| Hotline: 0983.970.780

Dưới chân thác Háng Đề Chơ

Thứ Ba 23/03/2021 , 09:24 (GMT+7)

Xã Làng Nhì nằm dưới chân thác Háng Đề Chơ, đây là con thác đẹp nhất Tây Bắc, giống như nàng tiên ngủ trong rừng đầy huyền bí…

Thác Háng Đề Chơ nhìn từ thôn Đề Chơ. Ảnh: Thái Sinh.

Thác Háng Đề Chơ nhìn từ thôn Đề Chơ. Ảnh: Thái Sinh.

Tháng ba năm nay tôi ngược ngàn lên Làng Nhì nơi có ngọn thác Háng Đề Chơ huyền thoại chảy từ cánh rừng đại ngàn trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa xuống. Háng Đề Chơ dịch từ tiếng Mông có nghĩa là thác nước bay. Từ trên độ cao gần 2.000m, dòng thác đổ thẳng xuống sườn vách đá dựng đứng như rót bạc từ giữa trời xanh mây trắng xuống, tung bọt trắng xóa, hơi nước bay mù mịt kín một khoảng trời đẹp đến nao lòng.

Bàn chân tôi đã đặt khắp vùng Tây Bắc, gặp rất nhiều dòng thác, nhưng chưa thấy dòng thác nào đẹp và huyền bí như thác Háng Đề Chơ. Thiên nhiên vốn dĩ công bằng, ở đây đất trời đã tạo ra dòng thác đẹp mê hồn nhưng cuộc sống của người dân dưới chân dòng thác lại vô cùng khó khăn, chưa nơi nào cực nhọc như nơi này.

Đây là lần thứ ba tôi lên Làng Nhì, một xã khó khăn bậc nhất huyện Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái. Lần thứ nhất vào cuối tháng 5/2005, tôi bám theo đoàn cán bộ kiểm lâm lên Làng Nhì để vào tận sào huyệt lâm tặc ở thôn Đề Chơ thu giữ gần 100m3 gỗ pơ mu được khai thác từ khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa thuộc huyện Bắc Yên sang. Từ trung tâm xã chúng tôi phải đi bộ chừng 6 - 7km vào thôn Đề Chơ dưới chân thác, mất hơn hai giờ đồng hồ.

Nhà của người dân thôn Đề Chơ, ảnh chụp từ 16 năm trước. Ảnh: Thái Sinh.

Nhà của người dân thôn Đề Chơ, ảnh chụp từ 16 năm trước. Ảnh: Thái Sinh.

Thôn Đề Chơ chỉ có mấy chục nóc nhà, trong đó nhiều nhà trở thành nơi lâm tặc cất giấu pơ mu, nhiều người được lâm tặc thuê vào rừng xẻ gỗ và làm “Zic” theo dõi kiểm lâm và sẵn sàng giúp đỡ lâm tặc tẩu tán gỗ vào rừng khi bị lộ. Nhìn những ngôi nhà lợp pơ mu mốc xỉn, xập xệ và những gương mặt người vàng bủng, nhem nhuốc mồ hôi và khói bếp, đôi mắt lờ đờ, hốc hác vì thiếu ăn, đủ thấy cuộc sống của người dân nơi đây thế nào.

Nhà của người dân chụp tháng 3/2021. Ảnh: Thái Sinh.

Nhà của người dân chụp tháng 3/2021. Ảnh: Thái Sinh.

Lần thứ hai trở lại Làng Nhì để viết bài "Gia đình người rừng”, kể về gia đình Trang A Đế, ở thôn Chống Tầu. Do thiểu năng trí tuệ nên Đế không đi học, lớn lên lấy cô vợ câm điếc tên là Hờ Thị Mỷ rồi dẫn nhau lên chiếc lều canh nương giữa rừng núi hoang vu cách thôn Chống Tầu hơn hai giờ đi bộ để ở. Họ sống tách biệt với dân bản, sinh con đẻ cái ở đó, không dịch vụ y tế, không đăng ký hộ khẩu.

Hai đứa trẻ lần lượt sinh ra trong cái lều nương chật trội và bẩn thỉu đó, họ sống âm thầm chẳng ai nói chuyện với ai, buổi sáng Đế dậy sớm vác rìu vào rừng từ khi tờ mờ đất, tối mịt mới trở về “nhà”, còn Hờ Thị Mỷ sáng dậy dắt lũ con vào rừng kiếm rau măng, đào củ rừng, gõ trứng kiến… kiếm được gì thì ăn cái nấy, chả khác gì cuộc sống của con người thuở hồng hoang.

Vì không biết nói, Mỷ chỉ biết ra hiệu, vợ chồng cũng chỉ ra hiệu với nhau nên những đứa con của họ không ai dạy nói, chúng cũng chỉ biết ra hiệu. Thực ra, thì chúng cũng đã bập bẹ biết nói tiếng người, đó là thời kỳ đầu khi hai vợ chồng đưa nhau lên lán ở, quanh đó có một vài lán làm nương của bà con dân bản, họ qua lại lán của vợ chồng Đế, nhờ đó mà lũ trẻ biết nói vài ba câu.

Sau khi phát hiện ra tình cảnh của gia đình Trang A Đế, huyện Trạm Tấu làm một ngôi nhà đưa gia đình Đế về bản để con cái được học hành. Khi về bản được vài tháng thì Hờ Thị Mỷ sinh thêm đứa thứ ba, nhưng đứa trẻ không sống nổi, Hờ Thị Mỷ cũng mất sau đó ít ngày vì kiệt sức do đói khổ hay một căn bệnh nào đó, để lại hai đứa con cho ông chồng thiểu năng trí tuệ.

Người anh của Đế đón đứa con gái về nuôi, còn đứa con trai là Trang A Vổng thì ở với bố. Vài tháng sau Vổng được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái, nhưng do nhiều năm sống ở trong rừng, trí tuệ của Vổng không phát triển nên Trung tâm đưa Vổng xuống Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An dưới Ba Vì điều trị hơn hai năm. Nnay Vổng về ở trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái, đã biết nói nhưng không nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác. Tôi hỏi thăm cuộc sống của Trang A Đế, Phó Chủ tịch xã Trang A Xay cho biết Đế đã mất rồi.

Con đường vào thôn Đề Chơ phải qua cây cầu bằng gỗ bung biêng như thế này. Ảnh: Thái Sinh. 

Con đường vào thôn Đề Chơ phải qua cây cầu bằng gỗ bung biêng như thế này. Ảnh: Thái Sinh

Lần thứ ba lên Làng Nhì, tôi quyết định vào thôn Đề Chơ nằm trong khe núi dưới chân thác Háng Đề Chơ để xem cuộc sống của người dân sau 16 năm có gì đổi thay. Nếu trước đây tôi phải đi bộ thì nay con đường vào thôn đã đi được bằng xe máy.

Đó là năm ngoái nhà văn Trường Nguyễn là Việt kiều ở Mỹ đã giúp khoảng 400 triệu làm con đường bê tông rộng 80cm vào thôn Đề Chơ. Số tiền đó cũng chỉ làm được hơn 4km, còn lại hơn 2km nữa thì vẫn là đường đất. Như thế cũng là hạnh phúc lắm rồi, nhiều nhà ở đây bán trâu, ngựa để mua xe máy đi lại cho dễ dàng.

Ngoài con đường thì những ngôi nhà ở đây vẫn không khác xưa là mấy, một vài ngôi nhà được lợp bằng tấm lợp và tôn, còn lại là các tấm gỗ pơ mu mốc xỉn, duy nhất điểm trường mầm non thôn Đề Chơ mái và vách được lợp bằng tôn xanh, nhưng nền phải trải bạt cho đất không lầm bụi lên.

Lớp học mẫu giáo của cô giáo Hà Thị Thanh. Ảnh: Thái Sinh.

Lớp học mẫu giáo của cô giáo Hà Thị Thanh. Ảnh: Thái Sinh.

Cô giáo Hà Thị Thanh cho biết, điểm trường mẫu giáo Đề Chơ chỉ có một lớp, những năm trước có năm hơn chục cháu, có năm chưa được mười cháu. Sau khi hết tuổi mẫu giáo thì các cháu về học tập trung ở khu trường chính cách đây gần chục cây số.

Lớp của cô giáo Hà Thị Thanh có 10 cháu, hôm tôi đến, 3 cháu nghỉ vì ốm, thành ra chỉ còn 7 cháu đến lớp… Nói rồi cô đứng ra cửa gọi ơi ới tên học sinh nhưng không lời đáp. Ngày nghỉ cô không về nhà, tựa cửa nhìn ra dòng thác Háng Đề Chơ trắng xóa buồn đến nẫu ruột.

Tôi men theo hàng rào làm bằng gỗ pơ mu lên ngôi nhà phía trên lớp mẫu giáo vào nhà của vợ chồng Hờ A Vàng - Mùa Thị Dở. Ngôi nhà của vợ chồng Vàng chẳng hơn gì chiếc chuồng trâu nằm cheo veo trên sườn dốc. Hiên nhà dốc vồng vộc đã bị lợn ủi lở lói, anh phải lấy 3 cây gỗ chắn không cho lợn và trâu bò vào nhà.

Hôm nay cả hai vợ chồng Vàng ở nhà vì mấy đám ruộng chưa đủ nước cấy. Anh bảo, nhà mình ít ruộng lắm, nên năm nào cũng đói, bây giờ chỉ còn tí gạo, chắc ăn hai bữa là hết thôi… Nói rồi anh cầm chiếc bao tải màu hồng nằm ở góc nhà mở ra cho tôi xem, trong đó chắc chỉ còn vài bát gạo đủ ăn vài bữa nữa là cùng. Từ ngôi nhà anh nhìn ra dòng thác Háng Đề Chơ rất rõ, dòng thác mấy ngàn năm ầm ào chảy vô tư như không cần biết nỗi khổ và cái nghèo của người dân nơi đây.

Trang A Su chở tôi xuống chân thác, cuối năm ngoái bà con góp tiền thuê máy ủi làm con đường dài gần 2km xuống chân thác để đi làm ruộng nương cho dễ. Còn khoảng 50m nữa mới xuống được chân thác, nhưng tôi không thể xuống được vì quá dốc, dốc thẳng đứng, dốc chạm cằm nên tôi lần theo triền dốc tiếp cận dòng thác từ ngang sườn núi.

Những ai yếu bóng vía thì không nên ngắm dòng thác từ chỗ tôi đang đứng đây, sườn núi dựng đứng, ngửa mặt nhìn dòng thác trắng xóa như đổ từ trời xanh mây trắng xuống, còn cúi nhìn xuống vực sâu thăm thẳm, xanh như da trời mọi thứ phía dưới đều bé tí nom chóng cả mặt. Trang A Su bảo: Chiều cao của dòng thác này khoảng 200m, các cụ trước đây đã lên đỉnh thác buộc một hòn đá vào sợi dây dài 200m thả xuống, nhưng thả hết dây mà chưa xuống đến chân thác.

Su bảo, vào mùa mưa, nước phun ra từ trên núi xuống, nhìn thác như một con rồng vươn xa ngoài chân thác mấy chục mét, ai đến đây vào mùa mưa lũ đều không dám tới gần…

Cận cảnh thác Háng Đề Chơ. Ảnh: Thái Sinh.

Cận cảnh thác Háng Đề Chơ. Ảnh: Thái Sinh.

Đến tận nơi mới thấy thác Háng Đề Chơ hùng vĩ, đẹp một cách huyền bí, giống nàng tiên ngủ trong rừng, nhưng không biết bao giờ nàng tiên mới thức dậy khi con đường lên Làng Nhì còn quá nhiều gian nan.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.