Nông dân trên địa bàn xã Ia Kdăm đang thu hoạch mỳ. Ảnh: Hà Phương. |
Một mùa mỳ thất bát còn bởi, giữa mùa, bệnh khảm lá lan rộng khắp vùng khiến cho những cây mỳ đang tươi tốt bỗng nhiên xoăn lá rồi lụi dần đi. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Pa thì diện tích mỳ vụ này đã có 1.488ha bị nhiễm khảm lá. Xã Pờ Tó ghi nhận bị nhiễm bệnh khảm lá 150ha, Chư Răng 48,7ha, Kim Tân 140,1ha, Ia Mrơn 160ha, Ia Trok 11ha, Ia Kdăm 70ha, Chư Mố 286ha, Ia Tul 110ha, Ia Broái 80ha.
Cánh đồng mỳ ở xã Ia Mrơn lớn nhất huyện Ia Pa, nhiều diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá virus. Ông Phạm Văn Thủy (thôn Kim Năng) chia sẻ: “Năm nay gia đình tôi trồng 5ha mỳ, đang trong vụ thu hoạch, mỳ ít củ hơn, chưa tính một số diện tích bị bệnh khảm lá. Mỳ giảm năng suất giá cả lại thấp hơn so với năm ngoái”.
Ông Thủy cho biết, năm ngoái trong rẫy chỉ có vài khoảnh nhỏ cây bị khảm lá và ông đã tiến hành tiêu hủy theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn. Năm nay ông trồng lại thì gần như toàn bộ rẫy mỳ bị nhiễm bệnh.
Tại xã Chư Mố, tình hình khó khăn không kém. Ông Ksor Thoan (thôn Kdranh) trồng 4 sào mỳ nhưng bị chết gần một nửa, chỉ thu được khoảng hơn 5 tấn mỳ tươi. Ông nói: “Tôi trồng mỳ đã nhiều năm, nhưng chưa năm nào thất bát như năm nay. Nhiều hộ trồng mỳ khác trong làng còn không thu được đồng nào. Chúng tôi lo vụ sau sẽ bị thiếu giống”.
Ông Tạ Tiến Hải, cán bộ Địa chính Nông nghiệp xã Chư Mố cho biết, toàn xã có 850ha mỳ, nhưng hơn 286ha đã bị nhiễm bệnh và chết do nắng hạn kéo dài. Với năng suất ước đạt khoảng hơn 2 tấn/sào (giảm hơn 30% sản lượng so với năm ngoái), giá bán cũng thấp nên ước tính nhiều người trồng mỳ bị lỗ.
Chúng tôi đến nhà chị Nay H’ly (làng Toan 1, xã Ia Kdăm) thời điểm có hơn chục người đang thu hoạch mỳ. Mỗi người một việc, đàn ông con trai nhổ mỳ, phụ nữ, người yếu hơn thì chặt củ, gom cây... Cứ thế những hàng mỳ nhanh chóng được nhổ phơi đầy trên mặt đất.
Hơn 5 giờ chiều, kết thúc một ngày lao động vất vả, chị H’ly bộc bạch: Gia đình cũng bị thiệt hại nặng khi cả ruộng mỳ gần 1ha bị nhiễm bệnh và chết khô; trong khi diện tích này năm ngoái cho khoản lãi hơn 10 triệu đồng. Năm nay mỳ bị nhiễm bệnh nhiều thu hoạch chỉ được 1,5 đến 2 tấn/sào (năm ngoái 2,5 đến 3 tấn/sào), giá thu mua 1.600 đồng/kg tươi (thấp hơn 300 đồng/kg so với năm ngoái). Nhìn chung vụ mỳ của các gia đình trong xã đều thất bát như vậy.
Những cây mỳ bị nhiễm bệnh không phát triển được. Ảnh: Hà Phương. |
Ông Lê Văn Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Pa: “Người dân cần tiếp tục theo dõi những vùng chưa bị nhiễm bệnh tại địa phương để làm giống cho vụ sau. Nên dùng giống mỳ KM94 sẽ ít bị nhiễm bệnh hơn”.