| Hotline: 0983.970.780

Đưa mắc ca thành "cây vua" ở Tây Nguyên: Xứng đáng nâng lên vị trí số một

Thứ Tư 14/01/2015 , 07:01 (GMT+7)

Xét về mọi mặt, mắc ca xứng đáng là đối tượng nên nâng vị trí là một trong những cây chủ lực cho Tây Nguyên. Chắc chắn mắc ca sẽ đáp ứng được yêu cầu này./ Đưa mắc ca thành "cây vua" ở Tây Nguyên

Cây trồng của Tây Nguyên

Chúng ta đang tiến nhanh tái canh cho hàng trăm nghìn ha cà phê. Đây là cơ hội để sắp xếp lại cơ cấu cây trồng. Mắc ca rất nên là “ứng cử viên” sáng giá cho hoạt động này. Nó có thể trồng thuần hoặc trồng xen với cà phê.

Theo công thức nào cũng tốt! Một điều rất đáng quan tâm là mắc ca tiêu tốn nước ít hơn cà phê. Vấn đề này sẽ giúp chúng ta điều chỉnh được lượng nước tưới ở Tây Nguyên trong tình trạng hạn hán luôn đe dọa.

Tuy nhiên, điều cốt yếu vẫn là thu nhập của người dân. Mắc ca không những dễ trồng, trồng 1 lần là cho cả 100 năm, nó còn có giá trị thương phẩm rất cao nên người trồng sẽ mau có thu nhập lớn. Đưa mắc ca vào canh tác ở Tây Nguyên là biện pháp tuyệt vời giúp cho bà con ta ở đây mau chóng tăng được thu nhập và có cơ hội vươn lên giàu có. Chúng tôi ước tính, mỗi nhà chỉ trồng xen thêm 100 cây mắc ca là đã đủ để đổi đời. Nếu trồng nhiều hơn thì cầm chắc sự giàu có trong tay.

Mắc ca không bị thu hoạch tập trung nên phân bố lao động dễ dàng. Nó lại là loại quả khô có vỏ rất cứng nên bảo quản và vận chuyển thuận lợi. Điều này rất thích hợp với Tây Nguyên. Hạt hồ tiêu và hạt cà phê còn có lúc bị ế. Nhưng mắc ca thì khác.

Đó là loại hạt cao cấp, làm sao có thể thừa ế được. Hạt mắc ca vừa giòn, bùi, thơm, ngậy, giàu dinh dưỡng, rất hấp dẫn với mọi lứa tuổi của khách hàng. Nó có thể chế biến thành rất nhiều loại thức ăn và dầu cao cấp như ăn sống, ăn trộn với sa lát, xào, nấu, làm nhân bánh, làm kẹo, làm mứt, làm kem, dầu ăn, dầu dưỡng da, dầu dược liệu…

Vì vậy, mọi dân tộc, mọi tôn giáo, mọi lứa tuổi đều hâm mộ mắc ca. Rất nhiều nước đã nhanh chóng đưa mắc ca vào trồng.

Theo tài liệu của GS Hoàng Hòe, người Trung Quốc đã đưa mắc ca vào trồng từ năm 1974. Họ nhập 50 giống từ Úc và Ha-wai. Giai đoạn đầu (1994 – 1998), họ phát triển ồ ạt nên ít chú ý đến vấn đề kỹ thuật, đặc biệt là khâu giống nên đã bị đình đốn một thời gian (kéo dài đến tận năm 2003).

Từ năm 2004, Trung Quốc đã rút kinh nghiệm và củng cố về mặt kỹ thuật nên mắc ca lại phát triển mạnh trở lại. Năm 2005, họ có 3.500 ha mắc ca, nhưng tới năm 2007, diện tích đã tăng lên 6.000 ha và sản lượng đạt 1.300 tấn hạt/năm.

Tới năm 2013, diện tích mắc ca toàn Trung Quốc đạt 36.500 ha và sản lượng là 4.170 tấn. Họ phấn đấu tới năm 2020 sẽ trồng được 100.000 ha với khoảng 30 triệu cây và sản lượng là 30.000 tấn. Tới năm 2025 là 60.000 tấn và năm 2030 là 100.000 tấn.

Tuy nhiên, nhu cầu về hạt mắc ca của người Trung Quốc tăng lên rất nhanh, vì vậy, Trung Quốc vẫn phải nhập thâm hụt mắc ca từ nhiều nước khác. Chính phủ Trung Quốc chủ trương cấp giống mắc ca cho dân trồng. Họ rất thận trọng trong khâu sản xuất giống và coi đó là vấn đề số 1.

Mắc ca có nhiều giống khác nhau. Ta phải chọn những giống tốt và phù hợp để đưa vào trồng. Mỗi nơi, cần trồng xen 2 - 3 giống khác nhau để chóng tiến hành thụ phấn kép, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng hạt.

Giống phải là cây ghép chứ không phải cây thực sinh. Đơn vị tạo giống phải có vườn cây đầu dòng tốt và phong phú. Điều này ở ta đang còn lộn xộn, nhiều cơ sở làm ẩu đã bị báo chí phanh phui. Đây là quyền lợi của bà con nên chúng ta phải hết sức thận trọng trong khâu giống. Nhà nước nên kiểm tra nghiêm ngặt và chỉ định các cơ sở đạt yêu cầu để tập trung sản xuất giống cho dân.

Chúng ta vui mừng khi Thủ tướng đã có Nghị định số 210/2013 về đầu tư cho trồng mắc ca, trong đó ghi rõ: “…Nhà đầu tư có dự án trồng cây dược liệu, cây mắc ca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở và không quá 2 tỷ đồng…”.

Điều này khẳng định, Chính phủ không những cho phép mà còn khuyến khích trồng mắc ca. Vậy, những vùng thích ứng để trồng mắc ca mà lãnh đạo không quan tâm giúp dân trồng là một thiếu sót đáng trách.

Khó có đối tượng cây trồng nào giúp bà con Tây Nguyên vươn lên chắc chắn bằng cây mắc ca. Vì vậy, nên coi việc phát triển mắc ca ở Tây Nguyên là một hướng đi trọng tâm để tập trung nhân lực và vật lực vào đối tượng mới này.

Chúng tôi rất vui mừng khi Công ty CP Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT) gửi đến cho chúng tôi các sản phẩm làm từ hạt mắc ca mà họ đã đưa ra thị trường. Đó là các gói “mắc ca delix” với các hương vị khác nhau (vị tự nhiên, vị rang muối, vị mật ong, vị mù tạt…).

Ngoài ra, Cty còn đưa ra hàng loạt món ăn hấp dẫn được chế biến với hạt và dầu mắc ca như: các loại súp mắc ca với bí ngô, hạnh nhân, khoai lang; các loại sa lát của mắc ca với măng tây nướng, thịt cừu, củ cải đường; các loại bánh, các loại kem, các món ăn từ hải sản với hạt mắc ca… Tất cả các sản phẩm đó mau chóng được thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận. Nó đã được chứng thực là hàng Việt Nam chất lượng cao và đang bán rất chạy ở nhiều nơi.

Hiện nay, Cty IDT đang phải nhập hạt mắc ca từ Úc với giá rất đắt. Họ khẳng định với chúng tôi, nông dân Việt Nam làm ra bao nhiêu hạt mắc ca thì họ cũng sẽ thu mua hết. Rõ ràng, đầu ra cho hạt mắc ca là hoàn toàn yên tâm. Vậy, còn lý do gì nữa mà chúng ta không nhanh chóng đưa mắc ca phát triển mạnh trên vùng đất Tây Nguyên.

Xét về mọi mặt, mắc ca xứng đáng là đối tượng nên nâng vị trí là một trong những cây chủ lực cho Tây Nguyên. Chắc chắn mắc ca sẽ đáp ứng được yêu cầu này.

(Tổng thư ký, Hội Các ngành sinh học Việt Nam)

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất