“Việc sử dụng các phương tiện cá nhân hay thương mại đều sẽ bị trừng phạt miễn chúng thuộc danh mục hàng hóa bị cấm vận", văn bản trả lời "các câu hỏi thường gặp" do EC công bố ngày 8/9 nêu rõ.
Theo văn bản do EC công bố, lệnh cấm bao gồm “các phương tiện mang biển số Nga” và “được đăng ký tại Nga”, không xét đến thời gian phương tiện lưu trú tại Liên minh Châu Âu (EU).
Văn bản của EC cho biết không chỉ ô tô mà nhiều loại hàng hóa cá nhân khác cũng phải chịu lệnh trừng phạt nếu chúng có nguồn gốc từ Nga. Theo đó, bất kỳ hàng hóa hay phương tiện nào được liệt kê trong Phụ lục 21 về các biện pháp trừng phạt đối với Nga của EU đều bị cấm.
Phụ lục này cấm hơn 180 loại hàng hóa từ Nga bao gồm điện thoại thông minh, máy ảnh, quần áo phụ nữ, các loại túi xách, giày dép, xà phòng, nước hoa và thậm chí cả giấy vệ sinh.
EC đưa ra văn bản trên sau khi cơ quan hải quan Đức thu giữ nhiều ô tô cá nhân của Nga vào nước này từ tháng 7/2023.
Moscow sau đó lên án hành động của Berlin và cảnh báo công dân không di chuyển bằng phương tiện cá nhân đến Đức. Tuy nhiên, chính quyền Đức biện minh cho hành động của mình bằng cách viện dẫn các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga ngay từ năm 2014 và các lệnh trừng phạt tăng cường khi Moscow phát động chiến chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022.
Hôm 10/9, Đại sứ quán Nga tại Helsinki cũng lên tiếng kêu gọi công dân không sử dụng ô tô mang biển số Nga khi đến Phần Lan. Cơ quan này tuyên bố trên trang web hôm 10/9: “Sau khi cân nhắc về những rủi ro tiềm ẩn, chúng tôi khuyến nghị công dân Nga không đến Phần Lan bằng ô tô mang biển số Nga”.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU bắt đầu áp các lệnh trừng phạt đối với Moscow kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ thông qua bỏ phiếu tại địa phương. Moscow nhiều lần chỉ trích các lệnh hạn chế thương mại và tịch thu tài sản của Nga ở nước ngoài là "bất hợp pháp" và tương tự “hành vi trộm cướp”.