| Hotline: 0983.970.780

Đưa mắc ca thành "cây vua" ở Tây Nguyên

Thứ Ba 13/01/2015 , 13:10 (GMT+7)

Thực tế đã chỉ rõ, rất nhiều vùng ở nước ta đã thử nghiệm thành công việc trồng mắc ca. Không những thế, nhiều vùng muốn đưa mắc ca vào quy hoạch SX lớn./ Mắc ca - loại cây có thể thay đổi tỷ trọng GDP

Ông Chủ tịch huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) còn phải đặt cược uy tín của chính mình để vận động nông dân mạnh dạn trồng mắc ca ngay tại huyện. Rất nhiều bà con các dân tộc ở Tây Nguyên và Tây Bắc cũng đã chủ động tìm tới các đơn vị nghiên cứu để hỏi thăm thêm về cây mắc ca.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn từ các thành phố đã lên đường đi tìm đất ở những vùng hoang vắng để mong muốn tổ chức trồng loại cây này. Phải chăng, một cuộc cách mạng mới trên những vùng đồi núi xa xôi của chúng ta về việc đưa cây mắc ca vào canh tác đã tới lúc chín muồi.

Vì vậy, việc xúc tiến trao đổi về cây mắc ca là vấn đề cần làm ngay…

Tiên đoán của cố Phó Thủ tướng

Ở ta, cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn là người có công lần đầu tiên đưa cây mắc ca vào Việt Nam (năm 1993). Ông đã giao cho ngành lâm nghiệp tổ chức trồng thử nghiệm từ năm 1994 tại nhiều nơi.

Có lẽ, do chưa hiểu biết sâu sắc về mắc ca nên mọi việc cũng chỉ dừng ở các thí nghiệm thăm dò sơ sài và các báo cáo nhạt nhẽo. Rất may, những năm đầu thế kỷ này, nhiều đơn vị phát hiện thấy triển vọng to lớn của cây mắc ca và muốn quay lại với vấn đề khảo nghiệm.

Một đề án nghiên cứu cấp Nhà nước đã được thực hiện do GS Hoàng Hòe phụ trách. Các kết quả cho thấy, mắc ca có tiềm năng rất lớn. Cty Vinamacca ra đời.

Tiếp đó, nhiều đơn vị khác cũng đi vào khai thác tiềm năng của mắc ca (như Cty CP XNK nông lâm sản chế biến; Cty Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc; Trường Đại học Lâm nghiệp; Viện Eakmat…).

Rất nhiều tập thể và gia đình nông dân đã tham gia trồng mắc ca. Tuy nhiên, các cơ sở ở Tây Nguyên và Tây Bắc cho kết quả khả quan hơn.

Chúng ta biết rằng, mắc ca đòi hỏi trong năm phải có ít nhất 5 tuần có nhiệt độ dưới 17 độ C thì cây mới phân hóa chồi hoa. Vì vậy, những vùng nóng của nước ra không trồng được mắc ca. Tuy nhiên, khi cây ra hoa, nếu gặp điều kiện mưa ẩm thì hoa cũng bị rụng đi nhiều.

Vì vậy ở Việt Nam, nơi phù hợp nhất để trồng mắc ca là vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, trong đó Tây Nguyên là nơi thích hợp hơn.

Các thử nghiệm đầu tiên ở Tây Nguyên đều cho kết quả mỹ mãn. Tại Đăk Lăk, nhiều gia đình trồng mắc ca đã cho thu hoạch. Bình thường, cây trồng sau 3 năm là cho quả. Tuy nhiên, cũng có những cơ sở mới trồng hơn 2 năm nhưng đã ra bói.

Ở khu vườn 8 ha trồng mắc ca của Cty Vinamacca tại Ma Đrăk (Đăk Lăk), do giống của họ tốt nên vườn mới trồng được 2 năm mà đã có tới 2/3 số cây cho quả. Mắc ca có thể trồng thuần hoặc trồng xen với cà phê. Khi trồng xen, mắc ca cho thu hoạch quả. Chúng hỗ trợ nhau và giúp cho gia chủ tăng thu nhập rõ rệt.

Việc trồng xen với cà phê được nhiều gia đình nông dân ở Đăk Lăk và cả Lâm Đồng thực hiện. Gia đình ông Bùi Hữu Hòa ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) là một mô hình được nhiều nơi tới tham quan. Ông trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê rộng 2 ha. Tới nay, cả 2 loại cây đều cho thu hoạch. Ông rất phấn khởi và vận động nhiều gia đình làm theo như ông. Thu nhập của ông vượt trội.

mc-c-1184536851
Nhà khoa học và các đại biểu tham quan mô hình trồng thử nghiệm cây mắc ca tại Trung tâm dịch vụ chuyển giao kỹ thuật lâm nông nghiệp Ba Vì (Cty cổ phần XNK nông lâm sản chế biến, Hà Nội). Ảnh : Đình Huệ

Gia đình ông Nguyễn Đức Ba ở thị trấn Thành Mỹ (Đơn Dương, Lâm Đồng) cũng có một vườn mắc ca rất tốt. Ông chỉ có khoảng 80 cây nhưng cây đã được 8 - 9 tuổi. Mỗi năm, ông thu được hàng tạ hạt, bán 200.000 đ/kg. Vì vậy, cuộc sống của ông sung túc lên hẳn. Rõ ràng, cây mắc ca đã đổi đời cho gia đình ông.

Tại huyện Lâm Hà đã có cả trăm ha cà phê được trồng xen mắc ca. Điều này mở ra triển vọng cho việc trồng mắc ca với toàn vùng Tây Nguyên mà không phải tìm đất.

Tại Tuy Đức (Đăk Nông), Cty Măcca Nữ hoàng (ở TP Hồ Chí Minh) đã lên kế hoạch trồng 500 ha mắc ca. Hiện họ đã thực hiện được 200 ha. Cty đương quyết tâm mở rộng diện tích lên 500 rồi 1.000 ha mắc ca ngay tại Tuy Đức.

Sau đó, ở mỗi tỉnh Tây Nguyên, họ sẽ đầu tư để trồng thêm 1.000 ha nữa, đưa tổng diện tích lên 5.000 ha. Lúc đó, cùng với các đơn vị khác, diện tích trồng mắc ca của chúng ta sẽ ngang ngửa với các nước đi trước. Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã từng tiên đoán: “Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về mắc ca”.

Ở phía Bắc, ngoài các khu thử nghiệm rộng lớn của Cty Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc (ở Lạng Sơn) và Cty CP XNK nông lâm sản chế biến (ở Ba Vì, Hà Nội), mắc ca còn được trồng ở nhiều nơi.

Tại trang trại “Thạch môn trang” ở Bắc Giang có hơn 100 gốc mắc ca đã cho quả đều đều. Ở Thạch Thành (Thanh Hóa), anh thanh niên Nguyễn Hữu Tú đã trồng hơn 500 gốc mắc ca. Năm qua, anh cũng đã thu được 3 tấn quả. Anh đang ra sức chăm bón để năm tới phấn đấu thu được 8 tấn quả.

Ở Sơn La, có rất nhiều gia đình trồng mắc ca. Vườn mắc ca của bà Hà Trang (ở Chiềng Sơn, TP Sơn La) cho năng suất khá cao. Ngay giữa TP Điện Biên Phủ, ông Chủ tịch huyện Mường Chà đã trồng 2 cây mắc ca ngay trước cửa nhà riêng của mình. Cây lên cao như các loại cây đường phố khác và đầy quả…

 Tuy nhiên, so với Tây Nguyên, các cơ sở trồng mắc ca ở phía Bắc không thể cho năng suất cao hơn được. Tây Nguyên không những phù hợp về khí hậu mà đất đai cũng tốt hơn, bằng phẳng hơn, thoát nước cũng dễ dàng hơn…

Mắc ca không ưa đất kiềm, đất phèn mặn, đất đá vôi, đất macgalit, đất đá ong hóa hoặc đất đã thoái hóa nghiêm trọng. Nó ưa đất thịt nhẹ đến trung bình, thời hạn úng ngập không quá 10 ngày, đất ẩm đều quanh năm, tầng canh tác dày, đất giàu chất hữu cơ, ... Điều đó, không đâu bằng Tây Nguyên! (Còn nữa)

Mắc ca có lẽ là loài cây được loài người thuần hóa muộn nhất để trở thành cây trồng. Nó mới được phát hiện ở Queensland (Úc) vào năm 1857 và tới năm 1858 nó mới được trồng lần đầu tiên thành công.

Có lẽ, đó cũng là công nghiệp trẻ nhất trong lịch sử chinh phục thiên nhiên của con người. Nó chỉ mới được trồng cách đây có 157 năm. Tuy nhiên, mắc ca mau chóng chiếm được sự chú ý của mọi người vì chất lượng hạt của chúng. Đó là loại quả cho hạt ngon nhất mà sau này được thế giới phong là “hoàng hậu của các loại quả khô”.

Quả mắc ca hình tròn, trông nó như trái chanh nhỏ. Nó có lớp vỏ bên trong rất cứng, phải dùng búa đập mới vỡ. Nhân ở trong hạt to bằng hòn bi ve. Đó là phần ăn được nên mọi người đều khao khát. Nó có hàm lượng dầu rất cao (78%), cao hơn cả hạnh nhân (44,8%), hạt điều (47%) và hạch đào (63%).

Dầu mắc ca lại có trên 87% là axít béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể chúng ta rất cần nhưng không tổng hợp được. Các chất này giúp con người giảm được cholesterol và phòng ngừa xơ cứng động mạch. Hàm lượng protein trong nhân tới 9,2%.

Ngoài ra, nó còn chứa nhiều vitamin, các chất khoáng. Nhân mắc ca nếu được chiên lên sẽ cho ta mùi thơm ngậy của bơ, ăn vừa bùi, vừa béo. Đó là loại thực phẩm cao cấp, vừa ngon lại vừa bổ.

Người ta còn dùng nó để chế biến nhân bánh, nhân kẹo socola, nước uống, dầu ăn, dầu dưỡng da và dầu dược liệu. Trên thị trường thế giới, chúng được bán với giá rất cao.

Từ Úc, mắc ca được đưa sang Mỹ và nhiều nước khác như Nam Phi, Kenya, Costa Rica, Guatemala, Mexico, Venezuela, Zimbabwe, Tanzania, Ethiopia, Mali, New Zealand, Trung Quốc, Thái Lan…

 

Xem thêm
Nhập cherry hữu cơ New Zealand phục vụ thị trường Tết

TP.HCM Ngày 9/1, tại Lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM diễn ra lễ ký kết MOU giữa Klever Fruit và RD8 về việc phát triển cherry hữu cơ New Zealand tại Việt Nam.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Phú Mỹ dành 8 tỷ đồng cho chương trình 'Xuân yêu thương, Tết sẻ chia'

Tổng Công ty Phân bón & Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - Phú Mỹ) đã dành 8 tỷ đồng mang ‘Xuân yêu thương, Tết sẻ chia’ đến những hoàn cảnh khó khăn nhiều tỉnh, thành.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.