| Hotline: 0983.970.780

Được mùa sắn

Thứ Năm 15/12/2011 , 10:59 (GMT+7)

Vào những ngày đầu tháng 12, trên những triền núi cao chót vót quanh khu vực thôn São, xã Tân Lập, huyện Lục Yên (Yên Bái), đâu đâu cũng thấy không khí nhộn nhịp của bà con nông dân đang tấp nập thu hoạch sắn.

Những chiếc ô tô tải lớn của các thương nhân đang khẩn trương bốc sắn tươi lên xe, năm nay sắn được mùa, bà con thôn São nói riêng và xã Tân Lập nói chung ai ai cũng phấn khởi. Là xã vùng cao, trước kia đời sống kinh tế của bà con xã Tân Lập còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng du canh du cư, tự cung tự cấp nên ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Từ khi được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tập trung giúp đỡ phát triển cây sắn là cây trồng chính, qua 3 năm thực hiện, cây sắn đang từng bước khẳng định là cây thoát nghèo cho bà con.

Riêng vụ cuối năm này, chỉ khoảng gần 1 tháng thu hoạch sắn đã có những hộ gia đình thu về trên dưới 40 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Dự - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Khoảng hơn 3 năm nay, bà con nhân dân trong xã tích cực chuyển đổi giống cây trồng, tận dụng những khu vực trồng cây lâm nghiệp kết hợp với trồng sắn đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập đáng kể”.

 Gia đình anh Đào Ngọc Sinh, thôn São đã thu hoạch sắn từ gần 1 tuần nay, anh Sinh bộc bạch: "Trước nhà mình chỉ tập trung vào cây lúa và trồng keo, bồ đề..., mấy năm trở lại đây, được cán bộ xã tuyên truyền vận động trồng cây sắn, nhà mình cũng trồng được vài ha, mỗi vụ cũng thu về trên dưới 40 triệu đồng". Với phương châm không một mảnh đất bỏ hoang, anh Sinh còn trồng xen với cây bồ đề, một loại cây dễ trồng, dễ sống, không ảnh hưởng đến việc phát triển của cây sắn.

Giống gia đình anh Sinh, gia đình chị Nguyễn Thị Tề cùng thôn cũng đang khẩn trương thu hoạch, hiện gia đình chị có gần 3 ha sắn, chủ yếu là sắn lá tre, chị vui mừng tâm sự: “Mấy năm nay cây sắn được mùa gia đình mình phấn khởi lắm, không chỉ có tiền sinh hoạt mà còn sắm sửa được nhiều thứ như ti vi, xe máy”. Anh Đào Ngọc Huệ, một thương nhân buôn sắn lâu năm ở thôn São cho biết: “Năm nào tôi cũng đi thu mua sắn nhưng chưa bao giờ thấy bà con nông dân được mùa sắn như năm nay".

Thôn São là thôn trồng nhiều sắn nhất xã Tân Lập, thôn có hơn 100 hộ gia đình thì có gần 90 hộ trồng sắn, trung bình mỗi hộ trồng được hơn 1,5 ha, trong đó có hộ trồng tới hàng chục ha, với năng suất như năm nay tính ra ít nhất mỗi gia đình thu về được 40 triệu đồng tiền bán sắn tươi, nhiều hộ bán được 60 đến 70 triệu đồng, tiêu biểu là gia đình ông Nguyễn Văn Liên với trên 10 ha sắn đang cho thu hoạch.

Nhờ có sắn, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để, và sắm sửa được nhiều thiết bị vật dụng hữu ích cho gia đình. Sản phẩm sắn của bà con thôn São thu hoạch đến đâu đều được bán nhanh tới đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Công ty Chế biến tinh bột sắn Vũ Linh - Yên Bái. Ngoài ra, sắn còn được tiêu thụ sang cả Trung Quốc và trở thành thị trường thường xuyên từ nhiều năm nay.

Xác định được giá trị kinh tế của cây sắn đối với đời sống kinh tế, đến nay UBND xã Tân Lập đã và đang huy động bà con tích cực phát triển cây sắn, không những ở thôn São mà còn mở rộng ra toàn xã, từ đầu năm đến nay toàn xã đã trồng mới được gần 80 ha sắn các loại, đưa cây sắn trở thành cây trồng chính cho xã, xứng đáng là một vựa sắn lớn của huyện Lục Yên.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.