"Đức có nguy cơ tổn hại đến những thành tựu đạt được gần đây trong ngăn chặn Covid-19", bà Angela Merkel cảnh báo, khuyên nhủ các nhà lãnh đạo khu vực và đại diện các đảng đang cố gắng dỡ bỏ các hạn chế phong tỏa.
Một số cửa hàng nhỏ hơn, không thiết yếu đã mở cửa trở lại ở Đức trong tuần này khi các cơ quan nhà nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp cách ly được đưa ra một tháng trước.
Hệ thống chính trị phi tập trung của đất nước đã cho phép một số trong 16 bang cấp quyền miễn trừ đặc biệt cho các doanh nghiệp địa phương, như North Rhine-Westphalia cho phép mở những cửa hàng nội thất lớn.
“Việc thực hiện chiến lược thoát phong tỏa khiến tôi lo ngại”, Thủ tướng Merkel phát biểu tại Quốc hội hôm nay (23/4). “Tại một số bang, nới lỏng phong tỏa diễn ra nhanh, nếu không muốn nói là quá nhanh”.
“Không ai thích nghe, nhưng chúng ta không ở giai đoạn cuối của đại dịch này, mà vẫn là giai đoạn bắt đầu”, Thủ tướng Đức nói. “Chúng ta sẽ tiếp tục sống chung với dịch bệnh trong một thời gian dài”.
Bà Merkel mô tả đại dịch là “một sự áp đặt đối với nền dân chủ của Đức, bởi nó hạn chế chính xác những điều tạo nên các quyền và nhu cầu hiện hữu của người dân”. Tuy nhiên, bà nói, tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội là cần thiết.
Cách xử lý khủng hoảng của Thủ tướng Merkel, trong khi giành nhiều lời khen ngợi trên khắp thế giới, cũng là chủ đề chịu sự chỉ trích ở Đức, nơi nhiều chính trị gia tự do cáo buộc chính trị gia bảo thủ hành động vượt quá thẩm quyền hành pháp mà hiến pháp quy định.
“Trong khi xử lý dịch Covid-19, Thủ tướng đang đứng trước cơ hội nắm quyền bất hợp pháp”, ông Wolfgang Kubicki, thuộc đảng Dân chủ Tự do thân thiện và là Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Tuy nhiên, để cảnh báo về việc đẩy nhanh chiến lược thoát phong tỏa, bà Merkel có sự hỗ trợ của một số nhà khoa học hàng đầu ở Đức.
Christian Drosten, Giám đốc Viện Virus học tại Bệnh viện Charité ở Berlin và là chuyên gia hàng đầu về virus Corona, cho biết việc mở lại các trung tâm mua sắm và các cửa hàng lớn hơn có thể gây ra đợt dịch thứ hai vào tháng Năm và tháng Sáu.
Không giống như sự bùng phát ban đầu, một làn sóng thứ hai như vậy có thể có một vài điểm bắt đầu và sẽ khó theo dõi và kiềm chế hơn.
“Thật đáng tiếc, tôi nhận thấy chúng ta đang trong quá trình đánh mất hoàn toàn những gì ngay từ đầu mà chúng ta đạt được”, ông Drosten nói.
Nhà virus học Melanie Brinkmann, thuộc Trung tâm nghiên cứu nhiễm trùng Helmholtz, chỉ trích tuyên truyền của chính phủ Đức về chiến lược thoát hiểm của mình.
“Một phần lớn dân số chưa nhận ra mức độ của tình hình”, bà Brinkmann nói với Der Spiegel. “Hiện tại mọi người thấy rằng một số biện pháp đang được nới lỏng, truyền tải ấn tượng rằng toàn bộ phong tỏa sẽ được dỡ bỏ từng bước và nước Đức có thể sớm trở lại sống như bình thường”.
“Đức vẫn đang ở giai đoạn đầu của đại dịch, nhiều người quên điều đó”, bà nói.