| Hotline: 0983.970.780

Gà đồi Yên Thế bay xa bằng chế biến sâu

Thứ Hai 09/09/2024 , 09:18 (GMT+7)

BẮC GIANG Không cam chịu cảnh thương hiệu của quê hương rơi vào lãng quên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế quyết đưa thương hiệu 'Gà đồi Yên Thế' bay xa bằng chế biến sâu.

Anh Giáp Quý Cường giới thiệu sản phẩm khô gà lá chanh của HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế, Bắc Giang. Ảnh: Hồng Thắm. 

Anh Giáp Quý Cường giới thiệu sản phẩm khô gà lá chanh của HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế, Bắc Giang. Ảnh: Hồng Thắm

Quyết không để Thương hiệu "Gà đồi Yên Thế" đứng yên

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Xanh Yên Thế, thị trấn Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang được coi là đơn vị tiên phong trong sản xuất và chế biến nông - lâm - thủy sản của tỉnh. Trong đó, HTX đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất gà đồi Yên Thế theo chuỗi.

Gặp anh Giáp Quý Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế mới hiểu vì sao HTX này luôn lá cờ đầu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Anh Cường kể, bố mẹ anh là người chăn nuôi ở địa phương, bản thân anh cũng đi buôn gà từ năm 16 tuổi. Năm 2011, gà đồi Yên Thế được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Điều này giúp những người đi buôn gà, trong đó có anh thêm nhiều thuận lợi, tuy nhiên chỉ sau đó 1 - 2 năm lại rơi vào khó khăn. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo anh Cường là do một số người đi buôn vì lợi nhuận trước mắt nên đã trà trộn gà kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thành gà đồi Yên Thế, ảnh hưởng lớn đến những người buôn bán chân chính.

Với mong muốn gìn giữ và phát triển thương hiệu gà đồi Yên Thế, năm 2017, được sự hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn của Phòng NN-PTNT Yên Thế, anh Cường đã thành lập HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế với ngành nghề chính là chăn nuôi gia cầm; sản xuất, chế biến nông - lâm thủy sản và các sản phẩm từ gà đồi Yên Thế.

Ngay từ những ngày đầu hoạt động, HTX xác định mục tiêu là phát huy thế mạnh địa phương; gìn giữ và phát triển thương hiệu gà đồi Yên Thế; sản xuất hàng hóa an toàn, thân thiện với môi trường; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật; liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Song hành cùng nông dân

HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế đã trải qua một hành trình phát triển ấn tượng, từ 7 thành viên ban đầu đến nay đã có hơn 107 thành viên.

Anh Cường kể, những ngày đầu thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tìm kiếm hộ dân tham gia. Nhiều người chưa hiểu rõ về mô hình HTX và lợi ích của việc liên kết sản xuất. Mặc dù đã ký liên kết với Hợp tác xã nhưng họ vẫn bán gà ra ngoài khi giá cao, khiến HTX chịu nhiều tổn thất nặng nề.

Mô hình chăn nuôi gà đồi Yên Thế theo hướng hữu cơ của gia đình chị Hoàng Thị Hậu, thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế ký liên kết với HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế. Ảnh: Hồng Thắm.

Mô hình chăn nuôi gà đồi Yên Thế theo hướng hữu cơ của gia đình chị Hoàng Thị Hậu, thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế ký liên kết với HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế. Ảnh: Hồng Thắm.

“Tuy nhiên, với sự kiên trì và giải thích tận tình, dần dần HTX đã giúp bà con hiểu hơn về lợi ích của việc ký kết liên kết, đặc biệt là giảm tình trạng được mùa mất giá. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế ổn định cho các hộ dân, mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho gà đồi Yên Thế trên thị trường”, anh Cường nói thêm.

Để tham gia liên kết với HTX, các hộ dân phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Mỗi hộ cần có 2 - 3 chuồng nuôi, khoảng cách giữa các chuồng phải đảm bảo để tránh lây bệnh, vườn đồi rộng, phải để trống chuồng ít nhất 1 - 2 tháng sau khi xuất bán, rắc vôi, khử trùng…

Đối với thức ăn, 2 tháng đầu giai đoạn gà phát triển tạo khung, chưa ảnh hưởng đến chất lượng thịt nên có thể dùng thức ăn công nghiệp hỗn hợp, giai đoạn sau đó phối trộn ngô, đậu tương. Tháng cuối cùng trước khi xuất bán phải cách ly hoàn toàn các loại thuốc kháng sinh để loại bỏ các tồn dư trong cơ thể.

Anh Cường tâm sự, khó khăn lớn nhất của các hộ chăn nuôi gà đồi Yên Thế là đa phần chăn thả tự nhiên nên chuồng nuôi bé, mưa gió hơi bất cập, giá cả thức ăn chưa ổn định…

“Tuy nhiên, kinh nghiệm chăn nuôi thì người dân có thừa. Hơn nữa, bao nhiêu năm nay Yên Thế không có dịch bệnh nào. Yên Thế là huyện đầu tiên ở miền Bắc đạt được chứng nhận an toàn dịch bệnh về Newcastle và cúm gia cầm”, anh Cường khoe.

Trăn trở với chế biến sâu

HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm gà đồi Yên Thế chưa qua giết mổ, nhưng sau một thời gian triển khai, nhận thấy hình thức này còn nhiều bất cập nên anh Cường đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến sâu, công suất 400 con/giờ, tuy nhiên hiện mới chỉ hoạt động khoảng 40 - 50% công suất.

“Chỉ có chế biến sâu mới giúp bảo quản được lâu, giữ được chất lượng và thương hiệu cho HTX nói riêng và gà đồi Yên Thế nói chung”, anh Cường tâm sự.

Dây chuyền chế biến sâu của HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế có công suất 400 con/giờ, hiện mới chỉ hoạt động khoảng 40 - 50% công suất. Ảnh: Hồng Thắm.

Dây chuyền chế biến sâu của HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế có công suất 400 con/giờ, hiện mới chỉ hoạt động khoảng 40 - 50% công suất. Ảnh: Hồng Thắm.

Hiện, HTX có hệ thống nhà xưởng rộng 550 m2, bao gồm nhà nuôi nhốt tạm thời; khu sơ chế, giết mổ; phòng đóng gói, bảo quản; máy móc thiết bị sản xuất… đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

HTX đang xuất bán khoảng 2.000 con gà mỗi ngày, trong đó có khoảng 1.000 con được giết mổ. Các sản phẩm của HTX là gà đóng gói chân không, giò gà, chả gà, xúc xích gà, gà ủ muối, khô gà lá chanh… Trong đó, nhiều sản phẩm đạt OCOP 4 sao và là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu qua các năm. Thị trường chính của HTX là các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh.

Anh Cường cho biết, HTX là đơn vị đi đầu trong việc tạo liên kết chuỗi giá trị từ con giống, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ. Tuy nhiên với vấn đề chế biến sâu thì cản trở lớn nhất đối với HTX chính là việc đầu tư công nghệ mới, máy móc, nguồn vốn.

Hơn 1 năm trở lại đây, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP) đã chuyển giao thành công dây chuyền tự động, cấp đông tế bào cho HTX. Dây chuyền này giúp thời gian bảo quản đông lâu hơn từ 3 - 12 tháng mà không làm thay đổi chất lượng thịt gà.

“Với dây chuyền mới này, HTX dự định sẽ mở rộng thêm các thị trường ở phía Nam và xa hơn nữa là hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu chỉ mình HTX rất khó, cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành”, anh Cường tâm sự.

“Mong muốn lớn nhất của tôi trong thời gian tới là sẽ có nhiều HTX như HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế để có thể tiêu thụ hết sản lượng gà của bà con. Đồng thời, nhận được sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành để cải thiện máy móc, công nghệ với dây chuyền chế biến sâu, từ đó giảm giá thành, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của gà đồi Yên Thế trên thị trường và giải bài toán xuất khẩu”, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế Giáp Quý Cường trăn trở.

Xem thêm
Hậu Giang 'phủ kín' cán bộ thú y 3 cấp từ tỉnh đến xã

Lực lượng thú y được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở theo 3 cấp, đảm bảo nhân lực phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi và tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm.

Nấm bệnh đẩy mô hình trồng thanh long vào ngõ cụt

NGHỆ AN Nhiều diện tích thanh long tại xã Tam Quang (huyện Tương Dương, Nghệ An) bị nhiễm bệnh khiến người trồng bất lực, đến nay vẫn loay hoay trong việc tìm giải pháp phòng trừ.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.