Phải mất ba năm bôn ba đường tình như thế anh mới gặp được Huyền, một cô gái hiền lành, chân chất, từ đó Lộc mới có thể yên tâm xây dựng tương lai.
Hình mang tính minh họa. |
Lộc còn cảm thấy hạnh phúc ở điểm Huyền có nhan sắc dễ coi, cô luôn luôn tỏ ra dịu dàng và cư xử tế nhị trong các tình huống, biết an ủi, động viên và đưa ra những lời khuyên thích hợp đối với Lộc trong những lúc anh phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Cô không chê gia đình anh nghèo như các cô gái khác đã từng rẻ rúng anh về vấn đề này, có lẽ vì gia cảnh của Huyền vốn cũng khó khăn nên cô đã dành cho anh nhiều sự cảm thông.
Chỉ phải tội gia đình hai bên đều nghèo như nhau, cả hai đều là công nhân lao động, một người là nhân viên cửa hàng quần áo may sẵn, một người là công nhân cơ khí. Vì thế đôi bạn phải trải qua gần chục năm sau mới có thể tạm gọi là có điều kiện để đi đến hôn nhân. Thế nhưng sau khi cưới nhau rồi, một năm sau sự cố đã xảy ra.
Lộc bỗng nhiên thấy mình trở thành một người đàn ông có số đào hoa khi anh được Cúc, chủ một cửa hàng kinh doanh gạo và nhu yếu phẩm mà Lộc vẫn đến mua quen, đem lòng thương yêu anh ra mặt. Lâu dần theo thời gian, Lộc mới tin chắc rằng Cúc thương anh thật lòng. Hai người ban đầu còn lén lút hẹn hò, về sau họ công khai chuyện quan hệ.
Điều này khiến Huyền rất buồn bực lẫn khổ tâm, thất vọng về chồng. Cô nói sẽ chia tay nếu Lộc không tỏ ra hối cải. Tuy có xấu hổ trước mặt vợ, nhưng rốt cuộc tính ham mê nhà giàu của Lộc đã lấn át hẳn cái mắc cỡ. Cộng thêm mẹ Lộc là bà Vượng ngấm ngầm khuyến khích con trai bỏ vợ, nên Lộc lại càng mạnh dạn làm tới. Cho đến giờ phút đó, anh ta mới chợt hiểu rằng thật ra động lực khiến anh lập gia đình không phải là một mẫu người vợ thùy mị, xinh đẹp, mà là một người vợ mà nói theo lời mẹ của anh là để “có chỗ dựa cho ấm thân".
Mặc cho sự phản đối của bố, được sự ủng hộ của mẹ, anh ta đã tham phú phụ bần, bỏ hẳn nhà chuyển sang ở chung với Cúc. Vợ chồng ly dị nhau, không bao lâu sau Lộc làm đám cưới với Cúc. Cuộc sống của anh kể từ đó đúng là có dễ thở hơn hẳn. Lộc đã bỏ hẳn nghề thợ cơ khí để ở nhà phụ giúp vợ việc buôn bán. Lúc còn chung sống với Huyền, hai người có một con gái; khi sống với Cúc, ba năm liền hai vợ chồng đã có hai đứa con trai.
Về phần Huyền, sau khi bị chồng bỏ rơi, cô đã cố nuốt nước mắt để vươn lên. Nhờ tu chí làm ăn đi kèm với tài khéo léo bươn chải, trong vòng ba năm sau Huyền đã có thể tự mình điều hành một dây chuyền kinh doanh cắt may và bán các trang phục may sẵn các loại. Không những thế, cô còn buôn bán các vật tư may mặc, cô có cả một shop trưng bày và bán sản phẩm. Tuy công việc kinh doanh khá phát triển, nhưng Huyền vẫn trong cảnh gối chiếc phòng không, cô đã chán ngán hôn nhân và những hệ lụy của nó.
Trên thực tế, tuy không đi thêm bước nữa, nhưng ở vị thế một nữ doanh nhân đang hồi thành đạt, quanh Huyền không thiếu những người đàn ông vây quanh tán tỉnh. Trong số họ, tuy cũng có người khiến cho con tim cô rung động, nhưng mỗi lần nhớ tới sự phụ bạc của Lộc, đồng thời nghĩ tới đứa con gái của mình, Huyền lại quyết ý không bao giờ lập gia đình nữa, để có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc cho con.
Những biến chuyển trong cuộc sống của Huyền đều được Lộc lặng lẽ theo dõi. Chẳng phải anh còn thương xót mụn con với vợ cũ, điều này hoàn toàn không bao giờ có trong trái tim của người cha nhẫn tâm phụ bạc. Nhưng thứ đã khiến Lộc không tránh khỏi những phút ăn năn đó chính là sự giàu có của vợ cũ mới thực sự là điều khiến cho anh trăn trở.
Tại sao thế? Người ta thường nói rằng “đứng núi này trông núi nọ”. Câu này phần nào đúng với trường hợp của Lộc. Tất cả đều có lý do. Kể từ ngày về sống với vợ sau, quả là cuộc sống của Lộc có nhàn hạ hơn ngày trước, anh chẳng phải bận tâm lo lắng các chuyện cơm áo gạo tiền như ngày trước, bởi vì mọi thứ lớn nhỏ trong nhà đều đã có Cúc lo liệu hết. Thật là khỏe thân lẫn khỏe cả đầu óc. Nhưng trên đời, cái gì cũng có sự trả giá. Chính vì Lộc đã để phụ thuộc tất cả cuộc sống của anh trong tay vợ, nên anh cũng bị mất gần như hầu hết các quyền hạn và sự độc lập.
Tất cả chi tiêu từ lớn đến nhỏ, Lộc đều phải trông cậy vào vợ. Vợ có cho thì anh mới có. Cúc lại thuộc dạng keo kiết, cô ta rất chi li với đồng tiền của mình. Chính vì thế Lộc đã phải sống trong cảnh phải mở miệng hỏi xin tiền vợ gần như trong mọi lúc. Những nỗi thất thế, bực bội, lẫn tự ti như vậy cho đến khi Lộc phát hiện ra được cùng với nỗi ân hận thì mọi chuyện đều đã muộn màng.