| Hotline: 0983.970.780

Đến lượt Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà

Thứ Tư 25/05/2022 , 09:34 (GMT+7)

Quyết định cấm xuất khẩu thịt gà của chính phủ Malaysia ngay lập tức làm đảo lộn giá cả theo hướng bất lợi, thậm chí lan sang cả quốc gia láng giềng Singapore.

Khách hàng chờ mua thịt gà tại một khu chợ ở thủ đô Kuala Lumpur. Ảnh: AFP

Khách hàng chờ mua thịt gà tại một khu chợ ở thủ đô Kuala Lumpur. Ảnh: AFP

Hiệp hội Người tiêu dùng Singapore (CASE) hôm 24/5 cho biết, chắc chắn lệnh cấm xuất khẩu thịt gà của Malaysia sẽ “tác động tiêu cực” đến giá thịt gà và các sản phẩm liên quan ở Singapore.

Tuyên bố trên của CASE được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đột ngột ra thông báo rằng, nước này sẽ ngừng xuất khẩu 3,6 triệu con gà mỗi tháng kể từ ngày 1 tháng 6, nhằm ổn định sản xuất do giá gia cầm tiếp tục tăng lên.

Tuyên bố của chính quyền Malaysia loan đi trong bối cảnh giá thịt gà trên thị trường thế giới và các sản phẩm liên quan, đặc biệt là giá nguyên liệu làm thức ăn cho gà đã tăng mạnh trong những tháng gần đây. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng do cuộc xung đột ở Ukraine.

Hiệp hội Người tiêu dùng Singapore đồng thời cũng nhắc lại lời kêu gọi của Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) khuyến cáo người tiêu dùng cần xem xét các nguồn thay thế của thịt gà, cũng như các sản phẩm thịt. Ví dụ như các lựa chọn thực phẩm đông lạnh ngay từ bây giờ và kêu gọi người dân hãy chỉ mua những gì cần thiết và "không mua tích trữ quá mức", gây hoang mang xã hội.

Ngoài ra, CASE cũng khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nền tảng theo dõi giá cả để so sánh giá thịt gà và các sản phẩm liên quan trong những tuần tới. “Chúng tôi sẽ làm mọi cách nhằm tăng nguồn cung thịt gà và các sản phẩm liên quan, đảm bảo thực phẩm luôn có sẵn trên thị trường để người tiêu dùng không bị sốc sau tác động đột ngột này”, CASE cho biết.

Trong tổng khối lượng thịt gà mà đảo quốc Singapore nhập khẩu vào năm ngoái là 73.000 tấn, thì có khoảng một phần ba đến từ quốc gia láng giềng Malaysia. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Malaysia là gà sống, sau đó được giết mổ và trữ lạnh tại Singapore.

Chính phủ Malaysia cho biết, sẽ bãi bỏ các giấy phép chăn nuôi gia cầm đã được phê duyệt nhằm giúp các nhà nhập khẩu tiếp cận với nhiều nguồn cung cấp hơn. Thủ tướng Ismail cũng lưu ý các cơ quan chức năng cần theo dõi, kiểm soát ngăn ngừa các hành vi bắt tay giữa các doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhằm thao túng giá thịt gà.

“Chính phủ lấy làm tiếc và thất vọng về hành động của một số công ty trong việc ngừng cung cấp thịt gà, gây tăng giá và thiếu nguồn cung trên thị trường… Nếu phát hiện có sự tham gia của việc thao túng, chính phủ sẽ xử lý mạnh tay”, ông Ismail cho biết.

Malaysia là quốc gia mới nhất hạn chế xuất khẩu lương thực khi giá cả tăng cao, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì. Chỉ số lạm phát của quốc gia Đông Nam Á đã tăng lên 2,2% trong tháng 3, với giá thực phẩm tăng 4%.

Quan ngại đang tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới về tình trạng mất an ninh lương thực do biến đổi khí hậu và các khó khăn gây ra từ cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine. Hồi đầu tháng này, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo việc tăng giá cả hàng hóa, lương thực- thực phẩm đang có "tác động nghiêm trọng".

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã quyết định nối lại hoạt động xuất khẩu dầu cọ bắt đầu từ ngày 23/5 tới sau khi cân nhắc nguồn cung dầu ăn trong nước và công ăn việc làm của khoảng 7 triệu người dân nước này đang làm việc trong ngành dầu cọ.

Chính phủ Indonesia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ hôm 27/4 nhằm đảm bảo nguồn cung mặt hàng này trong bối cảnh thiếu hụt dầu ăn trong nước. Tuy nhiên theo tính toán của Hiệp hội Dầu cọ quốc gia Indonesia, nguồn thu ngoại hối hàng năm đạt trị giá 515.180 tỷ rupiah (35,53 tỷ USD) của nước này có nguy cơ bị mất do lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ thô và các sản phẩm phái sinh.

Cơ quan này đồng thời cảnh báo, ngành dầu cọ Indonesia có thể chịu thêm tổn thất nếu không xuất khẩu được, cũng như các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ bị thua lỗ, dẫn tới ngừng chế biến nếu sản lượng dầu cọ không được thị trường trong nước tiêu thụ hết.

Trước đó, Tổng thống Widodo nhấn mạnh việc đáp ứng nhu cầu mặt hàng này cho quốc gia 270 triệu dân là "ưu tiên số một" của chính phủ. Dầu cọ là loại dầu thực vật được sử dụng phổ biến nhất đối với bữa ăn gia đình của người dân Indonesia, ngoài ra nó còn được dùng để làm nguyên liệu cho nhiều loại hàng hóa từ chocolate cho tới mỹ phẩm.

Mặc dù Indonesia là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% lượng sản xuất dầu cọ toàn cầu, nhưng quốc gia này đang đối mặt với thực trạng thiếu dầu ăn trong nhiều tháng qua do quản lý lỏng lẻo và các nhà sản xuất nội địa miễn cưỡng bán hàng trong nước. Người dân Indonesia có những thời điểm đã phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ tại các trung tâm phân phối mới có thể mua được mặt hàng này.

(Malay Mail, RT)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.