Ngày 21/10, WWF-Việt Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Họp báo Phát động chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của nhóm người tiêu dùng thành thị.
Những năm gần đây, hoạt động nuôi động vật hoang dã nhằm mục đích thương mại ngày càng thu hút sự quan tâm, đầu tư của nhiều nông dân trên toàn quốc bởi mang lại lợi nhuận cao. Ngoài ra, ngành nghề này góp phần bảo tồn các quần thể hoang dã, nhờ cung cấp các sản phẩm thay thế cho động vật hoang dã.
Tuy nhiên, nuôi thương mại động vật hoang dã cũng làm tăng nhu cầu các sản phẩm này, gây thêm áp lực lên các quần thể hoang dã, gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sự tồn tại của các loài ngoài tự nhiên. Nuôi thương mại động vật hoang dã còn tiềm ẩn những mối lo như dịch bệnh trên động vật hoang dã hoặc nguy cơ truyền nhiễm bệnh sang người, tình trạng bão hòa nguồn cung, hoặc nhu cầu thị trường giảm dẫn đến hoạt động nuôi gặp khó khăn.
Hiện nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam có trên 30 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Tùy loại động vật mà hoạt động nuôi phải đảm bảo các điều kiện như: Có phương án nuôi; Nguồn giống hợp pháp; Phù hợp với đặc tính sinh trưởng của loài, đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; Xác nhận của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam đối với một số loài lần đầu nuôi tại Việt Nam; Lập sổ theo dõi nuôi; Đăng ký mã số cơ sở nuôi; Thực hiện báo cáo, quy định chi tiết, định kỳ.
Nhu cầu cao về loại hình này khá cao, nhưng có một thực tế là những chủ cơ sở nuôi, người trực tiếp gây nuôi gần như ít hiểu biết về virus và các mầm bệnh trên động vật hoang dã, theo bà Amanda Fine - Giám đốc Một sức khỏe, Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (WCS). Chính điều này dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là, thiếu đầu tư trong việc vệ sinh chuồng trại, đảm bảo khu nuôi an toàn dịch bệnh.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) nói: "Không phải chủ nuôi nào cũng am tường về động vật hoang dã, cũng là bác sĩ thú y. Do đó, chúng ta cần phối hợp, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn thường xuyên cho nhóm đối tượng này, cũng là góp phần bảo vệ hoang dã khỏi các mối nguy dịch bệnh".
Theo ông Long, động vật hoang dã được chia làm hai: nhóm thông thường và nhóm thuộc phụ lục CITES được quy định tại Điều 14, 15 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP. Cả hai đều cần có sự cho phép của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nhằm đảm bảo an toàn cho con người, cũng như thực hiện các quy định về môi trường, thú y.
Trong quan điểm của nhiều người, việc nuôi động vật hoang dã là hoạt động diễn ra nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thú y phủ nhận và chỉ ra mô hình "ai cũng biết" là các vườn thú, safari, hoặc khu du lịch sinh thái.
"Miễn là được cơ quan có thẩm quyền cho phép, hoạt động vận chuyển, nuôi động vật hoang dã, kể cả những loài thuộc danh mục CITES, vẫn diễn ra bình thường. Vấn đề ở đây là cần biến những văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh trên động vật hoang dã thành kiến thức, nhận thức của chủ cơ sở nuôi", ông Long nhấn mạnh.
Khảo sát của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam cho thấy, nhìn chung, cơ sở nuôi động vật hoang dã đã tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã như: thông báo về việc gây nuôi động vật rừng thông thường cho cơ quan có thẩm quyền; được cấp mã số cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; có sổ theo dõi hoạt động nuôi.
Phần lớn cơ sở nuôi đều có ghi chép đầy đủ số lượng cá thể tăng, giảm đàn có xác nhận của cơ quan kiểm lâm; hồ sơ nguồn gốc động vật hoang dã đầy đủ, hợp pháp. Chuồng, trại xây dựng phù hợp với đặc tính sinh trưởng của từng loài, đảm bảo điều kiện an toàn cho người, vật nuôi, vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh.
Khai báo và lập sổ theo dõi khi nuôi động vật hoang dã
Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT) thống kê trên cả nước vào thời điểm hiện tại, có khoảng 8.600 cơ sở nuôi động vật hoang dã với 2,5 triệu cá thể, 300 loài được nuôi. Trong đó, động vật hoang dã thông thường được nuôi gồm: nai, nhím, heo rừng, dúi mốc, don, trĩ đỏ, tắc kè, rắn ráo; hươu sao; lợn rừng; dúi; dúi mốc lớn; nhím bờm; rùa câm, ba ba trơn, ba ba gai, tắc kè…
Nhóm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm gồm: rắn hổ mang chúa, rắn hổ mang thường, rắn ráo trâu, rùa đất lớn, rùa núi vàng, rùa hộp lưng đen, trăn đất, cá sấu nước ngọt, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, chim công, rắn hổ mang một mắt kính, cua đinh, công, cheo cheo, công Ấn Độ, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng...
Cả nước có khoảng 71 chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã. Thành phần chủ yếu thuộc lớp chim như chim sắt, yến phụng, chào mào, trích cồ, sáo, cu đất… với mục đích làm cảnh.
Viện dẫn luật pháp của các nước trong khu vực Đông Nam Á về quản lý hoạt động nuôi động vật hoang dã, ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm thừa nhận, công tác nghiên cứu về động vật hoang dã của Việt Nam còn hạn chế.
"Chúng ta chưa đưa ra được một danh sách cụ thể, chi tiết về các loài động vật hoang dã. Nếu danh sách có 1.000 loài, nhưng vụ việc xảy ra với loài thứ 1.001 thì các cơ quan sẽ lúng túng vì không có chế tài", ông Hiệu bày tỏ.
Ngoại trừ các cơ sở lớn như vườn thú, safari, các hộ nuôi gia đình theo quy mô nhỏ hầu hết gặp 3 vấn đề. Một là, thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về chuồng nuôi, kỹ thuật nuôi động vật hoang dã; chưa được tiếp cận với chính sách hỗ trợ vốn, khoa học công nghệ; thiếu kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh truyền nhiễm sang người; thiếu bác sĩ thú y tại chỗ có trình độ chuyên môn sâu.
Hai là, tiềm ẩn nguy hiểm cho người nuôi bởi các loài động vật hoang dã như hổ, gấu, cá sấu, rắn hổ mang, rắn hổ mang chúa, trăn có thể gây thương tích cho người dân nuôi trong khuôn viên gia đình, trong khu dân cư, thậm chí bị truyền bệnh nguy hiểm.
Ba là, thiếu bền vững bởi hoạt động nuôi nhỏ lẻ, phụ thuộc chặt vào thị trường; nhiều loài nuôi không có khả năng sinh sản hoặc khả năng sinh sản hạn chế trong điều kiện nuôi nhốt, khó duy trì đàn.
Là đơn vị trực tiếp quản lý, giảm sát, Cục Kiểm lâm khuyến cáo người nuôi động vật hoang dã làm tốt hai việc. Thứ nhất, ghi chép sổ theo dõi vật nuôi quy định tại Mẫu số 16 của Phụ lục ban hành kèm Nghị định số 06/2019/NĐ-CP. Thứ hai, trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc, kể từ ngày đưa động vật rừng thông thường về cơ sở nuôi, tổ chức, cá nhân phải gửi thông báo cho cơ quan kiểm lâm sở tại để theo dõi, quản lý.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nhắc lại dịch Covid-19 xảy ra trong vòng hai năm qua tại Việt Nam đã khiến 43.159 người vĩnh viễn ra đi và hơn 11,5 triệu ca mắc trên cả nước. Đồng thời cho rằng, con người hiện không thể lường được tương lai còn đại dịch nào nữa.
"Qua buổi họp hôm nay, chúng ta phần nào biết được nguyên nhân của những dịch bệnh nguy hiểm là từ động vật hoang dã. Do đó, tất cả cần chung tay hành động, nhằm kịp thời ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm diễn biến phức tạp, với tần suất ngày càng nhanh, càng dày", ông Thạch nói.
Để nâng cao nhận thức cho xã hội, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu cao tinh thần dấn thân, trách nhiệm của báo chí. Đồng thời, ông kêu gọi sự chung tay, đồng hành của các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước để các cơ quan truyền thông được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, nhanh chóng.