| Hotline: 0983.970.780

Nơi chúng tôi đến

Gần 20 năm trồng lúa chưa gặp thất bát

Thứ Ba 18/06/2024 , 09:45 (GMT+7)

HTX Thống Nhất (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) làm hai vụ lúa chắc ăn/năm và gần 20 năm nay chưa gặp thất bát.

Chúng tôi cùng ra cánh đồng mênh mông của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất trên con đường đổ bê tông chia cánh đồng trải dài cả hai bên. Ông Nguyễn Duy Viên, Giám đốc HTX chỉ bao quát cả cánh đồng xanh, bảo: "Có hai việc chính để nông dân Thống Nhất an tâm sản xuất lúa hai vụ được mùa là hệ thống đê bao ngăn lũ sớm và biện pháp chống “giặc chuột". Điều này được minh chứng qua gần 20 năm nay chúng tôi liên tục được mùa”.

Một tuyến đê chạy ra cánh đồng của HTX Thống Nhất hôm nay. Ảnh: T. Đức.

Một tuyến đê chạy ra cánh đồng của HTX Thống Nhất hôm nay. Ảnh: T. Đức.

Những năm tháng khó quên

Tôi nhớ như in đó là một ngày mưa vần vũ đổ như dốc ngược xô đựng đầy nước xuống cánh đồng làng Thống Nhất (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) khi cây lúa trên đồng lúa đang kỳ chín vàng. Trước đó, vụ mùa khá thuận lợi nên cây lúa trên đồng phát triển tốt, bà con khấp khởi mừng vì sắp có được vụ mùa bội thu. Đúng là “cơm sôi đỏ lửa, lúa chín trời mưa”, cả mấy hôm liền mưa đổ xuống, nước sông Kiến Giang dâng lên, nước trên cánh đồng cũng lên theo. Nước ngập thân lúa, hôm sau ngập chạm bông lúa chín vàng đang cúi xuống…

Tôi cũng mang đến hai lớp áo mưa theo bà con lội nước trên con đê để tìm ông Nguyễn Duy Viên (là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thống Nhất lúc bấy giờ). Mấy ngày đêm, ông Viên luôn có mặt trên cánh đồng để trực tiếp chỉ đạo bà con đắp đê cứu lúa. Gần như toàn bộ nhân lực từ già trẻ, gái trai được huy động ra đắp đê ngăn lũ. Từng đoàn xe cải tiến chở đất, gỗ, ván… xuyên mưa ra đồng.

Những đoạn đê thấp, yếu được gia cố thêm những bao cát giữ mặt. Gỗ ván được huy động chắn lên mặt đê để đổ cát chắn lũ. Sức người tranh chấp với thiên nhiên để giữ lấy những bông lúa vàng, giữ lấy bát cơm thơm của ngày mùa...

Nhưng rồi mưa lớn vẫn kéo dài. Nước lũ vỗ mặt đê trong màn mưa xối xả. Những đoạn đê yếu không chịu được sức nặng của lũ đã vỡ, nước tràn như thác vào ruộng trong bước chân chạy hối hả của bà con. Hàng chục bao tải đựng đầy cát vẫn được hối hả thả xuống chặn dòng lũ hung hãn nhưng cũng không thể nào khác được. Lũ đã thắng. Và hôm sau, cánh đồng lúa chín vàng như tranh đã chìm sâu dưới màu nước lũ bàng bạc nhấp nhô ngọn sóng…

Cánh đồng lớn của HTX Thống Nhất luôn được chọn làm mô hình sản xuất giống lúa năng suất, chất lượng cao. Ảnh: T. Đức.

Cánh đồng lớn của HTX Thống Nhất luôn được chọn làm mô hình sản xuất giống lúa năng suất, chất lượng cao. Ảnh: T. Đức.

Tôi ngồi với ông Viên trong ngôi nhà cấp bốn là trụ sở của HTX. Mái ngói cũ, mưa thấm dột chảy đầy vai áo mà ông Viên vẫn ngồi chỉ lắc lắc người để tránh. Mắt ông trũng sâu, thở hắt ra: “Tiếc đứt ruột đó anh. Lâu lắm rồi bà con mới được vụ mùa lúa bộn. Tưởng năm nay đủ ăn, đủ mặc… Rứa mà ông trời hại quá, thương bà con quá”. Nói rồi, ông nhìn ra màn mưa trầm ngâm tính toán khi mưa lũ ngớt thì phải làm gì để vớt vát phần nào hạt lúa trên đồng.

“Mới đó mà đã hai mấy năm rồi đó anh hè”, tiếng ông Viên trầm ấm nhắc lại chuyện xưa.

Ô tô chạy tít trên đồng

Từ bài học “trì cho thấy mà không cho ăn” của vụ mùa năm đó, kỳ đại hội xã viên ngay sau đó, ông Viên đưa phương án tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống đê điều kết hợp giao thông nội đồng. “Khi đó, cuộc sống của bà con xã viên cũng đang còn nhiều khốn khó, nhưng không thể không làm. Vì không có hệ thống đê, đập thì cánh đồng lúa vẫn còn nhiều thất bát nữa. Nhưng làm như thế nào thì phải tính”, ông Viên nhớ lại.

“Hồi đó, ra đồng chỉ có xe cải tiến thôi chứ ai nghĩ đến ô tô như bây giờ, nhưng chúng tôi đã thiết kế mặt đê rộng đến 5 - 6m”, ông Viên nói. Hơn tuần đo đạc, tính toán, hệ thống đê, đập lớn nhỏ có trên bàn giấy. Tuyến đê nào chưa làm được thì cứ cho bà con tiếp tục gieo cấy, khi có nguồn thì tiếp tục làm. Nguồn được huy động từ sức dân, từ tỷ lệ góp thóc căn cứ trên đầu sào ruộng.

“Kế hoạch mỗi năm làm dần từng tuyến phù hợp với sức bà con chứ không thể làm ồ ạt được. Trong đó cũng có nguồn hỗ trợ của nhà nước thông qua các dự án nông nghiệp. Qua hai lần dồn điền đổi thửa với thời gian gần chục năm thì hệ thống đê, đập của HTX Thống Nhất đã nên hình dạng và đủ sức chống chọi với lũ tiểu mãn, lũ sớm hàng năm”, ông Viên kể.

HTX Thống Nhất đầu tư hệ thống tường nilon, bẫy rọ để diệt chuột hiệu quả, bảo vệ an toàn cho cánh đồng lúa. Ảnh: T. Đức.

HTX Thống Nhất đầu tư hệ thống tường nilon, bẫy rọ để diệt chuột hiệu quả, bảo vệ an toàn cho cánh đồng lúa. Ảnh: T. Đức.

Bây giờ thì cánh đồng lớn của HTX Thống Nhất rộng trên 250ha được chia đều bởi hệ thống 3 con đê chạy dọc thẳng tắp với mặt đê rộng trên 6m, tổng chiều dài trên 10km, mặt đê rải cấp phối đủ tải cho ô tô lớn chạy tít tắp trên đồng.

“Trên tuyến này, chúng tôi cũng đầu tư bê tông hóa gần 2km mặt đê và sẽ làm dần khi có điều kiện” - ông Viên giới thiệu. Cũng theo ông Viên, ngoài 3 trục đường chính, các đường xương cá với mặt đê rộng từ 3 - 5m, tổng chiều dài hơn 21km cũng tạo nên hệ thống giao thông nội đồng thuận tiện cho bà con trong sản xuất. Kèm theo tuyến đê, đập là hệ thống kênh mương đi kèm đảm đương nhiệm vụ tưới tiêu trong quá trình sản xuất.

Cơ bản hoàn thiện kiến thiết ruộng đồng, HTX Thống Nhất bắt tay vào cuộc “cách mạng” đưa giống mới và khoa học kỹ thuật về đồng ruộng. Ông Viên và các thành viên Ban quản trị HTX đã lặn lội tới các viện nghiên cứu về nông nghiệp để tham khảo và xin những giống mới năng suất, chất lượng về làm mô hình. Anh Nguyễn Văn Đàn, Phó Giám đốc HTX được cử đi học tại Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) về trực tiếp đẩy mạnh công tác giống.

“Gần như các đơn vị, doanh nghiệp đều chọn HTX Thống Nhất chúng tôi để thử nghiệm mô hình giống lúa chất lượng cao vì chúng tôi làm tốt. Đến bây giờ, Thống Nhất đã cơ cấu chủ lực các giống lúa chất lượng và năng suất. Trong vòng 15 năm gần đây, Thống Nhất liên tục đạt năng suất bình quân vụ mùa trên 75 tạ/ha”, anh Nguyễn Văn Đàn, Phó Giám đốc HTX Thống Nhất cho biết.

Yên tâm sản xuất hai vụ lúa/năm

“Giao thông, thủy lợi là hai vấn đề then chốt được chúng tôi thực hiện bài bản. Thế nhưng, thêm “thù địch” mới trên cánh đồng là nạn chuột phá hại đã từng gây thiệt hại không nhỏ cho chúng tôi, nhất là ở vụ hè thu”, ông Viên chuyển sang câu chuyện khác.

Đến nay, cánh đồng lớn có diện tích trên 250ha của HTX Thống Nhất đã được xã viên yên tâm canh tác hai vụ lúa chắc ăn/năm. Ảnh: T. Đức.

Đến nay, cánh đồng lớn có diện tích trên 250ha của HTX Thống Nhất đã được xã viên yên tâm canh tác hai vụ lúa chắc ăn/năm. Ảnh: T. Đức.

Diện tích sản xuất của Thống Nhất gần như được bao bọc bởi các xã Gia Ninh, Võ Ninh, Vạn Ninh, Hóa Thủy… (huyện Quảng Ninh). Vào vụ hè thu, những diện tích ruộng ở các xã xung quanh HTX Thống nhất không gieo cấy nên chuột đổ về cánh đồng của HTX. Có năm chỉ trong vài đêm, chuột cắn phá sạch hơn 30ha lúa chuẩn bị thu hoạch.

Nhớ lại chuyện chuột phá hại mùa màng, ônng Nguyễn Phong Tú, nông dân có diện tích lúa trên 3ha cho hay: “Vì nạn chuột phá dữ quá nên nông dân chúng tôi không còn mặn mà làm vụ hè thu nữa, làm mà không có ăn thì chịu sao nổi, tâm lý đó cứ lan ra làm cả cánh đồng bị bỏ vụ”.

Nhằm tiêu trừ nạn chuột, HTX Thống Nhất đã học hỏi nhiều địa phương các cách làm để áp dụng, từ đánh bả sinh học, đánh bẫy truyền thống, đào hang bắt thủ công… nhưng chuột nhiều quá làm cũng không xuể. Cuối cùng HTX thành công khi áp dụng giải pháp làm hàng rào nilon chắn trên mương nước bao quanh cánh đồng.

Khi lúa trên đồng chuẩn bị vào kỳ phun đòng thì hàng rào được dựng lên. Khi đó, toàn bộ diện tích được chắn bằng hàng rào nilon được cắm trên những tuyến mương bao xung quanh ruộng.

Gần 20 năm nay, HTX Thống Nhất luôn được mùa liên tục với năng suất cao. Ảnh: T. Đức.

Gần 20 năm nay, HTX Thống Nhất luôn được mùa liên tục với năng suất cao. Ảnh: T. Đức.

“Mỗi tường rào nilon cao trên 0,5m để chuột không thể vừa bơi vừa cắn được. Những cọc cắm đều được nằm bên trong để chuột không bám lao vào ruộng. Ở các góc bờ ruộng đều được mở lối và ở đó được đặt những rọ bẫy. Chuột chạy vòng quanh tìm lối vào và sẽ chui hết vào rọ.

Vào thời kỳ cao điểm, lực lượng trực đồng phải 2 lần kiểm tra rọ trong mỗi đêm để bắt chuột. Có những rọ chuột chui vào đến cả trăm con. “Nạn chuột được chặn. Từ chỗ thiệt hại lớn thì nay bà con chỉ mất không đáng kể. Từ đó, HTX Thống Nhất yên tâm làm hai vụ lúa chắc ăn và gần 20 năm nay chưa gặp thất bát. Những năm gần đây, bà con xã viên có lãi từ 30 - 40 triệu đồng/ha mỗi vụ”, ông Viên nói.

Trong ngôi nhà hai tầng khang trang là trụ sở của HTX Thống Nhất, trên tầng hai có hội trường rộng. Trên tường treo nhiều bằng khen, Huân chương Lao động ghi nhận thành tích của HTX. “Tập thể chúng tôi cũng vừa vinh dự được trao chứng nhận top 100 Hợp tác xã Ngôi sao năm 2024. Riêng cá nhân tôi 2 lần được vinh danh trong 100 nông dân tiêu biểu của Bộ NN-PTNT”, ông Viên nói trong niềm vui.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.