Ngô biến đổi gen. |
Trong đó, 7 sự kiện BĐG được sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (bông GHB614xLLCotton25xMON1598, ngô 5307, ngô MON 87403, ngô 4114, ngô MON87411, ngô Bt11xMIR162x1507xGA21, đậu tương MON87751).
2 sự kiện được gia hạn cũng để làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (cải dầu Ms8xRf3 và ngô 1507xNK603) và 1 sự kiện BĐG hoa cẩm chướng.
Quyết định cấp phép nói trên không bao gồm việc canh tác.
Tất cả các sinh vật BĐG này đã được đánh giá một cách toàn diện về mặt khoa học bởi Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (European Food Safety Authority – EFSA).
Toàn bộ các quốc gia thành viên đã có quyền bày tỏ quan điểm của mình đối với các quyết định này trong Uỷ ban Thường trực (Standing Committee) và sau đó là Uỷ ban Đánh giá (Appeal Committee).
Sau khi có các kết quả của toàn bộ quy trình lấy ý kiến, Liên minh Châu Âu có cơ sở pháp lý để phê duyệt cấp phép.
Giấy phép cho các sự kiện BĐG có thời hạn 10 năm và bất kỳ sản phẩm nào được sản xuất từ các sự kiện BĐG đã được cấp phép nêu trên đều phải dán nhãn theo quy định nghiêm ngặt của EU về dán nhãn và truy suất nguồn gốc.
Theo kết quả một báo cáo đặc biệt của Eurobarometer về An toàn Thực phẩm, phát hành trong tháng 6 vừa qua, sự miễn cưỡng đối với các sản phẩm BĐG đã giảm hơn một nửa so với kết quả thu thập được trước đó vào năm 2010.
Các lo lắng đối với các sản phẩm BĐG được sử dụng làm thực phẩm và đồ uống đã giảm từ 66% năm 2010 xuống còn 27% năm 2019. Trong tất cả các vấn đề quan tâm được đưa ra trong bản điều tra, chỉnh sửa gen (genome editing) nhận được sự quan tâm thấp nhất (4%) và cũng được ít biết tới nhất (22%).
Một điều tra khác được tiến hành bởi Farmers Guardian (một chuyên trang online về nông nghiệp kỹ thuật số tại vương quốc Anh) phát hành trong tháng 8 vừa qua cũng cho thấy trên 3/4 nông dân tại vương quốc Anh ủng hộ canh tác cây trồng BĐG nếu Chính phủ thay đổi các quy định pháp lý.
Châu Âu hiện là một trong các khu vực nhập khẩu sản phẩm BĐG phục vụ cho ngành chăn nuôi, trong đó đậu nành BĐG chiếm tỷ trọng khá lớn. Trung bình mỗi năm, các nước tại khu vực này nhập khẩu hơn 34 triệu tấn đậu nành BĐG (tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số Châu Âu cộng lại). Trong khi lượng đậu nành không BĐG sản xuất được tại đây chỉ khoảng 1,7 triệu tấn (đáp ứng khoảng 5% nhu cầu). |