| Hotline: 0983.970.780

FAO: Giá gạo rục rịch, giá lúa mì và gia cầm tăng mạnh

Chủ Nhật 05/06/2022 , 09:29 (GMT+7)

Công cụ đo chỉ số giá cả thị trường tháng 5 của FAO cho thấy, dầu thực vật và các sản phẩm từ sữa giảm, trong khi lúa mì và thịt gia cầm tăng.

Singapore đang đối mặt với cuộc 'khủng hoảng cơm gà'- món ăn hàng ngày của người dân đảo quốc Sư tử, sau khi quốc gia láng giềng Malaysia ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà để bảo vệ nguồn cung trong nước. Ảnh: CNA 

Singapore đang đối mặt với cuộc "khủng hoảng cơm gà"- món ăn hàng ngày của người dân đảo quốc Sư tử, sau khi quốc gia láng giềng Malaysia ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà để bảo vệ nguồn cung trong nước. Ảnh: CNA 

Mặc dù chỉ số giá lương thực- thực phẩm thế giới giảm nhẹ trong tháng 5, nhưng theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), giá lúa mì và thịt gia cầm tăng cao.

Theo đó, chỉ  số giá lương thực của FAO  trung bình đạt 157,4 điểm vào tháng 5 năm 2022, giảm 0,6% so với tháng 4. Tuy nhiên, chỉ số theo dõi những thay đổi hàng tháng về giá quốc tế của rổ hàng hóa thực phẩm thiết yếu thể hiện qua giao dịch, vẫn cao hơn 22,8% so với tháng 5 năm 2021.

Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc của FAO tăng 2,2% so với tháng trước, dẫn đầu là giá lúa mì tăng 5,6% so với tháng 4 và 56,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá lúa mì trên thị trường quốc tế tăng theo lệnh cấm xuất khẩu do Ấn Độ công bố hồi trung tuần tháng 5, cùng với những lo ngại về tình hình sản xuất ở một số quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu, cũng như giảm triển vọng sản xuất ở Ukraine do chiến tranh.

Giá gạo trên thị trường quốc tế cũng bắt đầu rục rịch tăng trên diện rộng, trong khi giá ngũ cốc thô giảm 2,1%, với giá ngô giảm tương đối do điều kiện mùa vụ được cải thiện chút ít ở các vựa ngô Mỹ, trong khi nguồn cung theo mùa ở Argentina và Brazil sắp bước vào thu hoạch để xuất khẩu.

Nhà kinh tế trưởng của FAO, Máximo Torero Cullen cho biết: “Các hạn chế xuất khẩu tạo ra sự không chắc chắn cho thị trường và có thể dẫn đến tăng giá và biến động giá tăng lên”.

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đã giảm 3,5% so với tháng 4, trong khi vẫn cao hơn đáng kể so với một năm trước đó. Cụ thể giá dầu cọ, hướng dương, đậu nành và hạt cải dầu giảm một phần do việc Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu trong thời gian ngắn đối với dầu cọ và nhu cầu nhập khẩu dầu đậu nành và dầu hạt cải chậm chạp trên toàn cầu do chi phí tăng cao trong những tháng gần đây.

Ngoài ra, chỉ số giá sữa của FAO cũng giảm 3,5% so với tháng trước. Trong đó giá sữa bột giảm mạnh nhất, liên quan đến những bất ổn thị trường từ việc tiếp tục phong tỏa dịch COVID-19 ở Trung Quốc, trong khi doanh số bán lẻ tăng mạnh và nhu cầu cao ở Bắc bán cầu đã ngăn cản giá pho mát giảm đáng kể mặc dù nhu cầu nhập khẩu toàn cầu suy yếu. Giá bơ cũng giảm do nhu cầu nhập khẩu yếu hơn trong bối cảnh nguồn cung có thể xuất khẩu được cải thiện.

Chỉ số giá đường của FAO cũng giảm 1,1% so với tháng 4 do vụ mùa bội thu ở Ấn Độ làm tăng triển vọng dồi dào mặt hàng này trên toàn cầu. Sự suy yếu của đồng real Brazil so với đô la Mỹ, cùng với giá ethanol giảm cũng gây áp lực giảm giá đường thế giới.

Trong khi đó, chỉ số giá thịt gia cầm của FAO đã thiết lập mức tăng kỷ lục mọi thời đại, tăng 0,6% trong tháng 5, trong khi giá thịt gia súc thế giới vẫn ổn định và giá thịt lợn giảm.

Theo các chuyên gia, sự leo thang này được thúc đẩy bởi giá thịt gia cầm quốc tế tăng mạnh, phản ánh sự gián đoạn của chuỗi cung ứng tiếp tục khủng hoảng ở Ukraine và diễn biến dịch cúm gia cầm gần đây, trong bối cảnh nhu cầu tăng vọt ở châu Âu và Trung Đông.

Dựa trên điều kiện của cây trồng đã xuống giống và kế hoạch gieo trồng thời gian tới, ngô sẽ vẫn tiếp đà giảm giá, tiếp theo là lúa mì và gạo, trong khi sản lượng lúa mạch và lúa miến có thể sẽ tăng.

Theo FAO, nhu cầu sử dụng ngũ cốc thế giới cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ vào niên vụ 2022/23, khoảng 0,1% so với niên vụ 2021/22, xuống còn 2.788 triệu tấn, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong vòng 20 năm.

Sự sụt giảm chủ yếu bắt nguồn từ việc dự kiến ​​giảm sử dụng thức ăn chăn nuôi bằng lúa mì, ngũ cốc thô và gạo, trong khi tiêu thụ ngũ cốc trên toàn cầu dự kiến vẫn ​​sẽ tăng để theo kịp xu hướng dân số thế giới.

Hoạt động thương mại ngũ cốc thế giới được dự báo cũng sẽ giảm 2,6% trong niên vụ 2021/22, tương đương 463 triệu tấn, mức thấp nhất trong ba năm, ngay cả khi triển vọng thương mại gạo quốc tế vẫn khả quan.

Dự báo mới nhất của FAO cho thấy, lượng tồn kho giảm, dẫn đến tỷ lệ dự trữ ngũ cốc trên thế giới giảm xuống 29,6% vào năm 2022/23 so với 30,5% vào năm 2021/2022. Đây sẽ là mức thấp nhất trong vòng 9 năm, nhưng vẫn cao hơn mức thấp nhất 21,4% vào năm 2007/08. Trong đó lượng dự trữ ngô dự kiến ​​sẽ giảm dự trữ mạnh nhất, trong khi dự trữ lúa mì dự kiến ​​sẽ tăng.

(FAO.org)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.