| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 11/04/2020 , 05:35 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 05:35 - 11/04/2020

Gen ký ức

Vào chợ, con vẫn thích nhóm nông sản hay bị xử ép ngồi ở ngoài rìa. Mấy bà hôm nay đã biết đeo khẩu trang nhưng lại kéo nó xuống khi giao tiếp.

Chắc ngộp, chắc là thấy tiếng của mình dẹt đi, kỳ kỳ. Mấy mẹt cá lóc nhỏ, cá rô ron, cá lòng tong, cá bống.

Những người khác thì rau đắng, rau má, rau nhút, rau húng, đậu bắp, đậu đũa, sả nguyên bụi, gừng nguyên đất, cả những quả chanh cổ nhiều hạt nữa.

Gọi điện cho mẹ nói nhớ ngoại quá mẹ ơi. Sao nhớ, nhớ gì vậy con? Làm sao tả trên điện thoại một nỗi nhớ, hay một khoảnh khắc nhớ vừa ập xuống? Lúc này con thèm một cái bếp củi, bếp sẽ để ở ban-công.

Những thanh củi rất giòn của tháng Tư. Con thấy hầu như ai cũng ít lời, cắm cúi mà mở lòng ra. Muốn hỏi thăm nhau, muốn cười nhẹ khi lỡ va quệt, muốn chúc bình an bình an nhé. Nhưng không thể, vì khẩu trang, và vì không muốn nói gì cả, những lúc này.

Ngoại sẽ ra góc nhà nhóm cái bếp củi lên. Ngoại nói tụi bây ham nấu ga, tao hả, tao ghiền mùi củi lửa. Ngoại nấu cơm bằng nồi gang, rồi giề cơm cháy thơm thơm đó, ngoại rưới mỡ hành lên cho đám cháu đang vây quanh.

Ngoại nấu canh, ngoại luộc rau và cuối cùng, dưới đám tro thế nào cũng có mấy củ khoai vùi, khoai lang, khoai mì, tất cả đều đào ở ngoài vườn đem vô.

Không hiểu sao tự dưng con thèm một bếp củi, mẹ ơi, mọi thứ bỗng như đứng lại, đứng sững lại, con thấy ai cũng như đang chậm rãi ngoái đầu về phía sau, con chắc chắn họ đang nhìn về những tháng năm mà ai cũng chật vật như nhau vào cái thời đó.

Con không nói nữa, con tắt điện thoại mà thấy lòng ngỗn ngang bao nhiêu tâm sự. Các con học online ở nhà, chồng cũng ít khi ra ngoài, bốn thành viên luôn có mặt bên nhau mà nhà thường xuyên vắng lặng.

Không muốn nghe nhạc, cũng không còn thiết những vở hài, cũng không còn ưa nói với nhau những câu dí dỏm để cười. Cuộc sống như đã lật sang một trang khác, trang còn là trang trắng nhưng nước mắt thì đã thấy.

Những con người ở rìa chợ ấy so với những cửa hàng cửa hiệu đang im ỉm đóng kia, ai sẽ tồn tại giỏi giang hơn ai trong cái cơn không biết gọi là cơn gì cho xứng với sự hoành hành của nó.

Con lẳng lặng gói riêng các thứ rau bằng giấy báo để giữ chúng được lâu hơn, ít nhất cũng một tuần, hoặc có thể tuần nữa và tuần nữa.

Sả cắt khúc, gốc để đập dập nấu nước với mấy lát gừng, đoạn sả non non dành để nấu ăn, lá phòng khi cho xông hơi và…Sẽ cố gắng để không thành viên nào vướng nó, nhưng khi đã thì sẽ tự chiến đấu, tự lo cho nhau.

Con nhìn đống sả con vừa làm sạch đây để đưa chúng vào tủ lạnh. Lại nhớ ngoại nữa rồi mẹ ơi, hồi ấy, đám cháu nội cháu ngoại ở thành đã được ngoại đãi cho món sả bằm trộn giấm ớt và đậu phộng. Ngoại nấu một nồi cơm đầy khác thường, cơm nóng nghi ngút, chỉ có món sả trộn ấy mà thôi.

Ngoại giãi bày, mấy hôm rày nước kém, hàng lưới không đóng đáy, ngoại mua không được tép cá gì ráo, ăn đỡ món nhà nghèo đi.

Có bữa ngoại hết cả đậu phộng đó mẹ, mấy đứa cháu nói nhỏ với nhau, năm tới về nhớ mang nhiều đậu phộng cho bà. Rồi cùng nhau hô lên cho ngoại đỡ bứt rứt “Món này đặc sản bà ơi, ngon bá chấy!”

Con đưa mớ cá vào rửa dưới vòi. Bây giờ thì con nhớ mẹ đây. Mẹ nói bỗng dưng mẹ thấy phải kiệm tiện như hồi đó, từng xô nước, từng kí điện, từng lát chanh, từng giọt dầu ăn, từng muổng đường, muổng muối. Con cho vòi nước nhỏ lại và lắng nghe một mình tiếng thì thầm của ký ức.

Ngày đó khu nhà tập thể của mẹ con mình luôn khan nước, từng giọt từng giọt thê lương đều đều ở cái vòi cạnh chân cầu thang. Con ngủ cùng với âm thanh đó và thức cũng cùng với âm thanh đó.

Đêm khuya, đợi những căn hộ khác im im ngủ, mẹ con mình đã xuống đó, mỗi người một cuốn sách trong lúc chờ khiêng từng xô nước lên.

Khi mua được nhà riêng, việc đầu tiên là con đã chạy ào vào bếp mở hết cỡ cái vòi để nghe cho đã tiếng nước ào xuống bồn rửa. Nghe và mỉm cười. Nhưng không dám mở lâu, không dám nghe lâu, vì lại cái tật phải tiết kiệm, tiết kiệm.

Không phải ai cũng lý giải được vì sao người Việt nghiêm ngắn, hoặc ngoan ngoãn với lệnh giãn cách xã hội của chính quyền. Đã xa gì, phần đông thực sự có ăn và có chút gọi là dư dả chỉ vài chục năm trở lại đây thôi trong khi chung quanh vẫn đầy những người chạy ăn từng bữa.

Không còn chiến tranh nhưng thanh bình trong lòng người thì chưa thể, so làm sao với những xứ sở hàng thế kỷ no ấm, vương giả.

Mùi của ký ức, chưa đủ, ký ức có hẳn một bộ gen, phải, gen của ký ức và khi tình huống đến, nó đã điều khiển hành vi của con người, hai chữ kỹ năng ở đây, hình như chưa nói đủ về nó, về bộ gen can cường này, trong mỗi người dân Việt.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm