| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai: Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Thứ Tư 01/04/2020 , 13:10 (GMT+7)

Qua một năm thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của tỉnh Gia Lai khẳng định được lợi thế trên thị trường.

Sản phẩm tinh bột nghệ đỏ Agila, viên tinh nghệ đỏ-mật ong-sữa ong chúa Agila của Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai (huyện Chư Pưh) đạt chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2019.

Sản phẩm tinh bột nghệ đỏ Agila, viên tinh nghệ đỏ-mật ong-sữa ong chúa Agila của Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai (huyện Chư Pưh) đạt chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2019.

Tiềm năng to lớn

Chư Pưh là một trong những địa phương chú trọng triển khai chương trình OCOP. Theo ông Nguyễn Long Khánh, Phó Trưởng phòng NN- PTNT huyện này, sau khi tỉnh triển khai chương trình OCOP năm 2019, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ nông dân tham gia, huyện đã mời PGS, TS Trần Văn Ơn, cố vấn OCOP quốc gia về truyền đạt và hướng dẫn tất cả các xã, thị trấn những nội dung liên quan đến OCOP.

Đến nay, huyện Chư Pưh đã có 4 sản phẩm được UBND tỉnh Gia Lai công nhận sếp hạng 3 sao cấp tỉnh.

Năm 2020, huyện tiếp tục vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ nông dân đóng góp ý tưởng để hành thành sản phẩm OCOP. Hiện có 6 doanh nghiệp và 3 hợp tác xã trong huyện đăng ký 14 sản phẩm OCOP trong năm 2020.

Bên cạnh đó, huyện sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, đơn vị và các hộ sản xuất đầu tư hoàn thiện sản phẩm nhằm đạt tiêu chí của chương trình OCOP.

Trên cơ sở đăng ký của các hợp tác xã, doanh nghiệp, Phòng NN- PTNT đã đề xuất UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2020.

Theo đó, 6 HTX và 3 doanh nghiệp tại 6 xã, thị trấn đăng ký 14 sản phẩm, gồm đậu đen xanh lòng giống bản địa, tinh dầu sả cam, hồ tiêu, dầu sachi OMEGA, sầu riêng, mít, na, gạo Dai Ke Lao, tinh bột nghệ đỏ, viên tinh nghệ mật ong sữa ong chúa, trà đinh lăng, rượu đinh lăng, tinh dầu bơ, trà túi lọc linh chi.

Trong đó, có 3 sản phẩm đạt 3 sao đăng ký nâng hạng vào năm 2020 như tinh bột nghệ đỏ Agila, viên tinh nghệ đỏ-mật ong-sữa ong chúa Agila của Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai (3 sao); sầu riêng của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (3 sao); rượu ngâm đinh lăng của Công ty TNHH một thành viên Ngọc Thạch Khôi (3 sao). 

Sản phẩm dệt thổ cẩm, đồ gỗ mỹ nghệ được trưng bày tại Hội chợ nông sản, thực phẩm trong Ngày hội Du lịch năm 2019

Sản phẩm dệt thổ cẩm, đồ gỗ mỹ nghệ được trưng bày tại Hội chợ nông sản, thực phẩm trong Ngày hội Du lịch năm 2019

Còn theo chia sẻ của ông Võ Thành Tuân, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai, công ty có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh vào năm 2019.

Sản phẩm này ngay từ đầu đã đi theo hướng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sạch tại địa phương, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Gian hàng trái cây của xã Sơn Lang, huyện Kbang thu hút nhiều du khách mua sắm trong ngày hội du lịch năm 2019

Gian hàng trái cây của xã Sơn Lang, huyện Kbang thu hút nhiều du khách mua sắm trong ngày hội du lịch năm 2019

Ở huyện Kbang, tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP khá đa dạng, phong phú như trái cây, hạt mắc ca, măng khô, mật ong; dược liệu thu hái từ rừng tự nhiên và dược liệu trồng; dệt thổ cẩm, đồ gỗ mỹ nghệ, nhạc cụ chế tác bằng tre, nứa, mây tre đan; các di tích lịch sử văn hóa, không gian văn hóa cồng chiêng, du lịch sinh thái…

Đây là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các sản phẩm đặc trưng của huyện tham gia vào chương trình OCOP.

Theo ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Kbang, ngay từ đầu năm 2019, huyện đã chỉ đạo lập kế hoạch triển khai chương trình OCOP cấp huyện.

Theo đó, huyện đã thành lập hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm của mỗi địa phương.

Cùng với triển khai các hoạt động trên, huyện còn hợp đồng với chuyên gia Trường Cán bộ Quản lý NN- PTNT II tư vấn xây dựng mô hình điểm thành lập HTX nông nghiệp từ các tổ hợp tác gắn với phát triển sản phẩm OCOP, tổ chức lớp tập huấn chương trình mỗi xã một sản phẩm và ý tưởng kinh doanh, tư vấn hỗ trợ cho cộng đồng phát triển sản phẩm OCOP.

“Thời gian tới, Phòng NN- PTNT huyện Kbang sẽ tiếp tục hướng dẫn các chủ thể đã đạt sao hoàn thiện hồ sơ để tham gia nâng cấp vào năm 2020. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể có ý tưởng, có sản phẩm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để tham gia chương trình OCOP, phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ đặc trưng của huyện”, ông Tình thông tin thêm.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết, năm 2020, huyện đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để phát triển chương trình OCOP.

Trong đó, tập trung chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ về xây dựng kế hoạch sản xuất và đánh giá sản phẩm theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc chương trình OCOP; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP huyện, xã và chủ các cơ sở có đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp, HTX; hướng dẫn các chủ thể sản xuất đăng ký ý tưởng sản phẩm; xét chọn ý tưởng sản phẩm; hướng dẫn các chủ thể sản xuất hoàn chỉnh và triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh, tổ chức sản xuất các sản phẩm; xúc tiến thương mại, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, huyện cũng đã ký hợp đồng với PGS, TS Trần Văn Ơn để định hướng giúp cho địa phương xây dựng sản phẩm OCOP giai đoạn 2020-2022.

Hội thảo về các giải pháp phát triển chương trình OCOP trên địa bàn huyện Chư Pưh

Hội thảo về các giải pháp phát triển chương trình OCOP trên địa bàn huyện Chư Pưh

Mỗi khu vực trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu khác biệt nên đã tạo ra những sản phẩm truyền thống, đặc trưng, lợi thế độc đáo khác nhau.

Do đó, việc các địa phương trong tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP đã mở ra hướng phát triển với các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng ở các vùng.

Hiện nay, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai có chất lượng tốt từ chương trình OCOP là cà phê bột, khoai lang Lệ Cần, cá lăng sông Sê San, thịt bò một nắng Krông Pa, mật ong rừng, nấm linh chi, tinh bột nghệ, hồ tiêu Lệ Chí… không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong nước.

Theo PGS, TS Trần Văn Ơn, cố vấn OCOP Quốc gia, những kết quả của Chương trình OCOP được triển khai thành công bước đầu và là hiệu ứng lan tỏa trong cả tỉnh Gia Lai, sẽ có các bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, giúp xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất hơn.

Để khuyến khích phát triển sản phẩm, từ ý tưởng cũng như nhu cầu, khả năng thực tế của mỗi cơ sở sản xuất, các địa phương cần xây dựng chương trình đề ra một “sân chơi” mở, nhưng theo một chu trình, được kiểm soát chặt chẽ, theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng.

Từ đó, nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng tốt từ chương trình sẽ thu hút người tiêu dùng, giúp kinh tế vùng nông thôn khởi sắc.

Sau 1 năm thực hiện chương trình OCOP, đã có 47 sản phẩm đặc trưng của 11 địa phương trong tỉnh Gia Lai được lựa chọn gửi Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh để đánh giá, phân hạng. Kết quả, đã có 41/47 sản phẩm được chấm đạt từ 3 đến 4 sao.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.