Thông báo được đưa ra chỉ vài giờ sau khi các lãnh đạo nhóm sinh viên biểu tình ra tối hậu thự yêu cầu giải tán Quốc hội và cảnh báo sẽ tiếp tục biểu tình nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng. Shiplu Zaman, thư ký báo chí của Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin, sau đó thông báo Tổng thống đã giải tán quốc hội.
Động thái trên diễn ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước. Sau khi bà Hasina rời đi, người biểu tình xông vào phủ Thủ tướng cũng như tòa nhà Quốc hội, đập phá và mang đi nhiều vật dụng.
Trong bài phát biểu trên truyền hình sau đó, Tư lệnh quân đội Waker-Uz-Zaman cho biết ông đang thảo luận với các đảng đối lập để thành lập chính phủ lâm thời.
Các lãnh đạo sinh viên, những người đã dẫn đầu phong trào phản đối hạn ngạch việc làm và sau đó kêu gọi bà Hasina từ chức, thông báo họ muốn một chính phủ lâm thời mới với chủ nhân giải Nobel Hòa bình Muhammad Yunus làm cố vấn trưởng. Một người phát ngôn của ông Yunus cho biết ông đã đồng ý với yêu cầu trên.
Muhammad Yunus, 84 tuổi và Ngân hàng Grameen của ông đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2006 vì những nỗ lực giúp hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói bằng cách cung cấp các khoản vay nhỏ dưới 100 USD. Tuy nhiên, ông Yunus đã bị tòa án truy tố vào tháng 6 với các cáo buộc tham ô, dù ông đã phủ nhận.
Trước đó cùng ngày, một số hoạt động đã trở lại bình thường ở thủ đô Dhaka, mặc dù giao thông có ít hơn và một số trường học đã mở cửa trở lại sau khi đóng cửa từ giữa tháng 7 do các cuộc biểu tình.
Bất ổn ở Bangladesh bắt đầu khi sinh viên nước này biểu tình gần như hàng ngày trong tháng 4, yêu cầu thay đổi liên quan đến hạn ngạch việc làm trong các cơ quan nhà nước. Các cuộc biểu tình đã leo thang thành các cuộc đụng độ với cảnh sát khiến hơn 200 người thiệt mạng trong tháng 4/2024.