| Hotline: 0983.970.780

Gã gàn Vũ Cao Thăng

Thứ Hai 16/08/2010 , 14:15 (GMT+7)

Có người gọi ông là "triệu phú liều" bởi lối ăn nói bạt mạng ngay cả với lãnh đạo cấp cao, nhưng tôi xem ông là một "gã gàn" bởi những việc làm không giống ai. Ông là nông dân Vũ Cao Thăng (xã Ân Hòa, Kim Sơn, Ninh Bình).

LTS: Nhân dịp Đại hội thi đua yêu nước ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn lần thứ 3 diễn ra vào ngày 24/8 tới tại Hà Nội, NNVN trân trọng giới thiệu một số đại biểu ưu tú, có tư duy đổi mới, dám nghĩ lớn, vượt qua nhiều trở ngại để góp trí lực của mình vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Gã gàn Vũ Cao Thăng

Có người gọi ông là "triệu phú liều" bởi lối ăn nói bạt mạng ngay cả với lãnh đạo cấp cao, nhưng tôi xem ông là một "gã gàn" bởi những việc làm không giống ai. 

Học kỹ sư để làm… nông dân 

Khi nhận được bản báo cáo tham luận tham dự Đại hội thi đua yêu nước ngành nông nghiệp của nông dân Vũ Cao Thăng (xã Ân Hòa, Kim Sơn, Ninh Bình), tôi hơi nghi bởi bảng thành tích hàng năm thu tiền tỷ/ha từ vùng đất xưa nay độc canh cây lúa ấy. Nhưng nghi hoặc ấy nhanh chóng được xóa tan khi vừa về đến huyện Kim Sơn hỏi ông, mấy cán bộ ngành nông nghiệp cười xòa: Lão ấy à? Lúc đầu, chúng tôi cũng nghĩ là lão bốc phét. Nhưng tìm hiểu mới biết lão ta nói được, làm còn được hơn đấy.

Quá trưa tôi đến tìm nhưng người nhà bảo gã đang ăn cơm với ba ba ở ngoài vườn. Cho đến tận bây giờ, khi sống trong ngôi nhà 2 tầng sung túc do gã xây lên từ chính thu nhập nông nghiệp thì người nhà gã vẫn quen gọi gã là gàn. Biệt danh ấy bắt đầu từ cái ngày gã cầm bằng tốt nghiệp kỹ sư Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, bao nhiêu cơ quan nhà nước "rước" về đầu quân nhưng gã nhất mực lắc đầu để đi làm nông dân.  

Dù đã được chuẩn bị từ trước từ cái chứng gàn của gã nhưng tôi không khỏi bất ngờ khi nghe tuyên bố: "Không biết gì về nông nghiệp thì đừng nói chuyện với tôi”. Nhưng cũng nhờ thế mới khẳng định được rằng lời người ta nói gã sống bằng máu đam mê nông nghiệp chẳng sai. Cũng bằng niềm đam mê ấy, bằng tính gàn ấy mà tôi có phần nơm nớp khi tiếp chuyện bởi ở Ninh Bình người ta nói về gã gàn đến mức lập ra nguyên tắc không bán giống cho các dự án vì sợ bị xà xẻo, đến tay nông dân chỉ còn một vài phần.

Gã gàn Vũ Cao Thăng

"Tôi khởi nghiệp bằng 500 ngàn tiền vay của HTX, thành công như hôm nay chỉ vì tôi là thằng không biết sợ thất bại bao giờ cả". Bằng lối ăn nói kiểu bất cần ấy gã bắt đầu câu chuyện về quá trình lột xác từ một tay nợ nần chồng chất thành tỷ phú rõ mồn một. Từng đậu cả đại học công an lẫn nông nghiệp nhưng gã chọn cây trồng, vật nuôi để gắn cuộc đời mình. Cầm bằng kỹ sư nhưng lại đi làm nông dân trồng nấm vì thấy mấy Cty nấm ở tỉnh làm ăn bết bát quá. Đùng một cái người ta thấy nấm nhà gã xuất khẩu ào ào. Thời ấy, bao nhiêu Cty mời gã về làm với mức lương hậu hĩnh nhưng gã phớt lờ bởi “trồng cho mọi người biết thế thôi chứ không thích làm người nhà nước”. Cũng vì suy nghĩ ấy, gã bỏ nghề nấm đang thịnh đi nuôi rắn độc. Được một thời gian lại chuyển sang nuôi kỳ đà, nhím… Đúng là thành công của gã ngày hôm nay được xây bằng những thất bại. Tính sơ sơ cũng vài chục vật nuôi gã đã trải qua, cuối cùng “chốt” lại bằng ba ba, ếch và trăn.

Cái ngày gã đào ruộng cấy lúa tám thơm đặc sản nhà mình lên để làm ao nuôi ếch, vợ gã không dám ra khỏi nhà vì sợ làng xóm bàn ra tán vào. Bao nhiêu lần cầm sổ đỏ chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền trả nợ, người ta cứ tưởng gã “đứt” với mấy con vật nuôi khó tính nhưng rồi thất bại đối với vợ chồng gã đã thành quen. Phải mãi đến đầu những năm 2000 thì không thấy thất bại nữa. Chỉ với 1 ha đất nhưng hiện trong tay gã, tổng tài sản cũng lên đến mấy chục tỷ đồng. Mỗi năm trang trại gia đình gã sản xuất 170 ngàn giống ba ba, 1 ngàn cá sấu giống và 1 triệu con ếch thương phẩm, hàng chục cái chuồng nuôi trăn bố mẹ… Chừng ấy, bán hàng năm cũng thu về gần 5 tỷ đồng. Trong tất cả các đại hội nông dân sản xuất giỏi từ tỉnh đến TƯ cái trang trại nhà gã luôn đứng đầu về năng suất. Những người ban đầu gọi gã là gàn lọ mọ đến mua giống và học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Tính sơ sơ mỗi năm trang trại nhà gã đón cả ngàn người đến tham quan, học tập và mua giống. Biệt danh gàn cũng chỉ còn người nhà gã dám gọi cho vui, còn người khác tôn gã là vua, triệu phú, tỷ phú, sao thần nông....

Dù đã thành công với mô hình “nuôi con đặc sản”, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương và tiền bạc bây giờ không còn là vấn đề nhưng gã vẫn cứ đi. Ở đâu có mô hình hay, có người chăn nuôi giỏi là gã đến. Có khi cả tháng trời vợ con không biết đi đâu. Mồng 3 Tết, gã xồng xộc lên nhà chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng (Hà Nội) chỉ để hỏi giun quế bán ở đâu mà ông nói trên ti vi hay thế. Người ta bảo gã không biết ngại nhưng gã khăng khăng kiểu “học hỏi để sản xuất thì chẳng có gì phải ngại cả”.  

Khiến GS Nguyễn Lân Dũng giật mình 

Ngồi nghe gã kể quá trình làm giàu có vẻ đơn giản nhưng thực tế gã chiêm nghiệm rằng, hầu hết những điều đã trải qua chỉ có thực tế mới thành công được, còn sách vở chưa bao giờ dạy hoặc…dạy sai. Những kinh nghiệm mà một thời cán bộ nông nghiệp từ tỉnh xuống xã đều cho gã là bốc phét.  

Ông Vũ Cao Thăng bên trang trại bạc tỷ

“Trong các tài liệu về nuôi ếch từ trước đến nay đều viết rằng ếch chỉ ăn mồi động. Nhưng nếu chỉ dùng mồi động thì rất khó kiếm, thế mà tôi luyện bắt nó phải ăn mồi tĩnh. Đến khi thành công, trình bày ở mấy hội nghị cả đội ngũ kỹ sư nông nghiệp tỉnh cười ồ cho là khoác lác. Tôi giận quá, dẫn họ về trang trại mình xem mới vỡ lở ra là làm được thật”. Gã thao thao bất tuyệt. Trong câu chuyện của gã không biết bao nhiêu lần gã rút ra được những kinh nghiệm chăn nuôi ngoài sách vở, chỉ biết số lần phải dắt tay cán bộ nông nghiệp về tận nhà để chứng minh cho các kết luận của mình thì không đếm xuể. Thậm chí có lần gã còn khiến GS Nguyễn Lân Dũng giật mình vì các kinh nghiệm rút ra từ nuôi ba ba mà cả một tổ nghiên cứu động vật máu lạnh miệt mài mười mấy năm liền không phát hiện được.

Dù thành công trong sản xuất nông nghiệp đến mức “tiền không còn là vấn đề” nhưng gã bảo niềm tự hào lớn nhất không phải vì mình trở thành tỷ phú mà là từ con cái của mình. Con của gã, đứa lớn cầm bằng đỏ môn tiếng Trung đi du học, còn đứa thứ hai hiện học Đại học Ngoại thương… Nhà gã, bằng khen của con, của bố mẹ treo kín khắp các bức tường.

Số là khi nghe gã “chê” cán bộ nông nghiệp huyện khi họ cứ theo sách vở dạy bà con nuôi ba ba mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa nhiều nhất 16 con, trong khi ba ba nhà gã mỗi năm đẻ hàng chục lứa thì GS Nguyễn Lân Dũng cất công về mục sở thị. Tại trang trại nhà gã, sau khi nghe gã thao thao bất tuyệt về kinh nghiệm nuôi ba ba, lai tạo thành công ba ba Đài Loan với ba ba sông Hồng cho ra đời lai nhiều đặc tính ưu việt thì GS Dũng hết sức ngỡ ngàng. Cho đến lúc gã tuyên bố “thích cho ba ba nở lúc nào cũng được” thì vị giáo sư không khỏi giật mình. Miệng nói tay làm, gã phân tích các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm và không khí như thế nào thì ba ba có thể nở và một phát hiện trong quá trình theo dõi đó là “lúc nào ba ba bố mẹ kêu la thì nhất định trứng ba ba con sắp nở”. Từ biểu hiện đó, gã kéo điện tạo thành một ô biệt lập làm chỗ để trứng ba ba. Sau vài phút ba ba con mổ vỏ chui ra. GS Nguyễn Lân Dũng ngỡ ngàng còn gã được dịp phần phật "chém gió" rằng “cán bộ nông nghiệp thiếu thực tế mà đi viết sách thì chỉ có viết sai”. 

Vài ba lần khác, lão  “đụng chạm” đến cán bộ nông nghiệp khi tuyên bố một cuốn tài liệu của một chuyên gia về ba ba ăn cắp các đặc tính từ sách viết về…rùa. “Nói về ba ba tôi có thể trao đổi với bất kỳ ai. Các sách viết về ba ba tôi cũng đã đọc nát. Chỉ có điều một vài cuốn của các chuyên gia hẳn hoi mà viết thiếu thực tế quá. Cầm bằng kỹ sư như tôi còn chẳng hiểu huống hồ nông dân thì biết đâu mà lần. Tính tôi, cái gì không phải là tôi nói ngay, mình nông dân, sợ gì đụng chạm”.

Đụng chạm nhiều thế không sợ à? Tôi hỏi. Vẫn là cái giọng bất cần gã rít thuốc lào rồi nhìn lên trời: “Tôi xây dựng thương hiệu bằng hiệu quả thực tế. Mình làm tốt thì ắt người ta tìm đến thôi. Với lại tôi có suy nghĩ giúp được gì thì giúp. Thậm chí bán giống cho mấy người ở tận Tân Kỳ (Nghệ An) qua điện thoại không hề biết mặt nhưng vẫn liều. Bởi tôi tin, nông dân đều chất phác cả”.

Ngồi càng lâu mới biết gã nặng lòng với nông nghiệp đến mức nào. Giấc mơ lớn nhất của gã là vùng đất hai lúa Kim Sơn sẽ chuyển đổi thành trang trại kinh tế để người dân bớt khổ. Thực tế điều gã luôn trăn trở là đất đai hạn hẹp quá.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm