Thông tin trên được TS.BS.CK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ tại Lễ khai mạc chương trình đào tạo liên tục với chủ đề “Hồi sức người tiềm năng hiến tạng, điều phối tạng và ghép thận” do Hội Thận học Thế giới và Hội ghép tạng Thế giới phối hợp cùng Hội ghép tạng Việt Nam tổ chức từ ngày 12-13/12 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chương trình nhận được sự quan tâm, tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ghép tạng trên thế giới như GS Herry Pleass, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật ghép Tụy Quốc gia, Australia GS Phẫu thuật Đại học Sydney (Úc); GS Rohit Lawrence D’Costa, Giám đốc Y khoa Donatelife bang Victoria Intensive Care Specialist (Bệnh viện Hoàng gia Melbourne - Úc); GS Germaine Wong, Giám đốc Thận học-ghép khu vực miền Tây (Sydney – Úc); Ông Paul Ronald Robertson, Luật gia, Điều phối viên đơn vị ghép thận - Tụy Quốc gia, Bệnh viện Westmead, Chủ tịch Hội Điều phối tạng của (Úc).
Theo TS.BS.CK Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, với vai trò là Trung tâm đào tạo khu vực Châu Đại Dương và Đông Nam Á của Hội thận học thế giới (có kinh nghiệm hơn 30 năm triển khai ghép thận, 11 năm ghép gan, 6 năm ghép tim từ người hiến sống, chết não và chết tuần hoàn…), Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ xây dựng và phát triển chương trình ghép mô - tạng từ người hiến chết não và ngừng tuần hoàn của Bộ Y tế tại Việt Nam đồng bộ trong tương lai; giúp cho bộ máy vận hành liên quan đến các hoạt động điều phối hiến và ghép tạng được mở rộng mạng lưới thuận lợi, tiết kiệm chi phí - nguồn nhân lực và theo kịp sự phát triển trên thế giới.
Cũng theo TS Nguyễn Tri Thức, đến thời điểm hiện tại, thông qua cổng đăng ký hiến mô - tạng tại TP.HCM (với sự tham gia thực hiện giữa 3 Bệnh viện: Chợ Rẫy, Thống Nhất, Nhi đồng 2 trong phạm vi đề tài nghiên cứu Sở khoa học công nghệ TP.HCM), Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận được gần 45.000 đơn (chiếm 60% tổng số đơn trên cả nước) đăng ký hiến tạng (nếu chẳng may qua đời) từ người dân trên cả nước.
Trong khuôn khổ chương trình, có 20 bài báo cáo được các chuyên gia hàng đầu trên thế giới và trong nước trình bày liên quan đến cách thức triển khai, vận hành, giám sát hiến ghép tạng được thay đổi, bổ sung và cập nhật mới…
Nổi bật với các bài báo cáo của GS John Kanellis, Trưởng khoa ghép (Thận và Tụy) Monash Health, Clayton, Victoria (Úc) chia sẻ “Ghép thận từ người hiến tạng chết tại Úc: Cơ sở hạ tầng làm việc nhóm và quản trị” – “Ghép thận từ người hiến tạng sống tại Úc: Đánh giá người hiến thận”; GS Germaine Wong, Giám đốc Thận học - ghép khu vực Miền Tây (Sydney – Úc) chia sẻ “Ghép thận từ người hiến tạng chết: Đánh giá quá trình điều phối và tiến trình phức tạp của lâm sàng trong việc ra quyết định chấp thuận thận hiến”…
Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô - tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.