quan đến việc làm, xuất khẩu lao động.

Trước đó, trong ngày 9 - 10/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định phối hợp với thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ cũng tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động cho người lao động tại địa phương. Kết quả, đã tư vấn, hỗ trợ thông tin việc làm và các chính sách liên quan cho 250 người lao động.

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định đã tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng của 475 lượt doanh nghiệp với hơn 49.200 vị trí việc làm. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động nữ chiếm 45,7%, chủ yếu là lao động phổ thông. Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ lệ tuyển dụng cao nhất, chiếm đến 88%, tập trung ở các lĩnh vực linh kiện điện tử, may mặc, giày da, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ gỗ. Nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này cũng đặc biệt tăng cao trong thời gian gần đây vì nhu cầu tập trung nhân lực, ổn định sản xuất sau Tết Nguyên đán của các doanh nghiệp.

Nhiều người lao động ở Gia Lai có cơ hội tìm việc làm trong năm mới. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều người lao động ở Gia Lai có cơ hội tìm việc làm trong năm mới. Ảnh: Tuấn Anh.

Tại tỉnh Kon Tum, trong quý I năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh này đã kết nối với các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước để giới thiệu người lao động có việc làm ổn định. Đối với làm việc ở nước ngoài, Trung tâm cũng đã đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp đưa người lao động đi các nước có uy tín, an toàn.

Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong quý I khoảng hơn 1.000 việc làm. Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum cho biết, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm thông qua việc tư vấn, giới thiệu và tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn, huyện trên địa bàn tỉnh... để thu thập thông tin cung cấp lao động, phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu nhiệm vụ.

Người lao động làm việc, sinh sống hoặc mong muốn hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Bình Định có thể chuẩn bị 01 bộ hồ sơ nộp về địa chỉ: Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định, số 215 Trần Hưng Đạo, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn. Số điện thoại: 056.3646509 - 056.3846478.

Doanh nghiệp lên núi tìm lao động

Bài liên quan

Trong khi đó, tại Gia Lai, việc tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sôi động ngay từ đầu năm. Để kết nối doanh nghiệp với người lao động, cuối tháng 2/20232, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh này đã tổ chức Hội chợ việc làm đầu Xuân Quý Mão. Hiện có 30 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển hơn 4.000 vị trí việc làm. Trong đó, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Công ty TNHH JASON FURNITURE Việt Nam (Bình Phước) tuyển 1.000 lao động, Công ty TNHH Fashion Garments 2 (Đồng Nai) tuyển 500 lao động, Công ty TNHH ACTR tuyển gần 400 lao động…

Ông Lê Thanh Truyền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai cho biết, trước khi diễn ra hội chợ, Trung tâm đã tuyên truyền, giới thiệu trên website, zalo, gửi văn bản về các địa phương để thông báo cho người dân biết đến.

Bên cạnh hình thức tuyển dụng trực tiếp thông qua hội chợ việc làm, từ đầu năm đến nay, Trung tâm còn đẩy mạnh phiên giao dịch việc làm cố định tổ chức vào ngày 10 hàng tháng bằng hình thức online, thu hút 57 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.000 vị trí việc làm với các ngành nghề cơ khí, điện tử, may mặc, nông nghiệp…, mức lương từ 6 - 15 triệu đồng/tháng.

Tại Quảng Ngãi, tính đến nay, nhu cầu tuyển dụng của các khu kinh tế, khu công nghiệp đăng ký với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi là 15.400 lao động. Ngoài ra, qua khảo sát, khoảng 20% số lượng doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh này cũng đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.000 lao động. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới khi các doanh nghiệp còn lại cân đối sản xuất và đăng ký tuyển dụng với Trung tâm.

Trong số gần 16.500 việc làm ở Quảng Ngãi cần tuyển nói trên thì trong quý I năm nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này là 10.579 người ở đa ngành, đa lĩnh vực. Nhiều nhất là ở lĩnh vực cơ khí của Công ty thép Hòa Phát với khoảng 3.000 lao động, bên cạnh đó là một số công ty sản xuất bàn ghế sofa xuất khẩu với 2.000 lao động, còn lao động dệt may năm nay số lượng tuyển dụng tương đối ít, chỉ vài trăm việc làm.

Theo ông Võ Duy Yên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ngãi, số lượng lao động cần tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm nay giảm hơn so với năm ngoái khoảng 10%.

Ngày hội lao động việc làm ở Gia Lai kỳ sẽ thu hút hàng nghìn lao động. Ảnh: PV.

Ngày hội lao động việc làm ở Gia Lai thu hút hàng nghìn lao động. Ảnh: Tuấn Anh.

Ở Đắk Lắk, trong những ngày đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh này đã thu hút hàng nghìn người đến tham gia tư vấn nhằm tìm được công việc thích hợp. Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, qua thống kê, có 217 doanh nghiệp với nhu cầu cầu tuyển 1.436 người lao động liên hệ với Trung tâm để tuyển người.

Trong đó, tại tỉnh Đắk Lắk có 212 doanh nghiệp với số lượng cần tuyển là 893 lao động. Những công ty có nhu cầu tuyển lao động như: Xưởng may AA; Công ty TNHH SX - TM Thực phẩm Hồng Việt; Viễn thông Đắk Lắk; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Ban Mê CITY… Doanh nghiệp ngoài tỉnh có 2 doanh nghiệp cần tuyển dụng là Công ty TNHH ESPRINTA (Việt Nam) và Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn INTIMEX tại Đắk Mil (Đắk Nông) với 543 lao động.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2023, Đắk Lắk đặt mục tiêu tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho 22.000 người; giới thiệu việc làm cho 7.600 người; phấn đấu số người có việc làm sau giới thiệu khoảng 2.400 người. Trung tâm sẽ tiếp nhận thông tin tuyển dụng khoảng 2.300 lượt đơn vị, doanh nghiệp; cung cấp thông tin thị trường lao động cho khoảng 15.000 lượt đơn vị, doanh nghiệp, người lao động.

Biển Nam miền Trung tha thiết gọi lao động về

Ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa cho biết: Hiện nay, qua thu thập, nhu cầu lao động có đăng ký tuyển dụng tại Trung tâm qua trang thông tin điện tử thongtinvieclamkhanhhoa.vn; fanpage; zalo của Trung tâm rất nhiều.

Cụ thể, có 42 doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp và 3 doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với các ngành nông, lâm thủy sản là 300 lao động và thương mại, dịch vụ là 1.350 lao động. 

Sau Tết, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều lao động với ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Đây là cơ hội tìm việc làm cho người lao động tại tỉnh Khánh Hòa.

Điển hình như Công ty TNHH Hải Vương cần tuyển dụng 300 công nhân chế biến thủy sản. Chi nhánh Công ty TNHH Sinnika Việt Nam - Nhà máy may xuất khẩu KNIT Nha Trang cần tuyển dụng 200 công nhân may công nghiệp, 10 nhân viên KCS, 10 công nhân ủi, 10 kỹ thuật may đo và quản lý chuyền may.

Công ty TNHH đóng tàu Hyundai –Việt Nam cần tuyển dụng 37 kỹ sư và 541 công nhân. Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cần tuyển dụng 70 công nhân công nghệ sợi; 50 công nhân may công nghiệp; 25 công nhân bảo trì và nhân viên điện, điện tử.

Chi nhánh Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú - Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú Nha Trang tuyển dụng 20 công nhân may, 10 công nhân kiểm hàng. Chi nhánh Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist tại Nha Trang tuyển dụng 10 sale du lịch…

Các công nhân đang sơ chế cà phê chất lượng cao tại một HTX ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: PV.

Công nhân sơ chế cà phê chất lượng cao tại một HTX ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Minh Quý.

Tại Quảng Nam, hiện nay có khoảng trên 8.000 doanh nghiệp lớn nhỏ. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là khoảng 6.400 lao động thuộc các lĩnh vực cơ khí ô tô, dệt may, xây dựng, nông nghiệp, nhân viên thị trường, kế toán…

Ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam cho hay, những năm qua, Trung tâm thường xuyên khảo sát nhu cầu tuyển dụng của khoảng 200 doanh nghiệp lớn với số lượng lao động từ 70 - 100 người trở lên. Trung bình mỗi năm, số lượng việc làm trống ở tỉnh Quảng Nam dao động khoảng từ 13.000 - 15.000 người.

“Ngoài ra, 2 năm qua, Tập đoàn Trường Hải cũng phối hợp với Trung tâm để tuyển dụng số lượng lớn lao động qua Lào làm việc lâu dài trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài được lo ăn, ở và các chế độ phúc lợi, mỗi lao động cũng được hưởng mức lương tương đối cao, từ 8 - 9 triệu đồng/tháng, năm 2022 vừa rồi, chúng tôi đã kết nối được cho 60 lao động và rất thành công. Năm nay, doanh nghiệp này còn tuyển thêm vị trí quản lý với mức lương khởi điểm là 12 triệu đồng/tháng”, ông Võ Văn Dũng chia sẻ.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2022 đã tiếp nhận được 10.472 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người được hưởng là trên 10.680 người. Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 10.472 người.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tham quan nhà máy - Gặt hái mùa Vàng nhận nhiều tình cảm từ nông dân

Chương trình Tham quan nhà máy - Gặt hái mùa Vàng 2024 do Phân bón Cà Mau tổ chức nhận được nhiều tình cảm và sự tham gia của gần 1.700 nông dân.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.