Về huyện Kbang trong những ngày cận Tết Nguyên đán, một không khí ảm đạm bao trùm lên cánh đồng bí đỏ của nhiều hộ dân nơi đây. Bệnh khảm lá và bệnh phấn trắng đã tấn công hơn 100 ha bí đỏ làm cho cây chết dần, chết mòn.
Dịch bệnh đang hoành hành trên cây bí những ngày cận tết. |
Có hơn 3 sào bí đỏ, bà Lê Thị Thu (thôn 3, xã Đông, huyện Kbang) cho biết, gia đình trồng từ tháng 10, đầu tư hơn 10 triệu đồng với mong muốn cuối năm thu hoạch để có tiền mua sắm tết. Tuy nhiên, không biết vì sao bí đang phát triển xanh tốt thì bị bệnh khiến lá vàng, cây cằn cỗi rồi chết.
“Năm ngoái vụ này gia đình tôi thu hoạch 4-5 tấn, còn hiện giờ chỉ được 4 tạ, không đủ tiền công chăm sóc” – bà Thu buồn bã cho biết.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hà (thôn 4, xã Đông, huyện Kbang) chua xót cho biết, gia đình tôi có hơn 1ha trồng từ tháng 11, đầu tư hơn 15 triệu đồng. Gia đình đã cố tránh bệnh khảm lá nhưng nhưng lại bị phấn trắng phá hoại hơn 70% diện tích.
“Gia đình đang cố gắng chăm sóc bằng cách tưới nhiều nước và bón phân để cứu vãn 30% diện tích còn lại với hy vọng có được khoản tiền đón tết” – bà Hà than thở.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả ruộng bí quanh đây đều chung cảnh cây không ra hoa, trái bé… Nhiều gia đình thấy lỗ nên bỏ mặc cho bò ăn hoặc chuyển sang trồng cây khác.
Nhiều gia đình không thu hoạch, bỏ mặc ruộng bí đỏ vì lỗ vốn. |
Bà Trần Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang cho biết, chỉ riêng xã Đông đã có hơn 110 ha cây bí đỏ bị nhiễm bệnh. Trong đó 60 ha diện tích cây bị mắt trắng vì không ra quả, 50 ha còn lại đang nhiễm bệnh tỉ lệ thiệt hại khoảng 30 – 50%.
Theo bà Mai, do nơi đây có thời tiết rất khắc nghiệt, sáng rất lạnh nhưng đến trưa lại nắng gắt đã tạo điều kiện cho dịch bệnh khảm lá và bệnh phấn trắng hoành hành.
“Khi điều trị bệnh khảm lá và bệnh phấn trắng, người dân chỉ cần tưới cho sạch lớp sương sớm, đặc biệt là phần dưới của lá. Tuy nhiên, bà con lại dùng thuốc điều trị theo quan niệm dân gian nhưng dùng không đúng thuốc nên khiến bệnh càng lan rộng” – bà Mai cảnh báo.