| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai: Đảm bảo an toàn hồ đập theo hướng bền vững

Thứ Sáu 29/10/2021 , 10:13 (GMT+7)

Không chỉ khai thác hiệu quả, Gia Lai còn tiếp tục đầu tư các hồ đập bằng những ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, vận hành theo hướng bền vững, an toàn.

Hồ chứa nước Ia Ring (huyện Chư Sê) xây dựng từ năm 2004 và hoàn thành năm 2008. Ảnh: Tuấn Anh.

Hồ chứa nước Ia Ring (huyện Chư Sê) xây dựng từ năm 2004 và hoàn thành năm 2008. Ảnh: Tuấn Anh.

Các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Gia Laiđã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện thâm canh tăng năng suất cây trồng, ổn định an ninh lương thực ở địa phương. Không những vậy, các công trình thủy lợi còn tham gia cắt lũ, giảm nhẹ thiên tai, phát triển nuôi trồng thuỷ sản và cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực.

Vận hành an toàn, khai thác hiệu quả

Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Gia Lai có 118 hồ chứa nước thủy lợi các loại. Trong đó, 114 hồ chứa đang vận hành khai thác phục vụ sản xuất, 2 hồ chứa đã hoàn thành đang thực hiện công tác bàn giao và 2 hồ chứa dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2021. Hiện 6 hồ chứa có dung tích trên 10 triệu m3, 12 hồ chứa có dung tích từ 1-10 triệu m3 và 96 hồ chứa nhỏ có dung tích từ 200 ngàn - 1 triệu m3.

Để đảm bảo công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định Luật Thủy lợi năm 2017 và Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ, thời gian qua UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2021. Do vậy, công tác quản lý an toàn hồ đập trên địa bàn ngày càng được tăng cường. Theo đó, tỉnh đã thành lập được các đơn vị quản lý khai thác, mô hình tương đối phù hợp với đặc thủ, điều kiện của vùng đất Tây Nguyên.

Theo đánh giá của ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh được vận hành an toàn, khai thác hiệu quá. Công tác kiểm tra, đánh giá, lập phương án sửa chữa hư hỏng ở các công trình thuỷ lợi nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ được triển khai thường xuyên và kịp thời. Cùng với đó, phương án tích nước, phòng chống thiên tại ở các hồ chứa vừa và lớn được xây dựng đáp ứng yêu cầu. Việc kiểm tra đánh giá an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ được tiến hành kịp thời theo quy định.

“Hầu hết các hồ chứa thuỷ lợi lớn đang vận hành theo quy trình đã được phê duyệt. Ở các hồ chứa thuỷ lợi nhỏ, các đơn vị đã xây dựng quy định vận hành điều tiết để vận hành cấp nước, xã lũ đảm bảo an toàn”, ông An cho biết.

Dù đàng trong mùa mưa bão, phía hạ du các công trình thủy lợi vẫn đảm bảo an toàn. Ảnh Tuấn Anh.

Dù đàng trong mùa mưa bão, phía hạ du các công trình thủy lợi vẫn đảm bảo an toàn. Ảnh Tuấn Anh.

Ghi nhận tại Công ty Thủy lợi Gia Lai, đơn vị được giao quản lý, khai thác 13 hồ chứa loại lớn (9 hồ chứa có cửa van điều tiết lũ, 4 hồ chứa tràn tự do) trải rộng trên địa bàn 10 huyện, thị xã.

Đối với các hồ chứa có cửa van điều tiết, công trình đều có dung tích phòng lũ khá lớn, khả năng xả lũ đảm bảo theo yêu cầu thiết kế.

Cụ thể, các công trình có dung tích phòng lũ lớn như hồ chứa Ayun Hạ (huyện Phú Thiện), Ia Mlah (huyện Krông Pa) có kết quả kiểm định an toàn đập, hoạt động bình thường đảm bảo an toàn. Không những vậy, các công trình này còn tham gia cắt lũ, đảm bảo phòng lũ cho hạ du. Do đó, công tác vận hành điều tiết công trình rất quan trọng, đòi hỏi phải nắm bắt kịp thời diễn biến thời tiết, kết hợp đo đạc, quan trắc và dự báo của đơn vị quản lý, khai thác nâng cao khả năng phòng chống lũ.

Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại trong quá trình vận hành xả lũ như hồ chứa nước Ia Ring (huyện Chư Sê) do quá trình xây dựng chưa được đề cập giải pháp hành lang thoát lũ và chống nhập cho vùng hạ du. Chính vì vậy, trong mùa mưa lũ hàng năm, khi công trình xả lũ sẽ gây ngập vùng đất trồng lúa sau hạ du, ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân địa phương. Để giải quyết vấn đề này, hiện nay Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai đã đưa vào dự án đầu tư xây dựng nâng cao an toàn đập, hồ chứa từ nguồn vốn vay WB8.

Theo Sở NN-PTNT Gia Lai, việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ do UBND các huyện, thị xã, thành phố, các công ty TNHH MTV thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam, Binh đoàn 15 quản lý (đừng chân trên địa bản tỉnh Gia Lai) còn nhiều tồn tại. Hầu hết các đập, hồ chứa nước do các đơn vị quản lý không có hồ sơ công trình hoặc bị thất lạc không còn, gây khó khăn cho việc quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin.

Tiếp tục nâng cấp, xây dựng theo hướng bền vững

Theo ông Nguyễn Văn Lương, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Gia Lai, đến nay hầu hết các công trình đầu mối của hồ chứa do đơn vị quản lý đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp (đập, cống, tràn xả lũ). Đặc biệt, các thiết bị vận hành xả lũ đã được hiện đại hóa như hệ thống nâng hạ bằng Piston thủy lực, cáp tời, Pa lăng dự phòng ...

Vấn đề trang thiết bị hỗ trợ dự báo, giám sát và vận hành, công ty đã được đầu tư và lắp đặt thiết bị thủy văn chuyên dùng (quan trắc đo mưa tự động), đảm bảo thiết bị thông tin liên lạc như đường truyền internet, Camera, điện thoại, máy fax... để cung cấp thông tin quan trắc, dự báo đến các cơ quan quản lý Bộ, ngành, Trung ương và địa phương theo quy định.

Tất cả các hồ chứa cũng được đầu tư lắp đặt camera để giám sát mực nước thượng và hạ du hồ chứa, vận hành xả lũ, xả duy trì dòng chảy môi trường đã tất cả các hồ chứa.

Ông Lương cũng cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ từng bước hoàn thiện, hiện đại hóa công tác hỗ trợ dự báo, giám sát và vận hành hồ chứa.

“Hiện công ty đã xây dựng kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Trong đó, tập trung ưu tiên đối với các công trình thủy lợi lớn và có tầm quan trọng như : Hồ Ia Ring, Hoàng Ân, Biển Hồ, Plei Thơ Ga”, ông Lương nói và cho biết, công ty sẽ tiếp tục đầu tư các hồ chứa bằng các ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, vận hành theo hướng bền vững, an toàn.

Gia Lai rất chú trọng nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi. Ảnh Tuấn Anh.

Gia Lai rất chú trọng nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi. Ảnh Tuấn Anh.

Nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, xây dựng theo hướng bền vững, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cũng đã kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phi (khoảng 95,25 tỷ đồng) để thực hiện sửa chữa, nâng cấp 6 hồ chứa bị xuống cấp, hư hỏng mất an toàn. Đồng thời, thực hiện quy định an toàn đập, hồ chứa nước cho 27 hồ chứa thủy lợi theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT cũng kiến nghị sớm triển khai dự án nâng cao an toàn đập và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi bằng nguồn vốn vay WB8. Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản đăng ký tham gia dự án từ nguồn vốn vay WB8 giai đoạn 2021-2025 cho công tác năng cho an toàn đập và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi với tổng kinh phí khoảng 557,2 tỷ đồng.

Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, địa phương sẽ sớm có ý kiến với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước điều chuyển các hồ chứa nước do các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam (đứng chân trên địa bàn tỉnh) về cho tỉnh tổ chức quản lý, vận hành. Trong thời gian chờ Bộ Tài chính có ý kiến, đề nghị Bộ NN-PTNT có ý kiến với Tổng công ty Cà phê Việt Nam bố trí kinh phí sửa chữa ngay các hư hỏng ở cụm đầu mối các công trình và thực hiện các quy định về quản lý an toàn hồ đập để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2021 và các năm tiếp theo.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.