Hàng trăm người biểu tình phản đối nhập cư đã gây ra các cuộc bạo loạn trên khắp nước Anh sau khi thông tin cho rằng nghi phạm trong vụ tấn công bằng dao hôm 29/7 tại một lớp học múa cho trẻ em ở Southport là một người nhập cư Hồi giáo cực đoan được lan truyền trên mạng xã hội.
Cảnh sát đã công bố nghi phạm là Axel Rudakubana, 17 tuổi, sinh ra ở Anh nhưng các cuộc biểu tình phản đối nhập cư và phản đối đạo Hồi vẫn tiếp tục, dẫn đến tình trạng bạo lực, đốt phá và cướp bóc.
Các cuộc bạo loạn nổ ra ở Liverpool, Bristol, Hull và Belfast, 4 thành phố nằm cách xa nhau của Vương quốc Anh, trong khi những người biểu tình chống nhập và các nhóm phản đối phân biệt chủng tộc xảy ra ẩu đả và ném gạch đá, chai lọ vào nhau.
Nhiều cảnh sát đã bị thương khi cố gắng ngăn chặn hàng trăm người biểu tình xô xát.
Tại Liverpool, hai cảnh sát phải nhập viện với chẩn đoán rạn xương sọ trong khi một cảnh khác bị đẩy ngã ra khỏi xe máy và bị tấn công trong vụ bạo loạn với khoảng 750 người biểu tình, Cảnh sát Merseyside cho biết.
Cảnh sát cho biết thêm ít nhất hai cửa hàng ở Liverpool đã bị phá hoại và cướp bóc.
Cảnh tượng tương tự cũng xảy ra ở thành phố Bristol phía tây nam nước Anh, mặc dù những người biểu tình chống phân biệt chủng tộc đông hơn các nhóm phản đối nhập nhập cư. Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy cảnh sát chống bạo động cũng có mặt để ngăn người biểu tình xô xát.
Tại Belfast, một số doanh nghiệp đã ghi nhận thiệt hại về tài sản trong khi ít nhất một doanh nghiệp bị đốt cháy. "Tôi không hiểu tại sao họ tấn công chúng tôi. Tôi đã sống ở đây 35 năm. Các con và vợ tôi đều là người Anh. Tôi không biết phải nói gì. Thật khủng khiếp!", Rahmi Akyol, một chủ quán cà phê ở Belfast, nói. Ông cũng cho biết đã bị hàng chục người tấn công bằng chai và ghế.
Trên khắp nước Anh, cảnh sát đã bắt giữ hàng chục cá nhân vì các tội danh khác nhau, từ cố ý gây thương tích đến trộm cắp và phá hoại.
Thủ tướng Anh Keir Starmer đã lên án "phe cực hữu" về làn sóng bạo lực và ủng hộ cảnh sát có hành động mạnh mẽ. Ông đã thảo luận về tình trạng bất ổn này với các bộ trưởng cấp cao trong ngày 3/8.
Lần cuối cùng bạo loạn nổ ra ở Anh là vào năm 2011 khi hàng nghìn người xuống đường trong 5 đêm sau khi cảnh sát bắn chết một người đàn ông da màu ở London.
Trong tối 2/8, hàng trăm người biểu tình phản đối nhập cư ở Sunderland đã ném đá vào cảnh sát mặc đồ chống bạo động gần một nhà thờ Hồi giáo, trước khi lật ô tô, đốt xe và phóng hỏa gần đồn cảnh sát.
"Đây không phải là một cuộc biểu tình. Đây là một cuộc bạo loạn không thể dung thứ", Mark Hall, cảnh sát trưởng khu vực Sunderland, nói với các phóng viên hôm 3/8. Các cuộc biểu tình dự kiến vẫn sẽ tiếp tục trong ngày 4/8.