| Hotline: 0983.970.780

Giả danh công an lừa đảo người già

Thứ Năm 26/10/2023 , 08:11 (GMT+7)

Nhiều cụ ông, cụ bà trú tại Hà Tĩnh bị kẻ gian lừa với thủ đoạn tự nhận là công an gọi điện và đe dọa chuyển tiền...

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh liên tiếp xuất hiện nhiều đối tượng giả danh công an, gọi điện đe dọa các cụ ông, cụ bà để yêu cầu chuyển tiền.

Theo Công an Hà Tĩnh, chỉ tính riêng trong 6 ngày (từ ngày 10 – 16/10), lực lượng công an ở các địa phương phối hợp các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời 4 vụ giả danh cán bộ công an lừa đảo qua điện thoại, giúp người dân tránh mất oan hơn 300 triệu đồng.

Thủ đoạn giả danh công an lừa đảo chuyển tiền qua mạng tại Hà Tĩnh đang có xu hướng gia tăng. 

Thủ đoạn giả danh công an lừa đảo chuyển tiền qua mạng tại Hà Tĩnh đang có xu hướng gia tăng. 

Gần đây nhất vào ngày 23/10, một cụ ông trú tại huyện Hương Sơn suýt bị lừa chuyển 100 triệu đồng. Cụ thể, khoảng 8h30 ngày 23/10, ông Võ Văn A. (SN 1954), thôn 7, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn nhận được điện thoại của một phụ nữ, giới thiệu là nhân viên tổng đài Viettel - Chi nhánh Hà Tĩnh thông báo ông bị lộ, lọt một số thông tin cá nhân nên kẻ xấu dùng danh tính của ông để làm điều phi pháp.

Khoảng 10 phút sau, một người đàn ông khác gọi vào số máy ông An, xưng là Trung tá Nguyễn Thanh Cảnh - Trưởng phòng Điều tra Công an TP Hà Nội. Người này trao đổi với ông An là có người dân trú tại số 75 đường Đinh Tiên Hoàng, phường Trường Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tố cáo ông nằm trong đường dây tội phạm ma túy, rửa tiền với số tiền lên đến 6 tỷ đồng.

Tiếp đó, người này đề nghị ông An kết nối zalo với số điện thoại có tên “Dũng xưa” với lời giới thiệu người này làm ở bộ phận quản lý hồ sơ (Bộ Công an).

Tin lời, ông An gọi facetime cho người tên là “Dũng xưa” thì thấy người này xuất hiện với bộ quân phục (không đội mũ). Người này gửi cho ông “Lệnh bắt giữ người khẩn cấp”, yêu cầu ông phối hợp với cơ quan công an để làm rõ vụ việc bằng cách cung cấp số CCCD, kê khai tài sản.

'Con mồi' các đối tượng lừa đảo nhắm đến chủ yếu là người già ở các vùng nông thôn.

"Con mồi" các đối tượng lừa đảo nhắm đến chủ yếu là người già ở các vùng nông thôn.

Ông An trả lời chỉ có một ít tiền gửi ở Agribank Chi nhánh Hương Sơn. “Dũng xưa” yêu cầu ông ra ngân hàng, làm theo yêu cầu của cơ quan công an nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật.

Quá trình ông An trao đổi điện thoại, vợ ông là bà Lê Thị Thanh nghi ngờ có chuyện không hay. Khi ông An lấy xe máy chuẩn bị đi ngân hàng, bà Thanh đã hỏi han, thuyết phục ông đến Công an xã Sơn Trường để trình bày vụ việc.

Tiếp nhận thông tin, Đại úy Phạm Đức Thuận - Trưởng Công an xã Sơn Trường liên lạc theo số điện thoại, yêu cầu được làm việc với người của “Bộ Công an” thì được trả lời không làm việc với công an địa phương rồi lập tức tắt máy.

Cùng thủ đoạn nói trên, vào chiều 10/10, bà Đ.T.B (70 tuổi), trú tại xã Hương Xuân, huyện Hương Khê đến Phòng giao dịch Phúc Trạch (thuộc Ngân hàng Agribank Chi nhánh Hương Khê) để rút 100 triệu đồng trong sổ tiết kiệm.

Nghi bà B. bị lừa đảo, nên nhân viên của phòng giao dịch đã tạm dừng các thủ tục rút tiền và liên hệ với công an địa phương.

Khi làm việc với công an, bà B. cho biết có số điện thoại lạ xưng là đại diện công an gọi đến đe dọa, nói rằng bà liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy và yêu cầu bà chuyển tiền để giải quyết. Lo sợ trước những lời đe dọa của người lạ, bà B. lập tức đến ngân hàng với ý định rút 100 triệu đồng để chuyển cho kẻ lừa đảo. Sau khi được lực lượng chức năng giải thích, bà B. đã hiểu và dừng giao dịch rút tiền.

Chỉ trong 6 ngày (10 - 16/10), lực lượng Công an Hà Tĩnh phối hợp các ngân hàng trên địa bàn đã kịp thời phát hiện, giúp người dân tránh mất oan hàng trăm triệu đồng.

Chỉ trong 6 ngày (10 - 16/10), lực lượng Công an Hà Tĩnh phối hợp các ngân hàng trên địa bàn đã kịp thời phát hiện, giúp người dân tránh mất oan hàng trăm triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 16/10, Công an xã Mai Phụ, Lộc Hà đã giúp bà N. (73 tuổi), ngụ tại thôn Hợp Tiến, xã Mai Phụ kịp thời dừng chuyển 80 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng của kẻ lừa đảo giả danh cán bộ công an.

Từ những vụ việc, thủ đoạn lừa đảo nói trên, Công an tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy của kẻ xấu. Tuyệt đối không có việc cán bộ công an gọi điện thoại yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện người lạ gọi điện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Vụ chuyến bay giải cứu: Người nước mắt ăn năn, kẻ tự hào dù sai phạm

Sáng ngày 25/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án 'chuyến bay giải cứu' tiếp tục diễn ra tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội với phần tranh tụng.