| Hotline: 0983.970.780

Gia đình là số một

Chủ Nhật 03/05/2020 , 14:01 (GMT+7)

Thực tế cho thấy, trong nhịp sống hối hả bon chen ngày nay, nhiều người chồng (hoặc vợ) vì mải lo kiếm tiền mà quên mất gia đình.

Tình cờ đọc báo mạng có một câu chuyện về cậu bé nọ rất ý nghĩa. Một hôm cậu hỏi cha mình rằng: “Cha ơi, một giờ cha làm được bao nhiêu tiền?”. Khi được cha mình trả lời là 20 USD, cậu bé vội đi đập ống heo đưa cho cha ngần ấy số tiền và tha thiết nói: “Con trả cho cha 20 USD này, cha đi chơi với con một giờ nhé!”.

Người cha chợt chưng hửng nhận ra rằng, đã rất lâu rồi mình không dành thời gian để chơi với con, dù là mười phút hiếm hoi. 

Người của công việc

Câu chuyện của anh họ tôi là một ví dụ điển hình. Tên anh là Quang, làm việc tại một công  ty liên doanh nước ngoài với chức vụ trưởng phòng kế hoạch. Anh là người chồng, người cha mẫu mực, không đàn đúm, không tòm tem, không rượu bia (chỉ uống xã giao)…, chỉ tội anh là người của công việc.

Thực tình mà nói, phận làm vợ ai chẳng muốn chồng mình siêng năng, lo làm, nhưng “tội” ở đây là anh quá say mê công việc đến độ quên mất vợ con. Sau một ngày làm việc căng thẳng ở cơ quan, tưởng rằng anh sẽ dành cả buổi tối để thư giãn và vui chơi với vợ con.

Nhưng không, anh còn hùn hạp với bạn bè mở quán nhậu đêm nên ngày nào cũng đến khuya mới về nhà. Khi anh nhấn chuông cửa thì thằng con đã chìm trong giấc ngủ, còn chị vợ thì ngái ngủ đấy dậy loạng choạng bước ra mở cửa cho chồng với vẻ mặt bực mình.

Riêng con trai anh, vì muốn cho con khỏi “phiền” mình vào những ngày cuối tuần, anh đã mua cho nó chiếc máy tính để bàn giải trí. Nhưng rồi một hôm anh phát hiện ra con mình ngất xỉu trong phòng vì chơi game quá sức. Cũng may là anh đưa con đi cấp cứu kịp thời.

Vào ngày cuối tuần, thay vì ở nhà chơi với con, dùng bữa do chính tay vợ nấu thì anh lại xin làm thêm trực tổng đài tư vấn về luật. Rồi tối đến, anh lại bận bịu với quán nhậu của mình mà không ghé ngang nhà. Bữa cơm do vợ anh nấu lúc nào cũng lạnh nhạt, thừa mứa.

Nhiều lần chở con đi chơi, thấy gia đình người ta hạnh phúc bên nhau, chị cảm thấy tủi thân lắm. Nhưng rồi chị tự an ủi mình rằng: “Thôi kệ! Dù sao anh ấy cũng chịu thương chịu khó, chăm lo cho gia đình mà!”.

Thỉnh thoảng chị cũng hay đề nghị với chồng nên chở con đi chơi vào những ngày cuối tuần cho con thư giãn nhưng anh cứ “để  anh tính”, rồi mọi chuyện quên lãng đi.

Sự cô đơn, trống trải, tẻ nhạt khiến chị chán ngấy. Chị nghĩ mình không khác gì một osin cho chồng. Lòng tự nhủ, phải thay đổi chính mình. Thay vì ngày xưa chị rụt rè ít nói, sống nội tâm, sống vì chồng, giờ thì chị cần sống cởi mở và sống cho chính mình.

Ở xóm có một “hội phụ nữ” thường hay họp nhóm để tán gẫu vào những lúc rảnh rang ở quán nước bà Năm đầu ngõ.

Chị bắt đầu làm quen và kết thân với họ. Ban đầu thì buôn chuyện, nhưng sau đó thì  chị “dính” vào ma… đề và bài bạc. Sau những câu chuyện phiếm, họ thường họp lại để gầy sòng tứ sắc. Thậm chí họ còn kết hợp cả việc bàn đề và ghi đề.

Chị dần lún sâu vào tệ nạn mà anh Quang không hề hay biết. Mãi đến lúc chủ nợ kéo nhau đến công sở và quán nhậu của anh đòi nợ thì mọi chuyện mới vỡ lẽ.

Người của bạn bè

Vợ chồng anh Tuấn là dân kinh doanh, làm chủ được quỹ thời gian của mình để vun đắp cho vợ và con. Tuy nhiên, anh sử dụng thời gian vàng ngọc ấy cho bạn bè nhiều hơn là cho gia đình. Thật lãng phí!

Thực sự anh cũng thương vợ con đấy nhưng do tính hời hợt, chẳng nghĩ đến cảm thụ của vợ con, cứ vô tư đặt tình cảm bạn bè lên trên cả gia đình.

Biết mình lỡ tay nên sau khi về nhà, Tuấn có xin lỗi vợ và hứa sẽ không bỏ bê gia đình nữa. Tuy nhiên giống như một chiếc cốc thủy tinh có vết rạn, nó chẳng thể nào lành lại được. Suốt một thời gian dài, vợ chồng anh cứ hục hặc mãi vì chuyện này. Dẫu biết rằng đây chỉ là chuyện cỏn con, nhưng đối với phụ nữ (vốn yếu lòng) một khi đã mất niềm tin ở chồng thì khó mà êm ấm được.

Mặc dù anh đã lên kế hoạch vui vẻ, thư giãn với gia đình cả tuần, nhưng khi bạn bè rủ đi cà phê, nhậu lai rai, hoặc đá bóng… là anh hủy ngay kế hoạch mà đến với bạn.

Thậm chí có lần, vừa dắt xe ra cổng để chở vợ con đi siêu thị, nhưng bạn bè gọi điện đến là anh bảo vợ con: “Hôm khác mình hãy đi, em nhé!”. Ban đầu vợ anh còn thông cảm, vì cho rằng muốn kinh doanh tốt thì cần phải quan hệ rộng.

Nhưng sự việc này cứ lặp đi lặp lại mãi khiến chị bực mình. Rồi chị phát hiện ra rằng thực ra chồng mình chẳng xã giao với bạn bè trong giới kinh doanh mà đa phần giao du với những người “ăn không ngồi rồi”.

Một lần, đang trong nhà hàng dùng bữa với đại gia đình, anh Tuấn nhận được tin nhắn của ai đó rồi quay sang bảo vợ: “Em và con dùng bữa với ba mẹ nghen. Bạn anh nói có mối làm ăn này ngon lắm. Ăn xong, em và con đón taxi về, anh không rước được”.

Bỏ dở bữa ăn và dở dang cả cuộc đi chơi (vì còn tiết mục mua sắm), anh dắt xe ra cửa thản nhiên trong sự nghi ngờ của vợ mình. Gởi con nhờ ba mẹ đưa về giùm, chị lặng lẽ đón xe ôm theo dõi chồng.

Chị cũng đoán trước được sự việc là chồng mình không đi bàn chuyện làm ăn mà là chuyện khác. Ngồi trên xe chị cứ suy nghĩ vẩn vơ: “Liệu anh ấy có ngoại tình không? Có hẹn con nhỏ nào đó không?”. Đến khi anh rẽ vào quán bida thì chị mới nhẹ người.

Tuy nhiên, sự lo lắng khác lại trỗi lên khi bác xe ôm bảo: “Bi-da bây giờ cũng ghê gớm đấy!”. Chị lăm lăm bước vào quán với vẻ mặt bực tức. Không có gái, cũng không “mờ ám” như bác xe ôm bảo. Chỉ thấy anh đang cười hớn hở với cây cơ trên tay.

Chị chùng lòng, nhưng đã lỡ vào đây rồi nên quyết làm cho ra lẽ: “Chuyện làm ăn của anh là đây sao? Anh quan trọng bạn bè đến thế à? Vậy thì anh dọn đồ về sống chung với họ đi”. Vì mất mặt, anh tát cho vợ một cái rõ đau. Chị ra về trong nước mắt. Những người bạn của anh Tuấn chưng hửng chẳng biết chuyện gì.

Đừng quên gia đình

Khi bạn còn độc thân, bạn có thể tự do tung hoành, sống vì bản thân mình. Nhưng một khi đã lập gia đình thì nên nhớ, bên cạnh bạn còn có vợ và cả con cái.

Những việc làm, những suy nghĩ của bạn đều có ảnh hưởng và tác động đến gia đình. Vì thế hãy trân trọng những gì mình đang có bằng việc quan tâm đến vợ con, dù là chuyện nhỏ nhặt nhất.

Đành rằng công việc và bạn bè tác động không nhỏ đến đời sống gia đình, nhưng không vì thế mà đem hai thứ đó đặt lên bàn cân cùng với gia đình, bởi chúng quá chệch choạc.

Nếu bạn cứ mải mê kiếm tiền, mải nghe lời chúng bạn mà quên mất trong tổ ấm nhà mình còn có vợ, có con đang chờ đợi thì đến một lúc nào đó, những tiếng cười, những ánh nhìn trìu mến, những nụ hôn thắm thiết sẽ dần rời xa bạn.

Và “chiến tranh lạnh”, sóng gió gia đình sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, có khi mãi mãi không bao giờ hàn gắn được. Vì thế, dù đi bất cứ nơi đâu, làm gì, vui gì cũng nên nhớ về gia đình.

(Kiến thức gia đình số 18)

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất