| Hotline: 0983.970.780

Dừng tiêu thụ thịt thú rừng trước khi quá muộn

Thứ Ba 25/10/2022 , 14:41 (GMT+7)

Theo WHO và OIE, 70% dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên người thời gian qua có nguồn gốc từ động vật hoang dã do con người cố tình tiếp xúc trực tiếp với chúng.

©Nguyen Manh Hiep/WWF-Viet Nam.

©Nguyen Manh Hiep/WWF-Viet Nam.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trên 70% các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới xuất hiện ở người có nguồn gốc từ động vật, hai phần ba trong số đó từ động vật hoang dã.

Tuy nhiên, động vật hoang dã không có lỗi, cũng không phải tác nhân làm lây lan, phát tán dịch bệnh mà con người mới chính là nguyên nhân khi đã can thiệp, thay đổi, tác động thô bạo vào môi trường sống tự nhiên của các loài hoang dã.

Các hoạt động của con người như săn bắt, buôn bán, vận chuyển, gây nuôi, giết mổ và tiêu thụ động vật hoang dã tạo điều kiện làm phát sinh, khuếch đại, lây truyền các tác nhân, bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm từ động vật sang người.

Trong đó, cầy, tê tê, khỉ, nhím, lợn rừng, nai và dúi là các loài hoang dã có nguy cơ cao gây bệnh truyền nhiễm và lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người (WCS, 2020) chính là những đối tượng bị săn bắt, buôn bán, nuôi lấy thịt nhiều nhất để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng ở Việt Nam.

Đó cũng là lí do để WWF-Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện Phóng sự ảnh với chủ đề “Truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của nhóm người tiêu dùng thành thị” nhằm chia sẻ hình ảnh các loài động vật hoang dã có nguy cơ cao gây bệnh truyền nhiễm và lây truyền bệnh dịch bệnh sang người.

©WWF/Shutterstock/trubvi/.

©WWF/Shutterstock/trubvi/.

Cầy vòi hương (Paradoxorophus hermaphroditus) thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, nhóm IIB theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP. Cầy vòi hương vốn là thú hoang dã ngoài tự nhiên, có tập tính kiếm ăn đơn độc vào ban đêm, chúng chỉ gặp nhau vào mùa sinh sản.

Quần thể cầy vòi hương ngoài tự nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng, do bị săn bắt và buôn bán trái pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu của thực khách trong các nhà hàng, khách sạn cao cấp.

©WWF-Viet Nam/Bui Huu Vinh.

©WWF-Viet Nam/Bui Huu Vinh.

Nhu cầu tiêu thụ thịt cầy hương thúc đẩy việc bẫy bắt tràn lan loài này trong tự nhiên, trong đó, bẫy dây là một trong những dụng cụ săn bắt đơn giản, rẻ tiền nhưng có tính sát thương và hủy diệt rất cao.

Bởi một khi mắc bẫy, động vật thường giãy giụa trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần trong bẫy dây trước khi chết vị bị thương, mất nước, bị đói, bị nhiễm trùng.

Chính bởi những rủi ro đó nên khi thợ săn tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở của động vật khi tháo bẫy sẽ dẫn đến nguy cơ lây truyền các mầm bệnh nguy hiểm từ con vật bị thương sang người. Trong ảnh là hình cầy vòi hương được phát hiện mắc bẫy dây trong Khu Bảo tồn Sao La ở Thừa Thiên-Huế.

©Le Hoang Vu/WWF-Viet Nam.

©Le Hoang Vu/WWF-Viet Nam.

Nhiều trang trại được cấp giấy phép gây nuôi thương mại cầy để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt cầy của thượng khách. Chưa có trang trại nuôi thương mại nào ở Việt Nam đóng góp cho việc bảo tồn chúng trong tự nhiên. Nhiều bằng chứng cho thấy cầy bị bắt từ tự nhiên để bổ sung nguồn giống cho các trại nuôi thương mại.

Việc kiểm soát, quản lý nguồn gốc cầy nuôi sinh sản và cầy săn bắt ngoài tự nhiên về trà trộn đang là thách thức rất lớn với các cơ quan quản lý và đây cũng được coi là một trong những nguồn nguy cơ cao lây truyền dịch bệnh từ động vật hoang dã sang người.

©Van Hoang/WWF-Viet Nam.

©Van Hoang/WWF-Viet Nam.

Nhu cầu tiêu thụ cầy tạo mối liên hệ gần giữa con người và loài hoang dã này, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sang người.

Virus gây dịch SARS trên người năm 2002-2003 được xác định có nguồn gốc từ cầy vòi hương, đã khiến hàng nghìn người nhiễm bệnh và gây thiệt mạng hơn 800 người, trong đó có 5 y bác sỹ ở Việt Nam.

Các nhà hàng nhốt và tàng trữ thịt thú rừng mang mầm bệnh chính là môi trường thuận lợi nhất làm phát tán, lây lan bệnh truyền nhiễm từ động vật hoang dã.

Bằng chứng là năm 2004, WHO cho biết, virus corona SARS đã được tìm thấy trong mẫu ở chuồng nuôi cầy vòi hương của một nhà hàng nơi có một người phụ nữ làm việc dương tính với SARS.

©Nguyen Manh Quyen/WWF-Viet Nam.

©Nguyen Manh Quyen/WWF-Viet Nam.

Trong khi lợi ích về sức khỏe, dinh dưỡng từ động vật hoang dã chưa được khoa học chứng minh, những tác hại cho thiên nhiên và nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật hoang dã đã có nhiều bài học nhãn tiền.

Để tránh nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, phòng tránh một đại dịch mới tương tự COVID-19 trong tương lai, con người nên từ bỏ thói quen việc tiêu thụ cầy và các loài động vật hoang dã nói chung.

©SVW/WWF-Viet Nam.

©SVW/WWF-Viet Nam.

Một nghiên cứu mới thực hiện bởi các chuyên gia của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) đăng tải trên tạp chí Frontiers in Public Health đã đưa ra kết luận rằng trên các cá thể tê tê bị tịch thu từ những vụ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam, có hiện diện của virus corona gần với chủng virus SARS-CoV-2.

Trước đó, các cá thể tê tê bị tịch thu trong một vụ buôn bái trái phép tại Trung Quốc cũng đã cho kết quả dương tính với virus corona gần với SARS-CoV-2.

©SVW/WWF-Viet Nam.

©SVW/WWF-Viet Nam.

Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu chứng minh tê tê có mang mầm bệnh virus corona nhưng cũng không giúp loài động vật hoang dã này thoát được nguy cơ đứng bên bờ tuyệt chủng vì một bộ phận người tiêu dùng cho rằng thịt tê tê ăn bổ, vảy tê tê có thể chữa được bệnh.

Hiện tất cả 8 loài tê tê đều đã được đưa vào Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ năm 2017. CITES nghiêm cấm toàn bộ các hành vi buôn bán trao đổi tê tê vì mục đích thương mại trên toàn thế giới.

4 loài tê tê châu Á, bao gồm tê tê Java và tê tê vàng (Manis pentadactyla) đều trong tình trạng Nguy cấp hoặc Cực kỳ Nguy cấp ở mọi vùng phân bố.

©WWF-Viet Nam/Pham Quoc Viet.

©WWF-Viet Nam/Pham Quoc Viet.

Không chỉ virus corona mà hầu hết mọi loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên người được phát hiện trong thế kỷ qua đều có mối liên hệ tới các loài động vật hoang dã như HIV, Ebola, Mers CoV, dịch hạch và gần đây nhất là đậu mùa khỉ…

Lợn rừng bị bẫy bắt ngoài tự nhiên, mang theo nhiều mầm bệnh truyền nhiễm, khi đem về nuôi nhốt chung với lợn nhà trong điều kiện chật hẹp, kém vệ sinh sẽ gia tăng nguy cơ gây bệnh mới và lây truyền bệnh sang người, trong đó cúm lợn là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường xuất hiện ở đàn lợn và có thể lây truyền sang người.

©WWF/Edward Parker.

©WWF/Edward Parker.

Trước khi quá muộn, hãy từ bỏ thói quen bất lợi sử dụng thịt thú rừng làm thức ăn trên các bàn tiệc, làm thuốc, cũng như nuôi nhốt làm thú cưng chính là giải pháp hiệu quả nhất để con người tránh được nguy cơ mắc các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác có thể đến bất cứ lúc nào trong tương lai.

Đó cũng chính là hành động thể hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc đảo chiều mất mát đa dạng sinh học, hướng tới cuộc sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất