| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai: Nơi lý tưởng nuôi trồng thủy sản

Chủ Nhật 10/11/2019 , 09:36 (GMT+7)

Gia Lai với lợi thế có diện tích mặt nước lớn được xem là một trong những địa phương lý tưởng trong việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

Tái tạo tự nhiên

Nằm ở vùng Bắc Tây Nguyên, Gia Lai có hệ thống ao hồ, sông suối phong phú, cộng với việc phát triển các công trình thủy lợi, thủy điện, đã tạo môi trường tốt cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

17-12-11_mo_hinh_nuoi_c_thc_lc_cuom_o_huyen_i_gri_gi_li
Mô hình nuôi cá thác lác cườm ở huyện Ia Grai (Gia Lai). Ảnh: Ngọc Thăng.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh có tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản khoảng 14.410 ha (diện tích đã nuôi trồng khoảng 1.110 ha). Sớm nhận thấy điều kiện thuận lợi này nên những năm gần đây, hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của ngành nông nghiệp và của địa phương.

Chỉ tỉnh riêng Trung tâm Giống thủy sản tỉnh, từ năm 2013 đến nay, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, thả hơn 780 ngàn con cá giống các loại ra 21 hồ chứa và hồ tự nhiên trong tỉnh.

Ở vùng Đông Trường sơn, năm 2018, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT thả 76 ngàn con cá giống xuống hồ thủy điện An Khê-Ka Nak, tất cả đều được đánh giá là sinh trưởng và phát triển tốt.

Còn ở vùng Tây Trường sơn, hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng hoạt động rất có hiệu quả. Ông Phạm Minh Châu - Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah), cho biết: Xã có hồ nước tự nhiên rộng 60 ha ở làng Al. Năm 2017, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh thả hơn 35 ngàn con cá giống vào hồ này. Làng tổ chức cho bà con tự chia thành 4 tổ, nhằm bảo vệ và đánh bắt cá xoay vòng. Bên cạnh việc có cá ăn hằng ngày, dân làng còn đánh bắt cá để bán.

"Vụ thu hoạch đầu tiên, bà con bán được 120 triệu đồng. Số tiền này được dùng vào những việc chung của làng và trích 15 triệu đồng mua cá giống thả lại hồ. Năm 2018, bà con thu hoạch cá bán được 70 triệu đồng. Hoạt động này đã thu hút được nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, giúp bà con cải thiện cuộc sống" - ông Châu cho biết.

17-12-11_2
Mô hình nuôi cá lồng mang hiệu quả cao. Ảnh: Ngọc Thăng.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đã kiến nghị với các Bộ ngành và UBND tỉnh xem xét, hàng năm hỗ trợ thêm kinh phí cho công tác khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ KHKT và thả cá ra các vùng tự nhiên, các lòng hồ chứa. Đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ đồng bào vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với việc nuôi trồng thủy sản.

Chính việc tái tạo nguồn lợi thủy sản nên người dân sinh sống gần các hồ có thu nhập ổn định thông qua hoạt động đánh bắt cá phục vụ bữa ăn hàng ngày và bán ra thị trường. 

Tổ chức nuôi lồng

Bên cạnh việc tái tạo tự nhiên thì những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi cá lồng trong các hồ chứa.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 90 lồng cá nuôi trong các hồ chứa ở các huyện Kbang, Krông Pa, Chư Pah và thị xã An Khê, nuôi dưới hình thức thâm canh và bán thâm canh, với các loài có giá trị kinh tế như: Diêu hồng, lăng nha, thác lác, rô phi đơn tính…

Ở cạnh hồ thủy lợi Ia Năng, năm 2017, gia đình ông Phạm Mẫn (tổ 4, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đầu tư thử nghiệm 12 lồng nuôi cá diêu hồng cùng một số loài cá khác, cá sinh trưởng, phát triển ổn định.

Cứ tháng 3 hàng năm, ông tiến hành thả cá giống. Sau một thời gian, ông phân loại cá, đưa sang các lồng khác để nuôi. Từ tháng 11 đến Tết Nguyên đán, ông bắt đầu xuất bán cá.

"Sản lượng cá thu về trong 2 năm qua đủ chi phí đầu tư ban đầu. Riêng từ tháng 2-1019 đến nay, tôi đã xuất bán được khoảng 4 tấn cá diêu hồng với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg, trừ tiền đầu tư con giống và thức ăn còn lãi khoảng 70 triệu đồng" - ông Mân nói.

17-12-11_3
Nuôi cá lồng phát triển mạnh tại Gia Lai. Ảnh: Ngọc Thăng.

Ông Phạm Hữu Phước - Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh, cho biết: “Những năm gần đây, cùng với việc đầu tư tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa thủy lợi và thủy điện, nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt. Người dân mạnh dạn đầu tư và lựa chọn những giống cá mới có năng suất, chất lượng về nuôi phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, giá trị kinh tế của ngành thủy sản ngày một nâng cao, đời sống người dân sống gần lòng hồ được cải thiện rõ rệt”.

Ông Phạm Hữu Phước: "Trung tâm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu các quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản; điều tra đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản; đồng thời tiếp tục hỗ trợ người dân làng Dip và Doch 1 (xã Ia Dreng, huyện Chư Pah) nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện. Những hoạt động này nhằm thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển hơn nữa trong những năm tới.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.