| Hotline: 0983.970.780

Dưới trời nắng hạn [Bài 1]: Nước theo anh về bản

Thứ Hai 21/08/2023 , 13:22 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Mùa hè năm nay khắc nghiệt với những ngày nắng cao, kéo dài đã làm cho người khát, cây khô. Vẫn còn đó những lo toan bộn bề với cuộc sống đời thường khác lạ.

Từ đầu tháng 4, những ngày nắng nóng từ mờ sáng đến tận chiều tối cứ kéo hết ngày này qua ngày khác làm cho cái nóng ở vùng biên giới Thượng Trạch (huyện Bố Trạch - Quảng Bình) như nung lò bát quái. Trời không mưa nên những khe suối đã bắt đầu khô cạn.

Ông Đinh Ku, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch bảo: "Các công trình nước tự chảy trên địa bàn đã dùng hết rồi. Bà con đang khát đó. Rất may, có các anh Đồn Biên phòng Cà Roòng đã vận động được kinh phí hỗ trợ làm mấy giếng khoan cho bà con có nước chia nhau dùng. Mừng lắm…".

Khô khát quanh bản làng

Con suối Cà Roòng chảy qua bản Nịu (xã Thượng Trạch) vốn đầy nước và khi nào cũng ồn ã đập vào những hòn đá lớn ở dưới suối. Vậy mà nó cũng không chịu nổi những tháng nắng đổ lửa của mùa hè. Dưới lòng suối đã có nhiều đoạn khô cạn trơ đáy, lổn nhổn những đá hộc, đá cuội. Nhà chị Y Nâu (bản Nịu) ở ngay bên cạnh con suối.

Mỗi sáng, chị mang thùng đi quãng ngắn là lấy nước về nhà sinh hoạt. Tháng trước, thấy con suối cạn dần làm chị lo lắng. Cho đến khi đoạn suối trước nhà như ngừng chảy vì chỉ còn chút nước lờ đờ, lười biếng và nổi màu bùn dưới trời nắng thì chị không còn lấy nước được nữa.

Nguồn nước sinh hoạt duy nhất ở bản Coóc, xã Thượng Trạch. Ảnh: T. Đức.

Nguồn nước sinh hoạt duy nhất ở bản Coóc, xã Thượng Trạch. Ảnh: T. Đức.

Sau đó, chị Y Nâu phải đi ngược lên phía thượng nguồn cách nhà thật xa mới có đoạn suối còn nước sâu hơn để lấy nước. Vì đường xa, sức yếu nên chị cũng chỉ gùi được ít nước phảng phất mùi bùn về nhà dùng dè sẻ mới đủ. “Không chỉ tôi đâu, mà cả bản đều phải về lấy nước ở đó. Cực lắm”, chị Y Nâu nói như than.

Vì đường xa, nên chị chỉ đủ sức mang theo can nhỏ loại 10 lít. Vậy là, mỗi ngày Y Nâu và bà con phải xuống suối lấy nước nhiều lần mới đủ dùng cho cả nhà. Chị Y Nâu cho biết: “Cả con suối chỉ có đoạn này là còn nước. Mùa này, cả nhà cần dùng nước nhiều hơn. Mấy năm trước, nước ở con suối Cà Roòng này nhiều, dân bản chả bao giờ lo thiếu nước. Nhưng những năm gần đây, cứ đến mùa nắng, con suối lại bị khô cạn”.

Khi chúng tôi đến bản Coóc thì trời cũng gần trưa. Bản này có 32 hộ người dân tộc Ma Coong với gần 200 nhân khẩu nhưng cũng vắng lặng dưới cái nắng ngột ngạt. Con suối Chum chảy vòng ôm vùng đất của bản vốn là nơi cấp nước sinh hoạt hàng ngày. Nước lúc nào cũng đầy mát lạnh và trong vắt. Nhưng vào mùa hè năm nay, suối Chum cũng vặn mình cạn dòng và đến lúc chỉ còn lại những vũng nước chảy lờ đờ, đổi màu đục, nổi váng dầu dưới nắng khét.

Bà con bản Coóc chuyển ống nước về bản để bộ đội 'chia' nước cho bà con trong những ngày nắng hạn. Ảnh: T. Đức.

Bà con bản Coóc chuyển ống nước về bản để bộ đội “chia” nước cho bà con trong những ngày nắng hạn. Ảnh: T. Đức.

Anh Đinh Nhạc, Bí thư Chi bộ bản Coóc còn rất trẻ, bảo với chúng tôi, thấy nước suối Chum có thể cạn nên dân bản hè nhau ra mấy hôm xuống suối nhặt đá đắp thành con đập chắn ngang để ngăn nước dâng lên cho mọi người có nước mà sinh họat, tắm giặt. 

“Không còn cách nào khác, tắm giặt thì phải xuống suối thôi. Bà con ở đây quen như vầy rồi. Ngày trước như thế, giờ đây cũng thế. Chỉ có điều khác là lúc trước khe, suối đầy ăm ắp nước. Còn bây giờ thì khe suối đã cạn. Bà con phải đắp đập chặn dòng nước, nhưng cũng chỉ giữ được một vũng nước nhỏ như thế thôi”, anh Đinh Nhạc nói như giải thích.

Mấy năm trước đây, bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Cồn Roàng (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) đã chia sẻ khó khăn với bà con vùng biên giới này bằng cách đào giếng. Trung tá Phan Quang Thành, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng nói với chúng tôi rằng, hồi đó Đồn nổi tiếng với chuyện đục đá đào giếng nước cho người Ma Coong ở xã biên giới Thượng Trạch này.

Mùa hè của những năm đó, bà con ở đây lại phải đi xa lấy nước vì khe suối quanh bản cạn kiệt nguồn. Sau khi khảo sát, chiến sỹ biên phòng bổ nhát cuốc chim đầu tiên để đào giếng cho bà con lấy nước ở bản Cồn Roàng, vì đây là bản xa trung tâm nhất, gần đường biên giới nhất và thiếu nước nhất. Sau ngày khởi công, mọi việc tiến hành thuận lợi, cho đến khi giếng được đào xuống đến độ sâu hơn 3m, thì gặp phải đá. Không chỉ đá bình thường, mà toàn là đá giàn, đá gan xanh cứng như thép không rỉ. Vậy là phải đục đá thôi.

Có những ngày, độ sâu chỉ nhích được vài xăng-ti-mét. Gần 1 tháng trần mình đục đá, cuối cùng mạch nước đã xuất hiện ở độ sâu hơn 6m.  Ngày thấy nước dâng cao dần lên trong giếng, bà con dân bản Cồn Roàng mừng như có hội. Và cứ theo cách đục đá như vậy, Đồn Biên phòng đã đào thêm được 3 giếng nước như thế ở bản Coóc, Cà Roòng và bản Nịu.

Bà con ở bản cùng bộ đội biên phòng thi công đường ống dẫn nước sạch về bản. Ảnh: T. Đức

Bà con ở bản cùng bộ đội biên phòng thi công đường ống dẫn nước sạch về bản. Ảnh: T. Đức

Giếng đào hết nước lại tìm giếng khoan

Rồi vào mùa hạn khốc liệt năm nay, các con suối, con khe dần cạn nước thì những giếng nước cũng dần trơ đáy. Mặc dù, bà con có thau rửa, nạo vét thì cũng chỉ được chút nước màu vàng ệch ra. Vậy là, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, trong những ngày nắng như dội lửa, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng có thêm nhiệm vụ quan trọng là đi tìm, đưa nước sinh hoạt về cho bà con đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru - Vân Kiều) và A Rem (dân tộc Chứt) để ổn định đời sống. 

Khi chúng tôi đến đầu bản Nịu thì tiếng máy khoan giếng vừa tắt. Một chiến sĩ ra đón cho biết, công việc khoan giếng đã thành công, nguồn nước mát được lấy lên từ độ sâu chừng 40m đủ để cung cấp cho các hộ trong bản. “Chúng tôi dùng điện năng lượng mặt trời hoặc điện máy nổ phục vụ cho bà con. Kinh phí nhiều nhất vẫn là hệ thống ống dẫn nước về bản, dây điện và nhiên liệu máy nổ”, trung tá Thành nói.

Đồn Biên phòng Cồn Roàng khoan giếng cung cấp nước sạch cho bà con ở bản Cà Roòng 2 sử dụng. Ảnh: T.Đức.

Đồn Biên phòng Cồn Roàng khoan giếng cung cấp nước sạch cho bà con ở bản Cà Roòng 2 sử dụng. Ảnh: T.Đức.

Một chiến sỹ nhanh nhẹn cắm phích máy bơm vào ổ điện. Từ trong giếng khoan bật lên tiếng xè xè của máy bơm, dòng nước trong mát bắn ra làm chúng tôi reo lên. Mấy người dân trong bản dùng hai bàn tay úp vào nhau đón dòng nước mát rồi áp vào mặt khoan khoái cười nói với nhau như để chia sẻ và cảm ơn bộ đội biên phòng. Rồi đám con nít đang nghịch nước chạy tới chạy lui nhường chỗ cho già Hồ Đang (ở bản Nịu), đang đi đến.

Đám con nít nghịch nước bắn tung lên ướt cả áo già Hồ Đang. Già không giận mà cái bụng vui nhiều. Già bảo: “Hơn hai mươi năm sống ở đây, chỉ biết  lấy cái nước suối mà ăn uống thôi. Năm trước, được bộ đội biên phòng tặng một giếng khoan, nước nhiều nhưng máy bơm sử dụng điện mặt trời nên bơm nước lúc được, lúc không. Bây giờ bộ đội lại hỗ trợ thêm một giếng nữa dùng máy phát điện thì thuận lợi hơn. Nước sạch và đầy đủ hơn nên bà con bản Nịu miềng vui lắm. Vui như được cái mùa gặt lúa ấy chớ”.

Trên đường quay ra, chúng tôi ghé vào bản Cà Roòng 2. Tại điểm giếng khoan, đám trẻ sau một hồi tắm mát đã trở về nhà, giờ chỉ còn mấy phụ nữ đến lấy nước. Trung tá Phạm Quang Thành cho hay, sau khi khoan giếng, bộ đội kéo đường ống và bơm đầy vào bồn chứa 5.000 lít. Bà con mang thùng, xô đến bồn lấy nước về nhà dùng.

Tuần trước, hệ thống pin mặt trời và ắc-quy tích điện bị hỏng, bà con thiếu nước sạch, lại phải xuống suối. Vậy là, mấy anh em trong đơn vị biết chút ít về thiết bị điện, cơ khí được cử xuống mày mò, tìm cách khắc phục. Bộ đội cái gì cũng làm được. Mấy hôm nay nắng to, điện dùng cho máy bơm thoải mái và nhờ thế nước sạch đến với bà con thường xuyên và đầy đủ hơn. Cả bản lại vui lên.

Bộ đội và bà con ở bản Nịu vui mừng đón dòng nước mát từ giếng khoan. Ảnh: T. Đức.

Bộ đội và bà con ở bản Nịu vui mừng đón dòng nước mát từ giếng khoan. Ảnh: T. Đức.

Trên sân Đồn Biên phòng Cồn Roàng đang để những bồn chứa nước bằng inox và nhiều cuộn ống nước màu đen. Trung tá Thành nói luôn: “Đây là vật tư để bộ đội và bà con ở bản Coóc chuẩn bị chuyển xuống bản thi công công trình nước sạch đấy”.

Bản Coóc ở gần  đồn biên phòng nhất so với các bản khác. Trước đây, Đồn hỗ trợ đào một giếng khơi để bà con lấy nước. Nhưng nay không sử dụng được vì lâu ngày giếng cạn. Bộ đội đang có kế hoạch vét sạch, khơi thông giếng và bơm nước lên bồn chứa cho bà con dùng. Nhưng để “giải” cơn khát cho bà con, Đồn quyết định kéo ống, đưa nước từ bể chứa của đơn vị về bồn inox thể tích lớn để bà con lấy nước sinh hoạt.

Giữa trưa, ông Đinh Hiêng, Trưởng bản Coóc đã huy động bà con lên trụ sở Đồn, góp sức cùng bộ đội chuyển bồn và ống nước xuống bản để làm công trình nước sạch. Trao đổi với chúng tôi, trung tá Thái Nam Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cồn Roàng cho hay, năm nay, đơn vị vận động các đơn vị, cá nhân ủng hộ và trích từ kinh phí để làm 5 giếng khoan và một công trình nước tự chảy tặng đồng bào ở Thượng Trạch.

Mỗi giếng đều có máy bơm, bơm nước lên bồn chứa để từ đó dân bản đến lấy về dùng. Kinh phí thực hiện mỗi công trình khoảng 70 triệu đồng, do bộ đội trực tiếp thi công, quản lý và hỗ trợ vận hành và khi bà con biết cách sử dụng an toàn thì chuyển giao cho bản.

Xem thêm
TP.HCM bổ sung thêm hai Phó Chủ tịch UBND thành phố

TP.HCM Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động và ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy được bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.