Ngày 16/1, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Kon tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo phê duyệt quy hoạch tỉnh Kon Tum của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, phấn đấu đưa Kon tum trở thành một trong những tỉnh trung bình khá, là vùng dược liệu trọng điểm và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.
Cùng với đó, Kon Tum cũng là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia gắn với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Khu du lịch Măng Đen. Kon Tum cũng là điểm kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Kông và ASEAN.
Tiếp tục phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước, bền vững về môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Kon Tum đạt trên 9,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng trên 110 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 3% - 4%/năm.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Kon Tum sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối trung tâm vùng, trọng điểm là dự án cao tốc Ngọc Hồi - Kon Tum - Pleiku, dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum. Tương lai, xây dựng Cảng hàng không Măng Đen, hệ thống đường sắt.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Khu du lịch Măng Đen, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu chức năng lớn, chuyên ngành về công nghiệp, du lịch, đô thị… Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu (trong đó ưu tiên phát triển dược liệu). Tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị sinh thái rừng, đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng.
Về khâu đột phá, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Phát triển du lịch với nhiều loại hình theo định hướng “ba quốc gia, một điểm đến”, trong đó trọng tâm là du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh Kon Tum xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu với quan điểm nhất quán “quy hoạch phải đi trước một bước”. Quá trình lập quy hoạch mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng với tinh thần vượt khó và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đến nay, quy hoạch tỉnh Kon Tum đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là thành quả của cả quá trình nỗ lực, cố gắng, đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ, tâm huyết trong hơn 3 năm, kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.
“Trên nền tảng quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tiềm năng, lợi thế đặc thù sẵn có của tỉnh, sự quan tâm, hỗ trợ của trung ương, tỉnh Kon Tum nhất định sẽ phát triển vững mạnh, giàu đẹp, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà”, ông Tuấn chia sẻ.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, với những tiềm năng, lợi thế hiện có, dư địa cho đầu tư và phát triển còn lớn sẽ là nền móng vững chắc để tỉnh Kon Tum có sự đột phá và phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu, kỳ vọng mà quy hoạch đặt ra, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Kon Tum cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Cụ thể, Kon Tum cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thật chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương.
Đồng thời, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, tư nhân để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối Kon Tum với các địa phương trong khu vực và cả nước. Thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các ngành có lợi thế như nông, lâm nghiệp, dược liệu, sâm Ngọc Linh.
Mặt khác, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn, tu bổ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, cần chú trọng bảo vệ nguồn nước và phát triển rừng, tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và môi trường. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Kon Tum tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển bền vững của tỉnh.