| Hotline: 0983.970.780

Dưới trời nắng hạn [Bài 2]: Cái nghề đến lạ, càng nắng càng mừng

Thứ Ba 22/08/2023 , 09:14 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Nắng lớn người ta tìm chỗ tránh thì bà con lại ra đồng. Từ đời này truyền qua đời khác thành quen, thành cuộc đời mình. Nên cứ vui buồn trên đồng muối mặn.

Làng Phú Lộc (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) nổi tiếng với nghề làm muối thủ công, đây được xem là kế sinh nhai truyền qua nhiều thế hệ của hàng nghìn người dân trong vùng. Ông Nguyễn Thành Nhân (73 tuổi, ở làng Phú Lộc) sức còn dẻo dai lắm đẩy xe cút kít chở ngót tạ muối chạy băng băng. Ông bảo, trải qua bao thăng trầm, Phú Lộc hiện là làng duy nhất trong tỉnh vẫn còn mặn mà với nghề này.

Làng muối duy nhất

Theo những diêm dân có kinh nghiệm thì vụ muối thường được bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến tháng 8 hàng năm. Có năm, mùa mưa đến sớm thì vụ muối lại ngắn hơn. Nghề này phải phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Nắng càng gắt thì hạt muối làm ra càng đẹp, càng mặn mòi và trắng tinh. “Buổi chiều hôm trước là phải lắng nghe thời tiết. Trời càng nắng lớn, bà con càng thích. Cái ngại sợ nhất của bà con chính là những trận mưa rào bất chợt kéo qua”, ông Nhân bộc bạch.

Cảnh đồng muối ở Quảng Phú. Ảnh: Tâm Phùng

Cảnh đồng muối ở Quảng Phú. Ảnh: Tâm Phùng

Gia đình ông Nhân có một ha ruộng muối. Diện tích này được chia theo tỷ lệ, phần lớn để dành làm ruộng phơi. “Tức là nơi để dẫn nước biển vào ngập chừng 15-20 cm và phơi trong nắng lớn chừng 5-6 ngày”, ông Nhân lý giải. Diện tích còn lại được đầu tư nâng cao lên làm thành nhiều ô nhỏ hơn bằng xi măng (gọi là ô chạp) để phơi  nước biển thành muối. Nghề muối vất vả, mệt nhọc nhưng đã gắn bó và nuôi sống gia đình ông qua bao thế hệ nên không bỏ được.

Đẩy xe cút kít đầy muối từ ô chạp lên bãi chứa sát con đường bê tông, ông nhận chai nước mát từ tay đứa cháu rồi ngửa cổ uống một hơi thật dài. Đã khát, ông đưa tay quệt ngang miệng rồi thủng thẳng bảo, hồi trước làm muối khổ hơn nhiều, nước biển được tưới lên cát, rồi lọc từ cát nước muối đậm đặc sau đó mới đưa lên phơi ở ô chạp.

Ngày đó làm muối, nhiều công đoạn hơn nhưng năng suất thấp cộng với giá muối rẻ mạt nên đời sống bà con cũng lay lắt. Nhiều người kiếm được nghề khác rồi bỏ làng mà đi. Đồng muối vắng dần rồi bỏ hoang cũng nhiều. Chỉ còn lại mấy hộ không thể bỏ nghề muối mà cứ theo đuổi cùng tháng năm. Bây giờ thì đời sống diêm dân khác rồi. Nhiều nhà đã làm giàu từ nghề muối mặn mòi này.

Nhịp điệu làm muối như đã quên đi cái nắng hè gay gắt.  Ảnh: T.P

Nhịp điệu làm muối như đã quên đi cái nắng hè gay gắt.  Ảnh: T.P

Từ phía làng đi ra là ruộng muối gia đình ông Võ Huỳnh. Còn khoảng đất đầu bờ, ông Huỳnh dựng cái lán để trưa nắng vào trú. Ông bảo, tùy theo nắng, gió mà muối kết tinh nhanh hay chậm. Vì vậy, buổi trưa tôi hay ra ruộng thăm chừng. Nếu  muối trên ô chạp còn khoảng 1-2 giờ đồng hồ là cào được thì vào lán làm giấc cho đã.

Buổi trưa trên đồng muối gió cũng lồng lộng thổi. Những cơn gió lại nồng mùi muối nên không quen cứ có cảm giác như đang ở trong trận gió Lào nóng rát thổi về từ dãy Trường Sơn. Cái nghề đến lạ, càng nắng lớn thì càng mừng. Nắng lớn người ta đi tìm chỗ tránh thì bà con làm muối lại ra đồng làm bạn với nắng hầm hập. Từ đời này truyền qua đời khác thành quen, thành cuộc đời mình. Nên vậy là cứ vui buồn trên đồng muối mặn.

Tôi theo ông Huỳnh ra ô chạp. Vì nắng lóa và muối kết tinh càng nắng lóa hơn làm tôi cứ phải chớp mắt liên tục. Ông Huỳnh ngồi xổm bên ô chạp, lấy ngón tay đè lên mặt ruộng. Khoảng giờ đồng hồ nữa là thu hoạch được. Rồi ông cũng cho hay, ngoài nắng, diêm dân phải canh gió nữa. Có hôm trời nắng lớn nhưng lại có gió nồm nam thổi. Gió này mang hơi mát nên muối kết tinh chậm lại đến cuối giờ chiều. Khi đó, bà con phải thức đêm để cào muối cho kịp sạch ô chạp để mà đổ nước vào phơi cho ngày mai thu hoạch.

Ông Huỳnh bảo, nước phơi mấy ngày ở ô ruộng được dẫn về bể sâu nằm sát ô chạp. Khi cạo xong muối, bà con lại lấy nước biển từ bể chứa đổ lên. Ô chạp gần thì lấy gàu múc tưới lên, ô xa thì xách bằng xô, thùng đi đến mà đổ. Hôm sau nếu nắng to, gió cằn khô thì quá trưa là thu hoạch được muối. Nếu nắng nhẹ hay có gió nồm nam thì lại thu vào chiều hay tối. Cứ như vậy cho hết vụ muối.

Hỏi về điều mà diêm dân lo nhất, ông Huỳnh ngước mặt lên nhìn vòm trời xanh ngăn ngắt rồi trả lời, đó là gặp mưa rào. Có khi muối đang kết tinh màu trắng rồi mà gặp  trận mưa rào là coi như bỏ. Hạt muối sẽ không còn trắng gạo nữa mà đổi màu luôn. Khi đó, bà con phải xả hết luôn và làm lại từ đầu nên ai cũng bảo gặp mưa rào là mất mùa đó.

Nắng càng lớn, diêm dân càng được mùa và có thu nhập cao. Ảnh: T.P.

Nắng càng lớn, diêm dân càng được mùa và có thu nhập cao. Ảnh: T.P.

Nhẹ nhàng như nụ cười rám nắng

Theo lời ông Võ Huỳnh, nghề muối ở Quảng Phú, có sự khác biệt với những vùng muối khác. Bà con diêm dân ở đây, thay vì dùng nước biển làm muối, họ lại dùng nước từ cửa sông Loan, một con sông bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn đổ ra biển. Trong cái giao hòa giữa nước biển khi triều lên với nước sông Loan chảy về được dẫn vào ruộng muối. Vì vậy, hạt muối Quảng Phú chứa nhiều khoáng chất, độ mặn vừa phải, không có vị chát trong độ trắng tinh khôi.

Từ 3 giờ chiều, cái nắng xiên khoai vẫn còn gắt lắm. Vậy mà trên đồng muối đã rộn ràng tiếng cười nói, tiếng nước đổ vào ô chạp và tiếng bánh xe cút kít chở nặng nghiến trên con đường bê tông.

Một cô gái dáng cao gọn gàng trong bộ đồ bảo hộ, khuôn mặt được giấu sau lớp khăn choàng tránh nắng nhanh nhẹn đẩy xe đến bên một ô muối. Cô dùng xẻng xúc đầy muối hất gọn gàng lên xe cút kít. Việc nặng nhưng động tác nhẹ nhàng và mềm mại như một vũ điệu quen thuộc biểu diễn trên cánh đồng đầy nắng.

“Mỗi ngày em xúc và đẩy bao nhiêu tấn muối”, tôi hỏi. Không dừng tay làm, cô gái cười bảo, mỗi xe anh tính cho em là một tạ thôi nha. Đồng muối nhà em khoảng ba mươi xe thôi đấy! Cô gái lại cười, nụ cười giòn tan như xua đi cái nắng đang còn đổ lửa, cho người nghe một cảm giác mát lành.

Hơn tấn muối là kết quả lao động một ngày của gia đình ông Võ Huỳnh cho thu nhập trên 2 triệu đồng. Ảnh: T.P.

Hơn tấn muối là kết quả lao động một ngày của gia đình ông Võ Huỳnh cho thu nhập trên 2 triệu đồng. Ảnh: T.P.

Ông Tưởng Văn Giai, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, cho biết, nghề làm muối là một nghề truyền thống của địa phương có từ lâu đời, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện, cánh đồng muối của xã có diện tích khoảng 78 ha, với trên 260 hộ dân đang sản xuất, sản lượng mỗi năm ước tính đạt khoảng 5.000 - 7.000 tấn.

Để hỗ trợ đầu ra ổn định cho bà con diêm dân, xã Quảng Phú thành lập Hợp tác xã Muối Quảng Phú và đi vào hoạt động. Ông Lê Văn Thường, Phó Giám đốc HTX Muối Quảng Phú cho hay, đã xây dựng nhà xưởng sơ chế, nhà kho chứa để thu mua muối cho bà con tại ruộng… tạo điều kiện cho sự phát triển nghề muối Quảng Phú.

Trước đây, khi chưa thành lập HTX thì bà con đến vụ chỉ biết trông chờ vào tư thương nên cũng rất khó khăn. Còn hiện nay, HTX đã có đủ năng lực để thu mua muối hàng ngày cho bà con với giá cạnh tranh với tư thương. Thời gian tới đây, HTX sẽ đầu tư xưởng, máy móc để chế biến muối tại chỗ, đảm bảo cho bà con tiêu thụ tốt và giá cả hợp lý. Qua đó, tạo điều kiện cho nghề muối ở Quảng Phú phát triển. mang lại thu nhập cao cho bà con.   

Đổ nước biển đã phơi nắng 5 ngày lên ô chạp để thu hoạch muối vào ngày mai. Ảnh: Tâm Phùng.

Đổ nước biển đã phơi nắng 5 ngày lên ô chạp để thu hoạch muối vào ngày mai. Ảnh: Tâm Phùng.

Hiện, trên đồng muối vẫn còn một số diện tích đang bỏ hoang. Chính quyền địa phương đang vận động bà con đầu tư sử dụng hết diện tích để tăng thu nhập, ổn định đời sống.

“Phát triển nghề muối để bà con có thu nhập cao, ổn định. Qua đó, có thêm nhiều ngôi nhà cao tầng của diêm dân hướng nhìn ra cánh đồng muối”, ông Tưởng Văn Giai nói trong hy vọng.

Ông Võ Huỳnh đã xong công việc và chờ thương lái đến chở muối đi. Ông ngồi uống nước trong căn lều bên ruộng muối. Ông bảo, năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, dự kiến sản lượng muối sẽ tăng cao hơn so với năm ngoái. Với giá muối gần 2.000 đồng/kg, nhiều hộ làm muối có thu nhập từ 1-2 triệu đồng/ngày.

“Riêng nhà tôi trung bình mỗi ngày có sản lượng hơn một tấn muối hạt. Bán tại ruộng có giá 1.900 đồng. Nếu người nhà bốc muối lên xe cho thương lái thì giá muối là  2.000 đồng/kg. Vị chi, mỗi ngày được trên hai triệu đồng. Trong khi đó, chỉ cần hai lao động thôi, thu nhập cứ đều đặn ngày một triệu đồng mỗi người”, ông Huỳnh bộc bạch thêm.

Xem thêm
Đại tướng Tô Lâm, ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.