Ở Hải Phòng, nhiều người biết đến anh Phạm Văn Nhiêu như là một "nghệ nhân" trong lĩnh vực thủy sản bởi hàng loạt sáng kiến, cách nuôi không giống ai nhưng hiệu quả lại cao. Anh là người đi đầu trong việc áp dụng phương pháp nuôi cá “sông trong ao” theo công nghệ tiên tiến, giúp mang lại giá trị kinh tế cao.
Tại khu vực nuôi trồng thủy sản của gia đình anh Nhiêu ở thôn Đông Ninh, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi hàng trăm lồng nuôi cá “nước lợ” như: cá rô phi, cá diêu hồng, cá vược và đặc biệt là cá tầm.
Anh Nhiêu chia sẻ, vận dụng kinh nghiệm có được trong mấy chục năm đã qua, anh đã tìm mọi cách để đưa cá tầm về nuôi ở các bè nổi trên sông Thái Bình tại Tiên Lãng.
"Sau khi nghiên cứu kỹ, tôi đã quyết định thử nghiệm nuôi trên các bè nổi trên sông Thái Bình, đoạn chảy qua xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng. Kết quả thu được thực sự ngoài mong đợi, đàn cá không chỉ mau lớn mà màu sắc cũng sáng bóng, khỏe mạnh”, anh Nhiêu nhớ lại.
Do lồng bè được thiết kế có đáy sâu, nước thời điểm đó sạch, nguồn thức ăn đảm bảo nên vào thời điểm thích hợp là mùa đông, tốc độ tăng trưởng của đàn cá tầm đã đạt 0,5kg/tháng/con. Chưa kể, cá tầm được nuôi ở đây có màu nâu nhạt rất bắt mắt, thịt cá thơm ngon.
Theo anh Nhiêu, có thời điểm, dù giá thị trường, nhất là cá tầm Trung Quốc chỉ khoảng 200.000 đồng/kg nhưng cá tầm của tại cơ sở của anh vẫn bán được với giá từ 240.000 - 260.000 đồng/kg.
“Lợi nhuận rất tốt, không có cá nước ngọt nào có thể hơn cá tầm, kể cả cá lăng. Như chúng tôi đang nuôi ở đây, chỉ cần với giá bán 200 nghìn đồng là đã lãi được khoảng 100 nghìn”, anh Phạm Văn Nhiêu chia sẻ.
Từ những thành công đầu tiên, anh Nhiêu tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, số lượng lồng bè, đến thời điểm hiện tại đã có tổng cộng hơn 100 lồng nuôi cá tầm với sản lượng hàng trăm tấn.
Quy trình nuôi cá tầm ở các bè nổi trên sông cũng khá phức tạp, cá giống sẽ được nuôi tại trang trại ở Hà Giang, khi cá đạt trọng lượng từ 6-7 lạng thì được di chuyển về nuôi tại xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng. Ở đây, cá tầm sẽ được nuôi trong vòng 6 tháng, khi thời tiết miền Bắc hết lạnh thì sẽ xuất bán cho thương lái.
Tuy nhiên, việc nuôi cá tầm ở môi trường này cũng nhiều rủi ro, trong đó đáng lo ngại nhất là yếu tố môi trường. Bởi, trên dòng sông, nguồn nước không còn sạch như trước đây.
Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, cá tầm của anh Phạm Văn Nhiêu được nuôi ở các bè nổi trên sông Thái Bình thuộc huyện Tiên Lãng, bước đầu có hiệu quả. Điều này mở ra một hướng đi mới trong nuôi thủy sản cho bà con nông dân và cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, những nỗ lực này còn góp phần bảo vệ loài cá có nguy cơ tuyệt chủng cao hiện nay. Từ đó, góp phần vào việc phát triển thủy sản bền vững, có trách nhiệm. Tuy nhiên, để có thể nhân rộng mô hình này ở Hải Phòng thì cần thêm thời gian, cần có quy trình kỹ thuật và đánh giá của cơ quan chức năng có thẩm quyền.